Tạng kinh Pháp hoa là tạng kinh Đại thừa khác hơn tạng kinh Nguyên thủy. Kinh Nguyên thủy căn cứ theo cuộc sống của con người mà biên soạn, nên gần với loài người hơn.
Nhưng từ loài người tu hành đắc quả A-la-hán, Bích chi Phật, Bồ-tát thì kiến giải có khác, gọi là kiến giải theo Đại thừa, hay Bồ-tát đạo.
Trong Bồ-tát đạo có hai bộ kinh quan trọng là kinh Hoa nghiêm và kinh Pháp hoa. Kinh Hoa nghiêm nói về sự thành đạo của Đức Phật và quá trình tu chứng của Ngài. Kinh Pháp hoa nói về pháp thực tập đạt đến sự tu chứng của Đức Phật.
Với Phật giáo Đại thừa, hai bộ kinh này quan trọng. Những người có căn tánh Đại thừa thì hiểu được kinh, thọ trì kinh và nhận được kết quả tốt đẹp. Nhưng người không có căn tánh Đại thừa không thể hiểu và không chấp nhận được. Vì vậy, có nhiều tranh cãi, nhưng tranh cãi chỉ dành cho học giả. Còn người tu Đại thừa không tranh cãi vì không thể nói với người không thấy, không hiểu. Người hiểu tinh thần Đại thừa thì họ chấp nhận dễ dàng, không cần tranh cãi.
Thực tế cho thấy kinh Pháp hoa là bộ kinh được trọng dụng nhất trong tạng Đại thừa, nên từ xưa đã có nhiều dịch bản bộ kinh này và nhiều người thọ trì kinh Pháp hoa nhận được lợi lạc trên bước đường tu.
Lịch sử ghi nhận rằng ngài Cưu Ma La Thập dịch kinh Pháp hoa và phát nguyện nếu ngài dịch đúng yếu chỉ của Phật thì khi ngài viên tịch đốt thân, lưỡi của ngài không cháy. Vì kinh Pháp hoa nói những điều không hiểu được, nên ngài mới phát nguyện như vậy. Quả thực, trà-tỳ xong, lưỡi của ngài còn nguyên và cong lên như đóa sen hồng.
Tụng kinh Pháp hoa do ngài Cưu Ma La Thập dịch mà hành giả cảm được và làm bài kệ khai kinh như sau:
Lục vạn dư ngôn thất trục trang
Vô biên diệu nghĩa quảng hàm tàng
Hầu trung cam lộ quyên quyên nhuận
Khẩu nội đề hồ trích trích lương
Bạch ngọc xỉ biên lưu xá lợi
Hồng liên thiệt thượng phóng hào quang
Giả nhiêu tạo tội quá sơn nhạc
Bất tu Diệu Pháp lưỡng tam hàng.
Tôi nhớ lại khi thầy của thầy Lệ Trang là Hòa thượng Nhật Thiện trước khi viên tịch, tôi tới thăm. Hòa thượng đọc lại bài kệ này cho tôi nghe. Cả đời ngài chuyên thọ trì kinh Pháp hoa, nhưng rút lại chỉ thọ trì bài kệ này.
Kinh Pháp hoa có hơn 60.000 từ, kết lại thành 7 cuốn chứa đựng biết bao nhiêu ý nghĩa sâu xa. Người có căn lành thì phát hiện được những điều mới để ứng dụng thích hợp trong cuộc đời tu giúp cho việc giáo hóa đạt kết quả.
“Hầu trung cam lộ quyên quyên nhuận” nghĩa là tụng kinh cả ngày không uống nước nhưng không khô cổ mà còn cảm thấy vị ngọt cam lồ. Đó là người có căn lành cảm được kinh Pháp hoa thì được như vậy.
Riêng tôi thọ trì kinh, cả ngày không uống nước, bác sĩ cho rằng điều này lạ, vì mỗi ngày phải uống ít nhất 2 lít nước. Tôi nói thọ trì kinh Pháp hoa tự nhiên không cảm thấy khát nước. Và tôi phát hiện thêm khi tôi thọ trì kinh và lạy sám hối, không uống nước, không ra mồ hôi. Trong khi các huynh đệ uống nước rồi sám hối thì y áo ướt đẫm mồ hôi.
