Tích môn Pháp hoa

Tôi gợi một số ý về Tích môn Pháp hoa và Bổn môn Pháp hoa để Phật tử hiểu được và tu cho đúng Chánh pháp.

Thực tế cho thấy có người suốt đời tụng kinh Pháp hoa nhưng không có kết quả tốt đẹp, thậm chí tụng kinh Pháp hoa lại gặp khó khăn nhiều hơn, thường gọi là nghiệp khảo.

phaphoa.jpg

Tất cả người tu chúng ta có hai dạng, một là tu chung chung, pháp nào cũng tu, kinh nào cũng tụng nhưng không gặt hái được lợi lạc mà lại bị nghiệp khảo, tức bị bệnh hoạn, tai nạn, làm ăn thất bại, gia đạo bất hòa, nói chung là bị đủ thứ chuyện không hay, rồi nói tại tu bị nghiệp khảo, bị đổ nghiệp. Nhưng thử nghĩ xem có nghiệp thì nghiệp mới đổ ra được chứ.

Có nghiệp ví như mình thiếu nợ, tất nhiên chủ nợ sẽ để ý xem mình có tiền không để họ đòi, hay gây khó khăn, hoặc nghe mình tu, họ nói coi chừng mình trốn nợ. Đó là nghiệp khảo, nghiệp bao vây, nghiệp đòi mình phải trả nợ.

Gia đình, vợ con cũng coi như là nợ; con là nợ, vợ là oan gia. Vì mình nợ, nên phải có trách nhiệm nuôi con đến trưởng thành; luật pháp cũng quy định như vậy. Nhưng mình bỏ đi tu, vợ con không đồng ý nghĩa là có nợ thì nó đòi.

Người có nợ muốn trốn nợ đi tu rất khó, vì trốn ở đâu họ cũng tìm đòi cho được. Chỉ có cách là mình thỏa hiệp, tức tìm cách giải quyết hợp lý hợp tình cho người hiểu được và chấp nhận thì giải quyết xong, họ để yên cho mình tu. Mình nói với họ rằng cả đời làm lụng đầu tắt mặt tối mà cũng không được gì, nhưng nếu để mình tu sanh phước mới có thể giải quyết mọi việc êm đẹp.

Hoặc mình thỏa hiệp với gia đình, với chủ nợ rằng nếu tôi ở đây không làm ăn được, nợ chồng chất, để tôi đi ra nước ngoài làm việc được sẽ có tiền gởi về trả nợ. Nghe vậy, gia đình hay chủ nợ bằng lòng để cho mình đi.

Nhưng coi chừng nghiệp nặng, muốn đi kiếm tiền trả nợ lại gặp ác ma dụ mình bán nhà để nó lo cho mình đi. Nhưng đưa tiền rồi, đi không được, hay nửa chừng bị chết. Người có nghiệp thường gặp nghiệp dẫn như vậy nên tai nạn xảy ra liên miên, thì dù tu gì cũng ở trong sinh tử luân hồi và nghiệp chướng luôn luôn tăng thêm. Kinh Pháp hoa nói ý này rằng tu nhiều mà không hết phiền não nghiệp chướng lại tăng. Đa số người tu muốn được nhiều, nhưng không được, lại mất nhiều và cuối cùng trắng tay, nhiều người rơi vào lưới ma là vậy. Tu hành phải cân nhắc điều này.

Thật vậy, hễ mình khởi ý niệm đồng với ma nào thì nó sẽ tới với mình. Tôi thường nói người chết làm ma, ma tái sanh làm người. Cho nên người và ma rất gần nhau là cả hai đều có tánh tham. Mình muốn được và ma cũng muốn nhiều hơn thì hai lòng tham này sẽ gặp nhau. Ma hung dữ và gian ác thì cướp của giết người là việc bình thường đối với ma. Vì vậy, lọt vào lưới ma thì không có cách thoát.

Thật vậy, khi lòng mình nhiều ham muốn và dễ bực tức chắc chắn sẽ gần với thế giới ma nên trên bước đường tu, khởi tâm như vậy nhất định phải lọt vô thế giới ma. Thí dụ mình cần tiền, nó dụ mình tới thầy bói để nghe họ phán rằng mình nên tin tưởng làm ăn với người tuổi này sẽ thắng lớn. Việc này thuộc về gian ác, vì Phật dạy rằng tất cả mọi việc tốt xấu đều do nhân quả tạo thành. Muốn bỏ ít tiền mà muốn lãi nhiều chắc chắn không được, chỉ có kẻ làm ăn gian dối lừa đảo mới đưa ra chiêu bài như vậy để kích thích lòng tham của người nhẹ dạ. Vì vậy, mình tham gặp nó tham hơn thì sập cái bẫy này là mất trắng.

Ma đóng đủ thứ vai. Nó thấy Phật tử kính trọng nhà sư thì nó mua áo tu và cạo tóc là thành sư. Mình phải thấy ánh mắt nó hiền hay dữ, lời nói, cử chỉ của nó có phải là sư thật hay không. Phật dạy mắt người tu không liếc qua liếc lại, không nói ác, không nói bịa đặt…

Thuở nhỏ, tôi đọc truyện thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, có ghé vô chùa Tiểu Lôi Âm. Tam Tạng thấy tượng Phật Tổ Như Lai, La-hán thì mừng quá vội vàng sụp lạy, nhưng Tề Thiên thấy đó là ma giả Phật, giả La-hán, vì ông nhìn thấy La-hán này có con mắt láo liên, La-hán kia có vẻ mặt đắc chí…

Quý vị hãy cẩn thận, mình muốn tu, nó hiện hình thầy tu để dụ. Thực tế cho thấy đa số người tu rơi vô bẫy này thì chán nản bỏ đạo, tức tu không có kết quả.

Muốn tu được, Phật nói có hai con đường vào đạo là Tích môn và Bổn môn. Con đường thứ nhất gọi là Tích môn, đi vào đạo theo con đường phương tiện này tương đối dễ hơn, tuy chậm nhưng chắc. Nói dễ nhưng cũng phải tu thiệt, không phải đi chùa cúng một nải chuối để cầu Phật cho đủ thứ. Tích môn hay Bổn môn đều phải tu mà thành tựu công đức, gặt hái quả vị Hiền thánh, không phải xin mà được.

Riêng tôi không xin Phật, nhưng Phật cho quá nhiều nên tôi phải nghĩ cách nào để sử dụng đúng đắn giúp cho người cúng được phước. Vì Phật không đưa tiền cho mình làm việc sai trái. Phật có trí tuệ tuyệt vời, Ngài thấy rõ lòng mình và cũng thấy khả năng mình làm được việc lợi lạc cho đời, Ngài mới giao việc gọi là Phật bổ xứ. Không phải Phật không biết mà ai Ngài cũng giao việc. Mình tu Tích môn, Bổn môn hay pháp môn nào mà Phật thấy mình sẽ gặt hái thành quả thì Phật mới hộ niệm cho mình tu.

Con đường Tích môn không phải chỉ tụng kinh thôi, nhưng Phật dạy phải đọc tụng, suy nghĩ, tìm nghĩa trong kinh và làm theo cho được kết quả.

Như đã nói con đường tu dễ đi nhất là Tích môn, nói Tích môn dễ nhưng chắc chắn không phải tu dễ. Tích môn là gì.

Phật nói muốn tu, đầu tiên phải rèn luyện mình thành người đạo đức trên cuộc đời. Muốn làm Tiên, làm Phật phải tu đạo làm người trước. Nếu người coi mình không tốt thì không thể làm Tiên, làm Phật. Vì vậy, tu Tích môn xem người xung quanh đánh giá mình thế nào, từ đó tự sửa đổi, rèn luyện để cuối cùng người nhận xét rằng mình tốt là được. Phải làm người tốt trước, mới làm Hiền thánh sau.

Làm người tốt, quý vị làm gì. Tuy mình dở, nhưng họ nói mình tốt, tức mình không nói sai, luôn nói thật, nên người tin được. Theo tôi, quý vị nên ít nói, nhưng nói gì cho chính xác. Vì nói nhiều lỗi nhiều, nói ít lỗi ít, không nói không lỗi thì dại gì nói để mắc lỗi. Làm người tốt là người không có lỗi vì không nói sai.

Ngài A Nan nói rằng dù cho mặt trời lạnh lại, mặt trăng nóng lên, con vẫn luôn tin lời Phật không bao giờ sai. Vì vậy, muốn học Phật phải tập nói theo Phật, không biết thì nói không biết, nhận mình biết để làm chi. Đa số người không biết mà cứ nhận là biết để người ta nghĩ mình giỏi, đó gọi là tài khôn thì cái gì cũng biết nhưng thân tàn ma dại.

Nhớ việc Tam Tạng đi thỉnh kinh, Quan Âm Bồ-tát cho ngài cái y hộ mạng để giữ gìn giới thân huệ mạng của ngài. Khi ngài đến chùa Quan Âm gặp Hòa thượng trụ trì khoe có rất nhiều y. Người không biết nghe vậy nghĩ rằng ông này có nhiều y là giàu, giỏi, tốt. Nhưng Tề Thiên biết ông này sai, vì Phật chỉ cho thầy tu ba y thôi mà ông có cả kho y là không phải người tu thiệt rồi, đã vậy mà còn khoe khoang càng tệ hơn nữa.

Nhưng Trư Bát Giới cũng có máu khoe mới nói rằng y của ông không bằng một góc y của thầy tôi. Quan Âm Bồ-tát cho thầy tôi chiếc y có đính 25 hột châu có quyền năng siêu việt là mặc y này thì rớt xuống nước không chết, vào lửa không cháy. Nghe vậy, Hòa thượng trụ trì xin Tam Tạng cho coi y. Nhìn thấy y, ông mới động lòng tham, nghĩ đốt chùa cho thầy trò Đường Tăng chết để ông chiếm đoạt y.

Phật dạy mình có cái tốt thì nên giấu, khoe ra sẽ bị nguy hiểm, huống chi là không có mà khoe thì càng chết sớm.

phaphoa 2.jpg

Đạo tràng Pháp hoa chúng ta chắp tay lạy Phật, đặt ngón cái của bàn tay trái đậy lên ngón cái của bàn tay phải có nghĩa là giấu bên trong cái tốt, cái tài của mình. Người thật tu đều làm như vậy và có được kết quả tốt.

Nói đến đây tôi nhớ lại có một Phật tử đưa tôi số tiền lớn để cúng dường xây dựng Học viện Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Họ nói tôi đừng làm Bằng tuyên dương công đức.

Việc con cúng để thầy xây trường thì chỉ có Phật, thầy và con biết thôi. Tôi hỏi tại sao phải giấu việc tốt này. Họ nói nếu các thầy biết con cúng nhiều lại nghĩ con giàu có và sẽ mang sổ đến quyên góp. Nếu con không cúng thì không được mà cúng ít cũng mất lòng.

Mình làm được tất cả công đức và tu được thì chỉ Phật và mình biết là đủ rồi, không cho ai biết, nhất là chúng ma. Khi nào cần mình mới đưa ra, giấu cái phước, giấu công đức của mình vì để ma thấy lấy hết. Cất vô kho tư lương để Phật giữ, mình không giữ. Khi nào cần, Phật gởi tới để mình làm Phật sự. Còn sống trên cuộc đời này, nỗ lực tu tích lũy công đức lần để vô kho tư lương sau này mình mới có để làm đạo.

Có của báu biết chỗ cất giữ và gởi Phật là an toàn nhất. Mình giữ dễ bị ác ma lấy hết, rồi giận quá nói mình đã cúng nhiều chùa mà tại sao cuộc đời lại ra nông nỗi này.

Tu Tích môn là làm điều bình thường nhất, đó là làm người tốt không nói dối, không nói cách này cách kia để tự biện minh mình đúng, không nói thêu dệt. Nếu có sai lầm thì nhận sai lầm để tự sửa đổi, không chống chế, không bào chữa. Tôi thấy người có lỗi nhưng cố giải thích tại cách này cách kia, lý do nọ. Giỏi chống chế như vậy là cách xa Phật và mang hơi hám của ma, mình nên tránh. Vì cái gì họ cũng biết cũng nói được nhưng nhìn kỹ thấy họ làm gì cũng không đúng. Dù họ bào chữa cách nào mình cũng biết nên không mắc sai lầm.

Tu khẩu nghiệp thanh tịnh, không nói lưỡi đôi chiều, không nói thêu dệt. Nói lưỡi đôi chiều là giờ này nói vầy giờ sau nói khác. Vì A nghịch với B, nên gặp A, họ nói cho vừa lòng A và gặp B họ nói cho vừa lòng B. Tốt nhất là không nói. Bởi nói vừa lòng ông A thì mất lòng ông B, còn nói vừa lòng B thì mất lòng ông A, nên cuối cùng làm mất lòng cả hai vì nói không đúng sự thật.

Tu Tích môn, thực hành 4 điều căn bản của miệng là không nói sai, không nói làm tổn thương người, không nói thêu dệt, không nói lưỡi đôi chiều. Không nói sai, phải nói đúng, nhưng nói đúng cũng khó, Vì nói đúng là phải nói đúng người, đúng chỗ, đúng lúc, không phải thấy sao nói vậy.

Nói đúng mà hại người khác thì không nên nói, vì lời nói theo Phật dạy là phải có lợi. Nói trong trường hợp nào và nói có lợi ích cho việc chung là điều quan trọng. Thí dụ việc đáng nói với ông Tổng Bí thư thì gặp chính người này mình mới góp ý, còn không gặp là không có duyên thì cũng không nói được. Còn biết rồi mà đem ra nói lung tung coi chừng bị ở tù, hay mất mạng.

Biết đúng nhưng phải đúng lúc mới nói, chưa đúng lúc cũng không thể nói. Thật vậy, các vị A-la-hán tu Tích môn gọi là ẩn tu hay ẩn cư vì biết chưa làm được, các ngài phải ở ẩn. Điển hình như Lục tổ Huệ Năng phải ẩn tu 10 năm vì kiếp nạn của ngài, dù ngài đã được truyền y bát, nhưng phải đúng lúc đó ngài mới ra làm đạo được. Hoặc Phật Thích Ca nói Đức Di Lặc đủ điều kiện làm Phật nhưng ngài không ra đời vì chưa đúng lúc.

Vì vậy, chúng ta tu để chờ Phật ra đời, mình xuất hiện. Làm đạo không phải lúc nào cũng làm được, vì toàn là thầy tà bạn ác, mình ra làm đạo thì nó hại, sao làm được. Phải chờ đúng lúc có người tốt hợp tác mới làm được.

Lịch sử đã ghi nhận Phật Thích Ca truyền bá giáo pháp thành công cũng nhờ vua Tần Bà Sa La hết lòng kính Phật, ông dám cúng thượng uyển để Phật dùng làm tịnh xá cho đại chúng lưu trú. Hoặc trưởng giả Cấp Cô Độc dám lấy vàng đổi đất để xây tịnh xá cúng Phật. Và người theo Phật toàn là người tốt, người giỏi. Rõ ràng Phật ra đời có Hiền Thánh cùng hiện hữu theo.

Tất cả chúng ta cố gắng tu chuẩn bị chờ Phật Di Lặc ra đời để mình hợp tác với Ngài thì mọi việc chắc chắn thành công. Riêng tôi bây giờ làm đạo nhưng còn giới hạn, chờ có Phật Di Lặc, mình quyết tâm làm. Vì hiện tại hiểu biết của mình còn có giới hạn mà làm thì dễ gặp tai nạn, gặp khó khăn và cũng chưa có đủ bạn tốt hợp lực, nếu bày ra việc sẽ dễ bị thất bại.

