Phía sau tôi có pho tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, ở giữa là Đức Phật Tỳ Lô Giá Na, bên phải là Bồ-tát Phổ Hiền tiêu biểu cho hạnh, bên trái là Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi tiêu biểu cho trí.
Hoa Nghiêm Tam Thánh tiêu biểu cho Đức Tỳ Lô Giá Na làm bằng trí và hạnh, không làm bằng sự lao động trí óc, tay chân như phàm phu. Ngài không làm nhưng thực là làm, gọi là vô tác diệu lực, hay làm trong Chánh định.
Học kinh Pháp hoa, chúng ta đọc và hiểu chữ nghĩa là việc bình thường, thuộc phần phương tiện của Phật. Nhưng vào Chánh định, Pháp hoa định, mới thấy sức mạnh của Bồ-tát Phổ Hiền, tức sức mạnh của Đức Phật. Thật vậy, thực tế thấy bề ngoài Phật rất hiền lành, không có phản ứng với bất cứ người nào, nhưng ngoại đạo tà giáo không hại được Ngài. Đó là sức mạnh vô hình của Phật, của Phổ Hiền.
Tu Pháp hoa, chúng ta sử dụng sức mạnh của Phổ Hiền. Ngài có được sức mạnh vô cùng vì ở hội Hoa nghiêm, Ngài đã thành tựu mười đại nguyện để kết thành sức mạnh của quyến thuộc Bồ-đề. Quyến thuộc Bồ-đề rất quan trọng, vì một người không thể làm được gì. Vì vậy, chung quanh Phổ Hiền có vô số Bồ-tát là những người tốt và giỏi. Ai quy tụ được nhiều người tốt và giỏi giúp đỡ thì thành công. Còn sức mạnh ô hợp, sức mạnh của tướng cướp bị người ta dẹp dễ dàng. Sức mạnh của Phổ Hiền là sức mạnh của Bồ tát kết hợp được nhiều người tốt và giỏi để cứu đời. Ngài còn có thêm sự hỗ trợ của Bát bộ thiên long tiêu biểu cho sức mạnh của trời, người. Cũng vậy, Đức Phật Thích Ca được trời người cung kính, cúng dường và Hộ pháp chư thiên ủng hộ. Kinh Pháp hoa nói bà La sát rất dữ nhưng rất kính trọng Phật. Nói cách khác, tu Pháp hoa, người hiền và người dữ đều quý mến mới thực là hành giả Pháp hoa, là Phật.
Phổ Hiền hỏi Phật sau khi Phật diệt độ, làm thế nào có kinh Pháp hoa, hay hỏi Phật làm gì để được trời người cung kính, cúng dường và quỷ thần cũng quý trọng. Mình tu Pháp hoa là muốn làm Phật, muốn được như Phật.
Phật nói Ngài là Phật đã thành và Ngài cũng từ con người tu thành Phật. Các ông cũng là con người tu Pháp hoa thì sẽ là Phật.
Phổ Hiền hỏi như vậy là Ngài hỏi thế cho chúng ta để chúng ta suy nghĩ, tu hành.
Phật nói việc làm Phật dễ thôi. Theo Phật thì dễ, nhưng theo mình thì làm Phật khó vô cùng. Phật dạy có bốn việc phải làm được thì thành tựu Phật quả. Việc thứ nhất, muốn tu Pháp hoa, tức muốn thành Phật, phải làm sao tất cả chúng sanh có cảm tình với mình, quý mến mình. Thực chất tu là vậy. Còn mình tu mà không ai ưa mến thì e rằng mình là quỷ ma.
Việc quan trọng là trồng căn lành. Tôi dịch là trồng căn lành ở tâm niệm chúng. Kinh nói là trồng căn lành ở các Đức Phật. Nhưng hiểu sâu về Đức Phật thì có ba đời các Đức Phật gồm chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại và chư Phật vị lai. Mà Phật vị lai rất quan trọng, gồm những người đang thực hành tinh ba của Phật dạy thì trong tương lai, họ sẽ là Phật. Vì thế, tôi dịch là trồng căn lành ở tâm niệm chúng cho dễ hiểu.
Nếu quý vị đã trồng căn lành ở Phật quá khứ thì bây giờ mình vẫn được Phật quá khứ hộ niệm. Tu hành có kết quả tốt hay không là ở điểm này. Những kiếp quá khứ, mình đã cúng dường các Tỳ-kheo tu đắc Thánh quả là mình trồng căn lành ở Phật quá khứ rồi, nên mình tu, chắc chắn được các Ngài ủng hộ. Kinh Bảo Tích cũng ghi rõ điều này.
Ngược lại, người chưa từng trồng căn lành ở Phật quá khứ, mà tạo nhiều nghiệp ác thì bị chúng ma phá hại. Vì chiếu theo luật nhân quả, kiếp hiện tại tất yếu phải gánh chịu quả báo xấu do nhân ác đã tạo tác ở quá khứ.
Tôi tu hành, nhìn đời thấy rõ điều này. Có những người thương mình vô điều kiện, có người mình kính trọng họ thực sự dù chưa nói gì. Nhưng cũng có người mình không thiện cảm, hay có người vô cớ gây khó khăn cho mình, v.v… Đó là sự thể hiện căn lành hay nghiệp ác trong cuộc sống này. Tôi tu được đến ngày nay toàn gặp thiện tri thức hướng dẫn, chỉ đường, dạy cách tu, tôi mới thăng hoa được. Đó chính là nhờ căn lành từ quá khứ nên tôi sanh trên cuộc đời này gặp được các bậc chân tu thương và giúp đỡ, nên tôi tiến tu dễ dàng.
Với tôi, nghiệp ác và người ghét cũng có nhưng ít. Vì quá khứ việc ác ít mà tạo việc thiện nhiều hơn, nên hiện đời điều thiện đã phủ lấp điều ác khiến cho nhiều người thấy tôi thiện lành làm họ thương, bảo vệ tôi thì người ác cũng không làm được gì. Tu Pháp hoa phải được kết quả như vậy, không phải chỉ đọc kinh suông. Đọc kinh để hiểu nghĩa lý sâu ẩn chứa trong lời Phật dạy và thực tập pháp Phật trong cuộc sống được tốt đẹp.
Nếu trồng căn lành ở Phật quá khứ, kiếp này mình tu dễ, đương nhiên được Phật quá khứ hộ niệm thì mình vào thiền định, Phật lực phóng quang gia bị làm trí tuệ mình phát triển vượt bậc. Nhưng muốn có sức thông minh do Phật hộ niệm, phải luôn sống trong Chánh định. Còn người ngồi thiền cả tuần, cả tháng nhưng trí tuệ không sáng bị Tổ quở là củi mục, than nguội. Vì họ chưa trồng căn lành ở Phật quá khứ, nên vào định, không biết gì.
Tôi nhắc lại, muốn có kinh Pháp hoa, tức muốn thành Phật, cần có bốn điều kiện: 1. Trồng căn lành ở các Đức Phật, 2. Được Phật hộ niệm. 3. Luôn sống trong Chánh định là sống yên tĩnh, sống với nội tâm nhiều hơn.
Tôi tu có kết quả nhờ các mùa tu gia hạnh Phổ Hiền, tôi sống độc cư, không nói chuyện, không tiếp xúc, không nhìn ra bên ngoài, vì hướng ngoại làm tâm loạn động, không có Chánh niệm làm sao vào Chánh định được.
Có trồng căn lành ở các Phật quá khứ, vào Chánh định được các Ngài phóng quang gia bị làm mình sáng suốt đặc biệt, kinh Pháp hoa gọi là thấy biết thực tế rõ ràng, chính xác. Biết rõ cái gì? Biết rõ thời gian là bây giờ và biết rõ quốc độ là ở đâu. Trong khi người tu chấp pháp, nên không biết rõ mà cứ khăng khăng rằng kinh Phật nói như vầy, nhưng thử nghĩ xem y theo kinh thì có phát triển được đạo pháp hay không, thậm chí có giữ được mạng sống hay không? Thiết nghĩ căn cứ vào kinh để thực tập đạt được trí tuệ, giúp mình thấy đúng, thấy bây giờ mình đang ở đâu và nên làm gì cho thích hợp. Theo kinh Pháp hoa, đó là thấy đúng cái thực trong hiện tại. Còn đem quá khứ đặt y vô hiện tại không được, chỉ tham khảo thì được.
