Sáng 29-11-2022, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX tại Hà Nội đã cử hành lễ suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN – lãnh đạo tối cao về Đạo pháp và Giới luật theo quy định của Hiến chương.
Theo đó, nghi thức suy tôn được cử hành sáng ngày làm việc thứ ba, sau phiên họp thứ nhất của Hội đồng Chứng minh GHPGVN nhiệm kỳ 2022-2027, đề cử các chức danh chủ chốt của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh GHPGVN được toàn thể chư tôn trưởng lão đồng thanh đề cử vào ngôi vị Pháp chủ GHPGVN.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tổ chức Đại hội đã trân trọng thông báo kết quả suy tôn Đức Pháp chủ và Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh trước toàn thể đại biểu.
Hòa thượng Thích Lệ Trang cung tuyên chúc từ kính dâng lên Đức Pháp chủ; Hòa thượng Chủ tịch dâng ấn tín Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu dâng cà-sa, sau đó Đức Pháp chủ đã có lời đạo từ trước toàn thể và đồng tụng Tứ hoằng thệ nguyện, cầu an lành, hồi hướng đến pháp giới chúng sinh.
Đức Pháp chủ ban đạo từ, nhắc lại sự kiện lịch sử thành lập GHPGVN năm 1981 với thành phần nhân sự lãnh đạo là tinh hoa của Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ. Ngài cũng đề cập về những di sản tinh thần vô giá mà các bậc tôn túc đã tạo dựng, đặc biệt là Đức Đệ nhất Pháp chủ – Đại lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận và Đức Đệ tam Pháp chủ – Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ liên quan tới việc đào tạo Tăng Ni có đạo hạnh và trí tuệ.
Theo đó, ngài kêu gọi tất cả Tăng Ni, Phật tử Việt Nam phát huy các thành tựu đã đạt được, tăng cường các giá trị kỷ cương, trách nhiệm để thiết thực có những việc làm chất lượng hơn nữa, góp phần xây dựng Giáo hội và đất nước, làm lợi đạo ích đời.
Ngài cùng với tất cả hội chúng đồng thanh tụng Tứ hoằng thệ nguyện, như một lời phát nguyện dấn thân bằng hạnh Bồ-tát, giải thoát cho bản thân và giúp người khác bớt khổ thêm vui, đạt được giá trị an lạc, hạnh phúc thực sự trong cuộc đời.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng sinh năm 1940 tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Hóc Môn, Gia Định (nay là huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh).
Năm lên 10 tuổi, ngài xuống tóc xuất gia với Đại lão Hòa thượng Thích Trí Đức (1909-1999) tại tổ đình Huê Nghiêm (Thủ Đức), được Hòa thượng Bổn sư cho thọ giới Sa-di tại tổ đình Linh Nguyên (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).
Từ năm 1957 đến 1960, ngài tu học tại Phật học đường Nam Việt – chùa Ấn Quang (Sài Gòn).
Ngài được đăng đàn thọ giới Tỳ-kheo năm 1960 tại Đại giới đàn Ấn Quang do Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa (1918-1973) làm Hòa thượng đường đầu, tổ chức dành riêng cho các học Tăng vừa tốt nghiệp Phật học đường Nam Việt; chính thức nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41.
Từ năm 1960 đến năm 1964, làm giảng sư.
Và sau đó, du học tại Đại học Rissho, Tokyo, Nhật Bản từ năm 1965 đến 1972.
Từ năm 1973 đến năm 1975, sau khi trở về nước, ngài được các bậc giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất suy cử đảm nhiệm Vụ trưởng Vụ Phiên dịch và Trước tác thuộc Tổng vụ Hoằng pháp.
Ngài được Đức Đệ nhị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đặc cách tấn phong giáo phẩm Thượng tọa lúc 37 tuổi.
Sau đó, ngài được suy cử đảm nhiệm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên thuộc Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ năm 1975 đến năm 1981.
Ngay sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập vào ngày 7-11-1981, ngài được là thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, đảm nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, cho tới năm 2007.
Ngài là một trong những vị giáo phẩm tham gia thành lập Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, được Trung ương Giáo hội chỉ định tham gia Ban Trị sự, đảm nhiệm Phó Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo, Phó Trưởng ban Thường trực, Quyền Trưởng ban rồi chính thức lãnh đạo Phật giáo TP.HCM trong trách nhiệm Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM từ tháng 11-1998 đến tháng 6-2022.
Trong thời gian này, nhiều công trình được kiến thiết, chỉnh trang và quy hoạch toàn diện, trong đó phải nói tới Công viên tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức, các ngôi đại già-lam như Việt Nam Quốc Tự (Q.10), chùa Thanh Tâm (Phật Cô Đơn) và chùa Phổ Quang (Quận Tân Bình); Dời trụ sở làm việc của Ban Trị sự tại từ tổ đình Ấn Quang về Việt Nam Quốc Tự với các tiện ích đầy đủ cho một trung tâm hành chánh, văn hóa và tâm linh của Phật giáo TP.HCM.