Không uống nước không khát và người không bị khô, không phải đi vệ sinh, nên ngồi cả ngày trì kinh được. Theo tôi, đó là sự mầu nhiệm của pháp tu. Bác sĩ nói không uống nước sẽ bị sỏi thận và không đi vệ sinh sẽ bệnh. Nhưng có điều lạ là tôi năm nay 84 tuổi, bác sĩ kiểm tra thận của tôi còn tốt, thận không có sỏi.
Thiết nghĩ trên bước đường tu, chúng ta tin pháp Phật và có căn lành thực tập sẽ có những điều tốt đẹp không thể giải thích được. Chỉ một câu trong bài kệ mà tôi thực tập đã có kết quả như vậy.
“Bạch ngọc xỉ biên lưu xá-lợi” là răng của Đức Phật sau khi thiêu kết thành xá-lợi răng. Thế giới hiện còn hai cái răng xá-lợi của Phật, một thờ ở Miến Điện và một thờ ở Sri Lanka, trải qua mấy ngàn năm mà hai răng này vẫn óng ánh trở thành ngọc, đó là hiện tượng kỳ diệu.
Khi nói rằng kinh Pháp hoa là Phật thừa, là pháp của Bồ-tát, người ta dùng hiện tượng đặc biệt này đưa vô bài kệ khai kinh để gợi ý cho người tu suy nghiệm và chứng thực trong cuộc sống.
“Hồng liên thiệt thượng phóng hào quang” nói về cái lưỡi của ngài Cưu Ma La Thập không cháy rã sau khi trà-tỳ, vẫn tươi và tỏa hào quang.
Và trong thời cận đại, tại Việt Nam có Bồ-tát Quảng Đức chuyên trì kinh Pháp hoa. Năm 1963 xảy ra pháp nạn, ngài thưa với Hòa thượng Tâm Châu là Chủ tịch Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo rằng ngài đã thọ trì kinh Pháp hoa 49 năm tương ưng với 49 năm Phật thuyết pháp, nên ngài phát nguyện đốt thân để giải pháp nạn cho Phật giáo Việt Nam. Các Hòa thượng trong Ủy ban Liên phái nửa tin nửa ngờ, vì đã tranh đấu làm đủ cách nhưng vẫn khó khăn bế tắc. Vì vậy, ngài nói tự thiêu để cứu được Phật giáo là việc khó tin nhưng có thật. Việc này tôi trực tiếp chứng kiến, khi đó không còn cách nào giải quyết nên đành chấp nhận cho Hòa thượng tự thiêu tại ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, nay là ngã tư Cách Mạng Tháng 8 và Nguyễn Đình Chiểu.
Khi Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu, điều đặc biệt xảy ra mà trên đời này không bao giờ có được là ngài ngồi xếp bằng tự tại an nhiên trong lửa đỏ rực bao phủ toàn thân cho đến khi tàn lửa. Toàn thân ngài cháy đen và chư Tăng nhìn thấy Hòa thượng gật đầu ba lần mới ngã ra. Người ta giải thích do gân rút nên ngài mới bật ngửa. Nhưng người có niềm tin và căn lành nói rằng trước khi đi về Phật, Hòa thượng cúi đầu chào chư Tăng như trong lời di chúc ngài đã nói rằng tôi trân trọng gởi lời chào đến Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Toàn thân ngài cháy nhưng trái tim của ngài còn nguyên không cháy dù sau đó đã đem trái tim ngài thiêu thêm hai lần nữa. Chính tôi trông thấy quả tim bất diệt của ngài.
Ngài Cưu Ma La Thập để lại cho Phật giáo Trung Hoa cái lưỡi và ngài Quảng Đức để lại cho Phật giáo Việt Nam trái tim. Đó là sự mầu nhiệm kỳ diệu mà chúng ta không thể giải thích. Kinh Pháp hoa nói rằng nếu người có căn lành thì thấy được điều kỳ diệu.
Riêng tôi sanh trong thời Pháp thuộc, lớn lên trong thời chiến tranh và làm đạo trong thời xã hội chủ nghĩa, tôi tồn tại được nhờ Phật lực gia hộ giúp tôi thoát được hiểm nguy trong đường tơ kẽ tóc và hành đạo đến ngày nay một cách an lành.