Thể hiện ý này, kinh ghi Phật nói với anh chăn trâu, nhưng khi anh này tu theo Phật đắc La-hán thì Phật nói khác. Khi anh chưa đắc đạo, Phật bảo phải tu Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, cho đến Thất Bồ-đề phần, cuối cùng đạt Bát Chánh đạo, thành La-hán. Đó là pháp Phật dạy cho người thường, cho Thanh văn phải theo quá trình này tu, đắc La-hán là thấy chính xác, tức cuối cùng cũng phải thấy chính xác. Nhưng người tu Pháp hoa dù chưa đắc đạo cũng phải thấy chính xác như La-hán mới thực sự là hành giả Pháp hoa.
La-hán thấy đúng, không sai lầm là thấy đúng người, đúng việc, đúng lúc, không nói chuyện quá khứ.
Còn mình bị kẹt căn trần thức ở thế giới loạn động, bị tất cả mọi việc chi phối, thấy theo kiểu của mình, làm sao thấy Phật, vì Phật ở thế giới thanh tịnh. Phật nói trong kinh Pháp hoa rằng muốn tiếp nhận được Phật lực gia bị phải vào Chánh định. Điều này rất quan trọng. Tôi thực tập pháp này gặt hái kết quả thực sự, nghĩa là khi tôi bị cùng đường, nghĩ là chết thì bấy giờ không nghĩ gì nữa, lại được Phật hộ niệm. Còn trước đó, sợ quá, nghĩ đủ cách để thoát thân. Nhưng ngừng suy nghĩ thì Phật lực gia bị khiến mình sáng ra và không chết mới là kỳ diệu.
Ở đời ngũ trược ác thế này, tu Pháp hoa đắc La-hán rất khó. Nhưng giữ Chánh niệm vào Chánh định được Phật hộ niệm giúp mình cũng biết chính xác sự việc như La-hán. Đó là cốt lõi của Pháp hoa. Và thấy đúng rồi, theo đó mà xử trí, việc trước việc sau thấy khác nhau, nên làm đúng theo từng tình huống, không làm như người mù lặp lại cái cũ. Thật vậy, người có mắt huệ thấy biết rõ ràng đúng đắn. Họ ở TP.HCM, ra Hà Nội, qua Paris, sang Washington… tới chỗ nào thì họ biết rõ chỗ đó phải làm gì cho đúng. Tiếp xúc với nông dân, họ biết phải nói gì, tiếp xúc với thương gia, họ cần nói gì, hoặc đối diện với chánh khách, họ nên nói gì. Thấy biết sẽ xử sự đúng đắn. Người không thấy đúng thì bao giờ cũng lặp y lại của người trước, không đúng với thực tế đôi khi có hại hơn là lợi.
Phật nói Thánh La-hán ứng xử đúng với hoàn cảnh xảy ra thì cũng có giá trị lúc đó thôi. Vì vậy, phải biết mình ở vị trí nào thì tu tập trong hoàn cảnh của mình có kết quả và từ từ tiến lên, còn muốn cao hơn làm sao được.
Theo tôi, người tu Pháp hoa giữ Chánh niệm, trụ Chánh định ví như loài rùa lặn dưới nước hay lên bờ cũng sống được. Mình sống trong biển trần gian, giữ Chánh niệm để thấy rõ cuộc đời, quan sát biết rõ mọi người, mọi loài và mình trèo lên bờ là phải ở Chánh định để tiếp xúc với chư Phật.
Thực tế hai người cãi nhau đến đánh nhau, vì mất Chánh niệm, mất bản tâm, không còn tánh người. Vì không có Chánh niệm, không quan sát được người trước mặt là ai, nên họ không hiểu nhau, cứ cãi nhau.
Còn mình có Chánh niệm, nghe người nói, mình biết lòng họ nghĩ gì, họ thuộc thành phần nào thì mình có nên nói, nên cãi hay không. Thể hiện điều này, Phật gặp người xỉ vả Ngài từ sáng tới chiều, Ngài yên lặng, giữ Chánh niệm quán sát xem tại sao họ ghét. Phật được vua chúa, trưởng giả cúng dường, ngoại đạo tà giáo ghét là vậy. Vì khi Phật chưa ra đời, họ làm ăn được quần chúng mê tín theo. Nay họ không làm ăn được, bực tức, tỏ thái độ. Nhìn kỹ thấy con người thực của họ lộ ra hết, còn họ ngồi im, người ta tưởng họ là thánh. Có Chánh niệm thấy rõ như vậy nên Phật thương họ. Mất Chánh niệm thì phản ứng qua lại.