Vì cái lý này, Ma-ha Ca Diếp dù đã được Phật Thích Ca truyền y bát và nhận được y bát rồi, ngài vô núi Kê Túc ẩn tu chờ Phật Di Lặc ra đời để đem y bát của Phật Thích Ca trao cho Đức Di Lặc.

Nhìn cuộc đời Đức Phật Thích Ca khi Ngài vượt thành xuất gia. Đầu tiên ở trong rừng, Ngài gặp người thợ săn mặc áo tu bên trong có giấu cung tên. Thái tử Sĩ Đạt Ta hỏi ông mặc áo tu lại giấu cung tên làm gì. Ông ta nói ông mặc áo tu để các loài dã thú thấy tưởng ông tu thiệt, nó mới dám đến gần thì ông mới bắn được nó chứ. Thái tử bảo Ngài cần áo tu, ông hãy đổi áo tu lấy áo cẩm bào của Ngài đem bán có nhiều tiền xài sướng hơn, chứ mặc áo tu bắn nó làm chi. Ông này bằng lòng đổi áo liền và Ngài đã lấy áo rách của ông thợ săn mặc vô.

Qua câu chuyện này, là người bình thường không biết thì nói Sĩ Đạt Ta gặp người thợ săn đổi áo để đi tu và ông này may mắn có áo quý để làm giàu. Nhưng người có căn lành thấy khác, người có con mắt của niềm tin, của đạo thì thấy khác.

Thuở nhỏ tu hành, tôi đọc truyện này thấy lạ. Tại sao đúng lúc đó lại xuất hiện ông thợ săn đổi áo cho thái tử. Việc này là ngẫu nhiên hay có sự sắp xếp. Sau này, tôi ngộ ra rằng không phải ngẫu nhiên mà đã có sắp đặt trước. Riêng tôi thấy tất cả mọi việc khó khăn nguy hiểm trong cuộc đời mình mà tôi vượt qua được đều có sự sắp xếp vô hình, không phải tự nhiên. Mới 12 tuổi tôi đã bỏ nhà đi tu, tự động một mình đi lên Đức Hòa, đến chùa thì gặp Hòa thượng lang thang gọi là Chiêu đề Tăng tức thầy tu nay đi chùa này mai đến chùa khác. Trông thấy tôi, ngài đến nói nhỏ rằng chú dễ thương nhưng không có duyên với chùa này, chú nên đi qua Thủ Đức đến chùa Huê Nghiêm ở đó tu. Nếu nhìn thấy bình thường là có ông thầy chỉ mình đi như vậy. Nhưng về sau, tôi nghiệm lại biết rằng trên bước đường tu của tôi có Bồ-tát Quan Âm hộ mạng và tôi tin rằng vị thầy này là hiện thân của ngài Quan Âm.

Nhớ lại tôi đọc truyện của Hòa thượng Hư Vân. Ngài lạy Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi từ Phổ Đà sơn lên đến Ngũ Đài sơn, cứ ba bước ngài lạy một lạy, ròng rã đến 3 năm. Trên đường đi, cứ mỗi khi ngài gặp tai nạn thì lại xuất hiện lão ăn mày đến cứu giúp ngài. Còn tôi gặp ông thầy tu giúp, không gặp lão ăn mày.

Sau nhiều lần giúp ngài Hư Vân xong, lão ăn mày nói có việc phải đi, xin Hòa thượng tiếp tục hành trình sẽ có người đến giúp.

Việc tôi gặp được vị thầy lớn tuổi chỉ lối đưa đường cho tôi rất lợi lạc khiến tôi liên tưởng mình giống như ngài Hư Vân. Chắc là có vị cao tăng, Thánh tăng hay Bồ-tát nào xuất hiện giúp mình. Trên bước đường tu, việc này rất quan trọng.