Với tôi, chỉ có niềm tin mới giải thích được những điều mà loài người không thể hiểu, không thể giải thích. Và kinh Pháp hoa cũng khẳng định rằng chỉ có Phật và Phật mới hiểu, còn Bồ-tát hiểu được một phần bằng niềm tin và bằng việc làm trong cuộc sống thực của chính họ. Tôi cũng hiểu bằng niềm tin và bằng sự thực tập pháp Phật của mình nên thấy được những điều không thể giải thích nhưng có thật.
Thuở còn nhỏ, mỗi khi tôi thắc mắc điều gì, Hòa thượng Trí Tịnh thường nói mai mốt lớn lên, thầy hiểu, bao giờ thành Phật thì thầy hiểu, bây giờ có nói, thầy cũng không hiểu đâu.
Hòa thượng để ngón tay vô lửa rồi ngắm nhìn ngón tay mình từ từ cháy rụng luôn mà không cảm giác nóng. Ngài còn nói không thấy ngón tay cháy nhưng thấy trong ngọn lửa, ngón tay hiện hình hoa sen. Với căn lành sâu dày và niềm tin mãnh liệt, ngài mới làm được việc cúng dường Phật theo cách này mà chúng ta không dám nghĩ tới, nói chi là làm. Sau này, tôi mới hiểu được việc ngài làm.
Với tôi, chỉ có niềm tin mới giải thích được những điều mà loài người không thể hiểu, không thể giải thích. Và kinh Pháp hoa cũng khẳng định rằng chỉ có Phật và Phật mới hiểu, còn Bồ-tát hiểu được một phần bằng niềm tin và bằng việc làm trong cuộc sống thực của chính họ.
Thật vậy, có kiểm nghiệm trong cuộc sống và bằng niềm tin, cho đến cao nhất là bằng sinh mệnh thì mình mới nhận được kết quả bất tư nghì của pháp Phật. Điển hình như Bồ-tát Quảng Đức kiểm nghiệm bằng việc đốt thân.
Riêng tôi khám phá được rằng các ngài đã vào Chánh định rồi. Con người trong Chánh định khác với con người còn lệ thuộc tứ đại ngũ uẩn. Còn lệ thuộc tứ đại ngũ uẩn thì khi thân bị khổ đau sẽ tác động tâm khổ đau theo. Nhưng người thoát được ngũ uẩn, không bị ngũ uẩn ngăn che, tức trụ được cuộc sống tâm linh thì họ không bị thân tứ đại chi phối. Hiểu được lý này, tôi luôn thực tập để mình vào Chánh định, không lệ thuộc cuộc sống, không lệ thuộc vinh nhục lợi danh của cuộc đời, không lệ thuộc sự phê phán của cuộc đời. Vì người ta không hiểu, nói cách này cách khác là việc của họ, mắc gì mình phải đính chính. Tu theo Phật, bắt chước Phật, lớn rồi hiểu, thành Phật rồi hiểu, bây giờ hiểu sai thì còn nguy hiểm hơn, không nên nói.
“Giả nhiêu tạo tội quá sơn nhạc. Bất tu Diệu pháp lưỡng tam hàng” nghĩa là dù có tội cao như núi, nhưng nhập được Pháp hoa tam muội, tội này tiêu liền, vì tội vốn tánh không.
Thật vậy, cuộc sống lệ thuộc tứ đại trải qua nhiều đời nhiều kiếp khiến tâm u mê chỉ đạo thân tạo vô số tội lỗi thì làm sao trả hết nổi quả báo trên cuộc sống này. Nhưng cuộc sống trong Chánh định hoàn toàn khác với cuộc sống vật chất bên ngoài, vì hành giả đã sám hối tiêu nghiệp rồi và an trụ Chánh định, nên tâm không còn khởi vọng niệm và tất nhiên thân cũng không tạo tội. Khi thân tâm hoàn toàn thanh tịnh trong Chánh định thì làm gì có tội lỗi và quả báo nữa.
Vì vậy, tất cả Bồ-tát tu Đại thừa hiện thân trên cuộc đời làm tất cả mọi việc nhằm làm cho người phát tâm, tạo được công đức. Cuối cùng Bồ-tát trở về cuộc sống tâm linh bất tử của các Ngài. Đó là những nghĩa lý sâu quan trọng trong kinh Pháp hoa mà người Trung Hoa xưa kia thọ trì kinh đã ghi nhận được và để lại trong bài kệ khai kinh nói trên.
Bài giảng ngày 31-7-2021 tại hạ trường chùa Huê Nghiêm
Hòa thượng Thích Trí Quảng