Người tu Pháp hoa luôn giữ Chánh niệm để đối xử với cuộc đời không phạm sai lầm, không đụng chạm để không gây thù chuốc oán. Trụ Chánh định để tiếp xúc với Phật, học Phật để ứng dụng tốt đẹp với cuộc đời là hành Bồ-tát đạo mới thành Phật.
Vì vậy, điều thứ tư, đối với người chống phá, người không tốt, mình thương họ nhiều hơn, gọi là phát đại bi tâm. Vì họ nghĩ mình làm mất quyền lợi của họ, họ ức thì tạo tội, họ càng bị đọa sâu nữa. Biết như vậy và học theo Phật là bậc luôn sống với tâm đại từ, mang nguồn vui cho người, nên mình tự cảm thấy có lỗi với họ. Ý thức như thế mới tu Pháp hoa được. Nếu không, thì nói người ta không để yên cho mình tu thì dù có tụng cả ngàn bộ kinh Pháp hoa vẫn bị đọa.
Ở Chánh định, mình chưa biết nghiệp duyên quá khứ, nhưng được Phật phóng quang gia bị, mình có cái nhìn khác, thấy người có duyên với mình, mình độ được thì tới đó độ. Như Phật Thích Ca lúc sanh tiền, Ngài ở Chánh định, chư Phật mười phương mách bảo Ngài nên tới làng đó gặp người đó để độ.
Mình mong Phật chỉ mình để mình không phạm sai lầm. Vì Phật chỉ mình trong Chánh định, mình ra tới đó, có Chánh niệm, mình quán sát xem có đúng như Phật nói hay không. Và kết hợp được Chánh định và Chánh niệm là hành giả Pháp hoa.
Vì nhiều khi vào Chánh định, sống với Chánh định thấy an lạc quá, nhưng ra thực tế lại thấy ảm đạm. Từ đó, các La-hán muốn nhập diệt là ở luôn trong Chánh định tu thì thấy vui, ra ngoài khổ. Chẳng hạn với pháp đơn giản như chứng Ly sanh hỷ lạc, tìm nguồn vui ở trong nội tâm, tìm nguồn vui ngoài sự sống thì mình sống ẩn cư được an lạc, nhưng ra cuộc đời quá phiền phức.
Vì vậy, điều quan trọng là ở Chánh định được Phật chỉ bảo và ra thực tế, với Chánh niệm quan sát cũng thấy đúng như vậy thì tu có kết quả tốt đẹp. Đó là thể hiện được sự kết hợp hài hòa của Chánh niệm và Chánh định, giữa thế giới Vô sanh và thế giới sanh diệt.
Theo tôi, ở Chánh định thấy như vậy, nhưng ra ngoài thực tế thấy không phải như vậy thì nên bỏ, không làm. Vì tưởng mình vào Chánh định, được Phật hộ niệm thật, nhưng không phải Phật hộ niệm mà bị ma nhiếp trì, nên ra thực tế, làm theo sự xúi bậy của ma là thọ quả báo.
Có Phật, sống theo Phật cảm thấy an lành, nhưng Phật Niết-bàn, mình cảm thấy đơn côi, vì cuộc đời phức tạp quá, mình không đủ khả năng đối phó. Cho nên khi Phật vào Niết-bàn, một số La-hán nhập diệt theo. Như Xá Lợi Phất nhập Niết-bàn trước Phật ba tháng.
Đức Phật nói rằng Ta còn thì các ông theo Ta, nhưng Ta vào Niết-bàn, các ông vào Niết-bàn sẽ thấy Ta. Còn người tu Pháp hoa, trong phẩm Phân biệt công đức thứ 17 khẳng định: “Nếu trụ Chánh định thì thấy thân Ta, nghe Ta thuyết pháp, tăng trưởng Phật huệ. Ai gần người này, tâm cũng được an và thấy hằng sa vô số chư Phật, mau đến Vô thượng Bồ-đề”.