Từ góc nhìn đó, tôi nhìn ông thợ săn đổi áo cho thái tử, tôi thấy khác. Nói rằng ông đổi áo xong thì thấy ông đi vô rừng rồi biến mất. Tôi suy nghĩ hai chữ biến mất.

Tôi nghĩ rằng có một vị Bồ-tát nào đó đem áo ca-sa tới cho thái tử cũng giống như ngài Ma-ha Ca Diếp giữ áo cho Phật Di Lặc vậy. Phải chăng một vị cổ Phật nào đó đã huyền ký cho Bồ-tát đóng vai thợ săn để trao y cho Thái tử Sĩ Đạt Ta khi Ngài xuất gia. Đó là con mắt của niềm tin thấy như vậy, vì tu cao có trí tuệ hiểu rộng hơn, thấy sâu hơn, còn không có trí tuệ thì thấy mọi việc đều bình thường.

Vì vậy, tu hành chúng ta có niềm tin thì thấy và hiểu theo niềm tin mới quyết tâm dấn thân tu thiệt mới có kết quả tốt đẹp. Riêng tôi tu đến nay đã 70 năm, nhìn lại thấy các người đồng hành ngã gục, người chết cách này, người chết cách khác, hay người bỏ tu cũng chết.

Mình có căn lành thấy bằng căn lành, có niềm tin thấy Phật bằng niềm tin và từ góc độ tu như vậy, được Phật hộ niệm.

Vào con đường Tích môn, Phật khuyên chúng ta từng việc, như đã nói đầu tiên là giữ khẩu nghiệp thanh tịnh thì được công đức lớn lắm là nói gì cũng đúng Chánh pháp, nói gì cũng được người tin và người làm theo có kết quả tốt. Thật vậy, vì lời nói chân thật được Phật chứng minh gia hộ và Hộ pháp Long thiên giữ gìn. Nếu không được Phật chứng minh gia hộ, không được Hộ pháp Long thiên giữ gìn thì không tu được vì bị ác ma hại. Nhìn vào điều này mà biết tu được hay không tu được.

Bị ác ma hại thì tuy họ giỏi nhưng việc bình thường như quét lá cũng không làm tốt được. Nhưng nếu được Phật hộ niệm, Hộ pháp gia trì thì lại khác. Thí dụ tôi quét lá sẽ có nhiều người giúp tôi quét nên chỉ cần quét mấy cái là sân sạch, đó là nhờ Hộ pháp Long thiên khiến.

Nếu tu không có Chánh niệm, không được Phật hộ niệm, làm việc quét sân lau nhà quá dễ, nhưng vừa lau nhà sạch xong thì ác ma thổi cát vô để phá mình.

Được Phật hộ niệm, dù mình có vài sơ suất, các Ngài cũng giúp. Còn ác ma phá, tức Phật không hộ niệm, việc không đáng, nó cũng làm cho sanh chuyện.

Vô chùa tu, ở góc độ này làm việc sẽ thấy người có căn tu làm việc nào cũng tốt. Còn không được Phật hộ niệm, làm ráng hết sức cũng bị chê, nên giận không làm nữa và giận thêm thì không tu nữa. 100 người tu thì 99 người mắc phải sai lầm này. Chỉ có một người thoát được là nhờ Phật hộ niệm, Hộ pháp Long thiên che chở.

Đọc truyện Quan Âm Diệu Thiện đi tu, nhà vua ra lệnh đem hai thúng đậu đen và đậu trắng trộn lẫn với nhau và giao cho bà lượm để riêng hai thứ đậu trong một ngày xong được mới cho đi tu, không làm được thì bắt về. Mới giao việc này cho bà xong, tự nhiên có bầy chim trên trời sà xuống gắp đậu đen và đậu trắng để riêng ra chỉ mất vài tiếng là xong.

Thuở nhỏ đọc truyện này, bằng căn lành tôi tin, tin rằng người mắc nạn có người cứu mới tu được. Mắc nạn mà còn bị hại thêm là nghiệp chướng trần lao tăng thêm thì không tu được.