Đặc biệt, 3 ngôi chùa Việt Nam Quốc, Thanh Tâm và Phổ Quang được ngài lấy ý kiến thống nhất của Đại Tăng quyết nghị vĩnh viễn là cơ sở chung của Phật giáo TP.HCM, quản lý theo cơ chế đặc thù, không bổ nhiệm trụ trì như các tự viện thông thường khác.
Trưởng lão Hòa thượng đồng thời đảm nhiệm chức vụ Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ – tiếng nói của Phật giáo yêu nước thành lập tháng 12-1975, từ khi cơ quan báo được chuyển giao về Thành hội Phật giáo TP.HCM chủ quản từ năm 1989 cho đến tháng 11 năm 2022.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ thứ V (2002), ngài được suy cử đảm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cũng trong khoảng thời gian này, từ 2007 đến năm 2017, ngài được Trung ương Giáo hội suy cử kiêm nhiệm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN, trực tiếp tham gia chỉ đạo các kỳ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam.
Từ năm 2008 đến nay, Giáo hội suy cử ngài đảm nhiệm Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Ngài đã chủ trương xây dựng cơ sở 2 của Học viện tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM với quy mô rộng lớn gồm tòa hành chánh, các tòa học đường, Tăng xá và Ni xá; gần đây đã khánh thành và đưa vào sử dụng cơ sở Chánh điện cùng Hội trường lớn, và đang hoàn thiện công trình thư viện hiện đại, xứng tầm với trung tâm đào tạo Tăng Ni đông nhất cả nước.
Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM hiện có 2.600 Tăng Ni tu học với các hệ đào tạo từ Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học, nội trú miễn phí hoàn toàn cho hơn 1.200 Tăng Ni sinh viên tại cơ sở 2 của Học viện cũng như chùa Thanh Tâm (Phật Cô Đơn) phụ cận.
Tháng 7-2015, ngài được Giáo hội suy tôn lên ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017), ngài được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tháng 7-2020, Đức Đệ tam Pháp chủ phê chuẩn giáo chỉ ngài thành lập Hội đồng Giám luật, đồng thời cử ngài đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngày 1-12-2021, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh họp phiên đặc biệt, đồng thanh suy cử Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng đảm nhiệm ngôi vị Quyền Pháp chủ. Hội nghị kỳ 6 – Khóa VIII (31-12-2021) đã nhất tâm suy tôn ngài lên ngôi vị Quyền Pháp chủ GHPGVN.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng từng giảng dạy tại Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, sau này là Học viện Phật giáo Việt Nam cùng nhiều trường Phật học khác. Ngài đồng thời là giảng sư với hàng ngàn thời thuyết giảng, tác giả của nhiều tác phẩm đã được xuất bản, như: Nghi thức hành trì, Bổn môn Pháp Hoa, Lược giải Kinh Duy Ma, Lược giải Kinh Pháp Hoa, Lược giải Kinh Hoa Nghiêm, Hoằng pháp và Trụ trì, Tư tưởng Phật giáo (3 tập), Phật giáo nhập thế và phát triển (3 tập)…, một phần được suy tập trong “Trí Quảng toàn tập”)…
Ngài đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh Phật giáo Thế giới (IBC), tham dự và tham luận tại nhiều sự kiện, diễn đàn Phật giáo thế giới tổ chức tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc…
Trưởng lão Hòa thượng được cung thỉnh làm Giới sư, Hòa thượng Đường đầu của nhiều Đại giới đàn tổ chức ở các tỉnh, thành phố phía Nam và Tây Nguyên như: Đại giới đàn Huệ Thành (2012), Đại giới đàn Đồng Huy (2016), Đại giới đàn Trí Tịnh (2016, 2018), Đại giới đàn Pháp Hải (2017), Đại giới đàn Hoằng Đức (2018), Đại giới đàn Đạt Đồng (2020)…
Hội đồng Chứng minh là cơ quan lãnh đạo tối cao về Đạo pháp và Giới luật của GHPGVN. Hội đồng Chứng minh suy cử Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh để thực thi các chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Chứng minh giữa hai kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc; giám sát và chứng minh các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội.
Từ ngày thành lập GHPGVN (7-11-1981) Giáo hội đã suy tôn chư vị Pháp chủ: Đệ nhất Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897-1993), Đệ nhị Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch (1915-2005), Đệ tam Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (1917-2021).
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, sau lễ suy tôn, trở thành Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN.
Hoàng Độ – Ảnh: Bảo Trinh và nhóm PV Báo Giác Ngộ