Cốt lõi kinh Pháp hoa dạy như vậy, nên bằng mọi cách phải vào Chánh định để thấy Phật. Trí Giả cũng thể nghiệm pháp này. Ban đầu, ngài tụng kinh Pháp hoa, nghĩ rằng Phật Niết-bàn, không có Phật, ngài khóc, rồi thiếp đi, thấy Phật hiện ra. Tôi nghĩ không phải như vậy.
Ngài không đọc kinh, nhưng vào Chánh định thấy thế giới Phật hiện ra và ngài nghe Phật thuyết pháp. Khi trở ra cuộc đời, thì ngài trở thành người thông minh kỳ vĩ. Tổ Huệ Tư thấy mặt ngài sáng rỡ, Tổ không thuyết pháp nữa mà bảo Trí Khải thay Tổ giảng kinh Pháp hoa. Tổ nghe xong, nói rằng ông đã ngộ yếu chỉ Pháp hoa, nên xuống đất Kim Lăng truyền đạo. Vâng lời Tổ, ngài đến Kim Lăng, suốt ba tháng hạ, ngài chỉ giảng một chữ Diệu của Diệu pháp liên hoa mà thính chúng không chán. Và ngài bảo rằng nói cũng chưa hết nghĩa của chữ Diệu, còn muốn nói nữa.
Ngài giảng Pháp hoa huyền nghĩa không xa rời ý Phật dạy nhưng phù hợp với cuộc đời, tạo thành sức thuyết phục đến mức nhà vua phải ra lệnh bãi triều để vua quan đi nghe ngài giảng. Không phải Trí Giả nói riêng cho vua quan, nhưng mỗi người đều thấy như ngài giảng cho họ. Đó là ý nghĩa Phật thuyết nhứt âm, chúng sanh tùy loại giải. Ngài giảng một chữ Diệu mà ai nghe cũng thấy chữ Diệu ứng với cuộc sống của họ và thực tập có kết quả, cảm thấy an vui. Pháp hoa là như vậy.
Như đã nói, Phật Niết-bàn, có bốn điều kiện để có Pháp hoa, tức có Phật, đó là trồng căn lành ở các Đức Phật quá khứ, được Phật hộ niệm và vô Chánh định là Pháp hoa định thấy mười phương chư Phật hiện ra nói pháp giúp mình tiếp thu thì ứng xử được tất cả mọi tình huống trong cuộc sống, đạt kết quả tốt đẹp. Phải sống trong Chánh định, rời định là mất Phật vì mình ở thế giới sanh diệt, vào thế giới Vô sanh mới thấy Phật.
Vào định nhận được lực Phật hộ niệm, sau đó, ra định để giáo hóa chúng sanh, phải phát đại bi tâm, tức gặp nguy hiểm không buồn giận, thương ghét. Người đáng ghét mình cũng thương là có tâm đại bi. Với người không đáng ghét, không chọc phá mình mà mình cũng ghét là tâm ác ma.
Người tu Pháp hoa có bốn điều kiện nói trên, Phổ Hiền thưa với Phật rằng ngài sẽ ủng hộ họ. Phổ Hiền cam đoan nếu các ông cố gắng thực tập bốn điều này mà có ác ma đến nhiễu hại, ngài sẽ xử lý. Nếu các ông bận tâm xử lý, ngài bỏ mặc, không đến cứu.
Riêng tôi, hoàn toàn tin Phổ Hiền Bồ-tát, nên không đối phó với nghịch cảnh, nhưng hoàn cảnh tốt tới. Tôi nói rằng đó là lực Phổ Hiền gia bị khiến người có quyền thế ủng hộ mình. Mình đối phó thì thua chắc, vì làm sao mình đấu nổi với ác ma. Chỉ có Hộ pháp là hai ông Mật Tích và Kim Cang là lính của Phổ Hiền, được ngài giao phó trách nhiệm xử ác ma. Phổ Hiền hứa hai ông này sẽ bảo vệ mình, mình yên tâm tu theo Phật. Nếu mình cãi nhau và đánh tay đôi với ác ma thì chết ráng chịu, Phổ Hiền không cứu.