Tu hành tất nhiên nghiệp mình còn, tuy ban đầu bị nghiệp khảo, nhưng nỗ lực tu thì ma thấy mình quyết tâm tu, nó cũng e ngại và hơn nữa, ma thấy Hộ pháp che chở mình nên nó tự rút lui, không dám phá nữa, để yên cho mình tu.

Dù chúng ta tu Tích môn, nếu cố gắng thực tập lời Phật dạy, được pháp nào thì sanh công đức phần đó. Và được khẩu nghiệp thanh tịnh rồi, nói gì thì điều đó sẽ đúng vì Hộ pháp Long thiên khiến cho đúng, mình mới tu được.

Kế tiếp, thân nghiệp phải thanh tịnh. Thân nghiệp thanh tịnh là thế nào. Thông thường mình có thân thì cần có những thứ cần thiết cho cái thân. Nhưng thân nghiệp thanh tịnh rồi, cuộc sống không đòi hỏi như mình tưởng.

Lúc trước có lòng tham mới nghĩ phải có nhiều tiền, nhiều nhà cửa, đất đai… nên ráng làm nhiều tiền để mua sắm những thứ đó. Và mong được như vậy để cung cấp cho thân này được thỏa mãn ngũ dục thì lại tạo thêm tội lỗi. Nhưng thân thanh tịnh rồi. Phật nói có điều lạ là mình ăn gì cũng đều ngon bổ.

Khi Phật còn ở hoàng cung, Ngài có đầy đủ món ngon vật lạ. Đến khi Ngài tu, ăn uống rất kham khổ, có mùa hạ phải ăn lúa ngựa, nhưng Phật nói Ngài có cái lưỡi công đức là cái gì để vô lưỡi cũng trở thành cam lồ, cái gì đưa vô thân cũng trở thành chất bổ.

Còn mình nghiệp nặng, kiếm nhiều món bổ để ăn, nhưng ăn vô lại sanh bệnh. Riêng tôi ít bệnh nhờ ít ăn và nếu cơ thể bị thiếu thì bổ sung cho vừa đủ, không cho dư. Cơ thể không cần nhiều như tham vọng của con người.

Tu Tích môn, giữ thân thanh tịnh là đừng cho thân đòi hỏi nhiều, chỉ cho thân vừa đủ dinh dưỡng để sống. Và khi cơ thể được thanh tịnh, không tiêu xài nhiều, mình tích lũy có thặng dư mới đem bố thí giúp đỡ người nghèo là tạo được phước thì thân sẽ trở thành thân phước đức là ai thấy cũng mừng và thương quý. Mang thân tội lỗi thì ai thấy cũng sợ, ghét bỏ.

Phật dạy Tỳ-kheo có ba y một bát, tức hạn chế ăn tối đa, hạn chế tổn phí tối đa để  tích lũy công đức. Đối với Phật tử tại gia, Phật khuyên tiêu dùng 50% số tiền kiếm được, còn 50% để tái tạo sản xuất và làm phước. Có làm phước, người mới mang ơn, quý trọng.

Phải tạo thân phước đức trước thì mình tới họ vui. Nghĩ trong lòng định đem cho họ cái gì và tới với tâm thương người, giúp người như vậy, nhất định họ thương mình.

Tuần trước có Phật tử cho tôi 100 triệu, ngày mai tôi ra Huế thăm trường hạ. Biết các chùa miền Trung bị hạn hán và nạn dịch, tôi dùng số tiền này để cúng dường. Đi đâu cũng nghĩ đến thăm và cúng dường, bố thí chắc chắn công đức sanh.

Phải có công đức trước mới tu được. Chưa có công đức mà tới, họ sợ mình xin tiền và sợ phải lo cho mình ăn ở. Nghe mình tới, họ mừng là hành Bồ-tát đạo, tu Pháp hoa được.

Tin Liên Quan

Back to top button