Sáng nay, mùng 9-7-Quý Mão (24-8-2023), ngày đầu tiên của Pháp hội Vu lan do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Pháp chủ GHPGVN đã quang lâm Việt Nam Quốc Tự (Q.10) niêm hương khai đàn và có lời khai thị đến Pháp hội.
Cung đón Đức Pháp chủ quang lâm Pháp hội có chư tôn đức Ban Cố vấn, Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM, Tăng Ni các tự viện cùng đông đảo Phật tử vân tập.
Sau khi niêm hương tham lễ chư Phật tại đàn tràng Pháp hội Vu lan trần thiết ở hội trường Việt Nam Quốc Tự, Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã dâng lời tác bạch cung thỉnh Đức Pháp chủ khai thị đến toàn thể chúng hội đạo tràng.
Theo đó, Đức Pháp chủ nhắc lại lời dạy của Đức Phật rằng ở trong pháp giới vô tận, có nhiều loại hình khác nhau. Sự thấy biết của con người là hữu hạn, nhưng đối với thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn của Bồ-tát cũng như Phật nhãn thì thấy rằng ở trong toàn thể vũ trụ và trong pháp giới có những người an vui, có những nơi an vui, cũng có những nơi khổ ải. Đức Phật thấy rõ được những an vui và khổ ải, cũng như nguyên nhân đưa đến những an vui và khổ ải đó.
“Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời này khai diễn giáo pháp phương tiện nhằm ứng cơ hướng dẫn cho mọi người đều quy hướng về những nơi an vui. Ngài thấy được rằng cũng là con người nhưng có những con người sống với tâm an vui và thân giải thoát, cũng có những con người sống với tâm đau khổ và thân bị ràng buộc, lại có những người tâm an vui nhưng thân bị ràng buộc.
Từ đó, ngài đã có những cách thuyết pháp và giáo hóa khác nhau. Với những người tâm đau khổ và thân bệnh hoạn là do nghiệp chướng trần lao tác động qua lại. Tâm đau khổ làm cho thân bệnh hoạn và ngược lại. Khi sự đau khổ đến chỗ tột cùng thì đó chính là địa ngục. Nếu nhận biết được và thực tập các pháp của Đức Phật dạy, chúng sanh có thể thoát khỏi những địa ngục ấy”, Đức Pháp chủ nhấn mạnh.
Đối với những bậc hiền nhân thấy được sự thật của cuộc đời, sống với tâm an vui, thì cũng dần bước vào được thế giới an vui giải thoát. Đó là trường hợp của các vị Thánh đệ tử của Đức Phật.
Các loài hữu tình sống trong cuộc đời, thân tâm đều thọ khổ, tác động lẫn nhau. Khi xả thân rồi, nếu tâm còn mang theo đau khổ, không được an vui giải thoát thì tâm đó sẽ đưa họ đi vào thế giới đau khổ và tác động ngược lại, ảnh hưởng đến những người thân thuộc còn sống.
Đức Pháp chủ cũng chia sẻ về những kinh nghiệm trong tu hành để từ đó có cái nhìn về sự tương quan, tương duyên của chúng ta với thân bằng quyến thuộc qua nhiều đời nhiều kiếp. Ngài căn dặn rằng tất cả phải luôn dốc lòng tu tập để tạo nên mối tương duyên Bồ-đề quyến thuộc, mang năng lượng an lành giúp cho những người đã khuất được giải thoát.
Đức Pháp chủ cũng có lời tán thán công đức của toàn thể Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, nhân tiết tháng Bảy, trước ngày giải chế của chư Tăng, kiến lập đàn tràng để cầu nguyện cho những người đã khuất được siêu sanh cảnh giới an lành, giúp cho người sống cũng từ đó được an vui, lợi lạc.
Sau khi khai thị, Đức Pháp chủ đã dâng hương, gia tâm chú nguyện trước tất cả các án thờ tại khu vực đàn tràng cũng như bia tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19 trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự.
Lễ Vu lan là một trong những dịp lễ quan trọng trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền được tổ chức vào tiết tháng Bảy âm lịch. Đại lễ này xuất phát từ sự tích ngài Mục Kiền Liên khi đang ở trong thiền định, thấy được người mẹ quá cố của mình đang phải chịu đọa đày, thống khổ trong địa ngục.
Theo lời dạy của Đức Phật, ngài Mục Kiền Liên đã thiết lễ cúng dường phẩm vật dâng lên chư Tăng trong ngày Tự tứ để tạo phước đức hồi hướng cho mẹ. Nhờ sức chú nguyện của Tam bảo và phước đức ấy mà mẹ của ngài thoát được khổ ải, sinh về thiên giới.
Theo thời gian, lễ Vu lan trở thành lễ hội chung của cư dân các nước Á Đông, gắn với các giá trị truyền thống của mỗi quốc độ, là dịp để những người còn sống hướng lòng về người thân đã khuất, gia tâm cầu nguyện, tổ chức trai đàn nhằm mong cho người quá cố được siêu sanh vào cảnh giới an lành.
Pháp hội Vu lan năm nay do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức nhằm mục đích tưởng nhớ đến anh linh tiền nhân, liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, siêu tiến hương linh đồng bào tử nạn vì thiên tai và dịch bệnh, cầu nguyện âm siêu dương thái.
Theo chương trình, pháp hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, mùng 9, 10 và 11-7 ÂL (từ 24 đến 26-8-2023). Mỗi ngày đều có các thời thuyết giảng và các khóa lễ tâm linh, tất cả mọi người đều có thể đến tham dự và ghi danh cầu siêu cho thân quyến của mình.
Ngày 11-7 ÂL (26-8-2023), ngày cuối của pháp hội, sau khóa tụng kinh Vu lan sẽ là cung tiến chư hương linh và chẩn tế âm linh, bạt độ cô hồn theo nghi lễ truyền thống Phật giáo miền Nam.
Báo Giác Ngộ sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin liên quan đến Pháp hội Vu lan tại Việt Nam Quốc Tự.
Một số hình ảnh ghi nhận tại ngày đầu tiên của pháp hội: