Bài giảng ngày 23-6-2019 tại trường hạ Học viện TP.HCM
Trường hạ chúng ta đã trải qua hơn một tháng cấm túc an cư. Điều đáng mừng nhất là trong đời sống chúng ta khắc khổ để thực hành giáo pháp Phật, nhưng tất cả quý vị được an vui và khỏe mạnh chứng tỏ chúng ta thực hành đúng giáo pháp Phật, vì giáo pháp Phật luôn ban an vui và hạnh phúc cho tất cả muôn loài.
Vì mưu cầu hạnh phúc cho tất cả mà Đức Phật khai ra tất cả các pháp môn tu khác nhau, nhưng mỗi người tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nghiệp và tùy theo sự tu chứng mà nhìn về Phật và giáo pháp Phật có khác nhau.
Vì vậy, nếu lựa pháp môn thích hợp với mình và ứng dụng có kết quả là biết áp dụng giáo pháp; nhưng không biết ứng dụng vào đời sống, mà chỉ nghiên cứu và tranh luận thì không phải là đệ tử Phật, mà là những người cục bộ không có giải thoát theo Phật.
Khởi đầu từ chúng sanh có đầy đủ trần lao nghiệp chướng thì chúng ta thấy những việc xảy ra xung quanh, thấy người mà chúng ta không bằng lòng và không ai bằng lòng mình. Đó là khởi đầu của sự hình thành địa ngục A-tỳ phát xuất từ sự khôn ngoan, mưu mô thủ đoạn mới dẫn chúng ta vào đó.
Phật nói trước kia, Quan Âm cũng đã phạm sai lầm như vậy, nên chỉ còn một mình trơ trọi. May mắn Ngài gặp được Phật Chánh Pháp Minh, nên có được sự hiểu biết đúng đắn, nhờ đó cuộc đời đổi khác một cách tốt đẹp, còn lúc trước vì hiểu sai nên cô đơn. Với hiểu biết đúng đắn, nhìn lục đạo tứ sanh có sáu đường sinh tử thì không có loài nào giống loài nào.
Trong loài người cũng không ai giống nhau về suy nghĩ, nhận thức, hành động và cuộc sống… Vì vậy, lấy hoàn cảnh người này đặt lên người khác thì hoàn toàn sai.
Phật dạy một việc phải đặt đúng người, đúng chỗ, đúng lúc; phải có ba cái đúng này, vì với tầm hiểu biết quá hạn hẹp của người nào đó tất yếu họ chỉ hiểu được đến mức độ như vậy là cùng, thì làm sao đúng được.
Chính vì vậy, Phật nói rằng nếu nói thẳng chân lý của Phật thì mọi người sẽ sa vào địa ngục, vì chúng sanh không thể nào hiểu được chân lý mà Phật đã chứng đắc. Vì vậy, Phật phải khai phương tiện nghĩa là giải trừ cái nghiệp của chúng sanh tích lũy từ vô thỉ kiếp thì họ mới có thể sống theo giáo pháp Phật, không còn bị cái nghiệp trói buộc.
Thật vậy, họ thấy sai, làm sao bắt họ thấy đúng như Phật, cũng giống như không thể bắt con hổ ăn cỏ như con bò, hay ngược lại, không thể bắt con bò ăn thịt như con hổ. Phải giải nghiệp của con bò, hay giải nghiệp của con hổ.
Người chưa tu còn nghiệp chướng, nên họ thấy theo nghiệp của họ. Và thấy theo nghiệp thì có nhiều ham muốn, đòi hỏi, tất nhiên không bao giờ họ được như ý muốn, từ tham vọng bất tận mới dẫn đến buồn phiền, khổ đau.
Vì vậy, đầu tiên Phật cho liều thuốc chữa trị cái bệnh ham muốn. Thực hành pháp Phật, nếu chúng ta dứt ham muốn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng liền. Thí dụ ham ăn thì phải khổ vì ăn, vì càng ham ăn, tức đòi hỏi nhiều hơn nữa thì lại càng khổ. Thực tế có người ăn quá nhiều, tăng trọng lượng cơ thể trên 100kg. Người nặng cân nhứt thế giới, nặng trên 500kg phải nằm mà ăn, không đi được. Người ta giải cái nghiệp của anh này bằng cách thuê chuyên cơ khiêng anh lên máy bay chở qua Ấn Độ để nhà thôi miên giỏi chặn lại tư tưởng muốn ăn của anh ta. Tôi thường giảng rằng đó là đói cái tâm.
Ông thôi miên chặn cái ý muốn ăn của anh này, để anh tạm sống đời sống thực vật thì mỡ dự trữ trong cơ thể anh ta bắt đầu tan lần và ông dùng thuật trị liệu làm nóng cơ thể của anh để tiêu mỡ thừa. Chỉ trong một tháng không ăn, xuống được 200kg, anh vẫn sống, vì mỡ thừa dự trữ còn nhiều.
Người tu có trí tuệ phải biết thực tập giáo pháp để kiểm chứng cơ thể mình thiếu hay thừa cái gì. Ở trường, một tháng chúng ta sống đơn sơ, thậm chí có thầy không ăn chiều vẫn khỏe và lao động được. Tôi thấy các thầy đi bộ qua chùa Bát Bửu Phật Đài để làm vệ sinh tượng Phật, tôi cảm động và sung sướng vì trường chúng ta chẳng những hướng dẫn lý thuyết còn thực tập giáo pháp, nên ăn ít mà vẫn khỏe mạnh.
Phương pháp trị liệu của Phật trị tâm trước rồi mới trị thân. Chữa trị được tâm thì đã giảm được 50% bệnh, vì tâm chúng ta tác động làm thân rối loạn như rối loạn nội tiết, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tim mạch…
Kinh nghiệm riêng tôi, trong mùa hạ thứ nhất, áp dụng pháp Phật chữa được bệnh tim mạch, không cho rối loạn nhịp tim, cố gắng giữ nhịp tim trung bình từ 70 đến 80 nhịp trong một phút, nhưng tu thiền, giảm nhịp tim còn 50-60 nhịp trong một phút.
Nếu ta thực tập thiền, giảm nhịp thở đi kèm với giảm ăn uống. Không biết lý này, có bạn tu thiền nhưng ăn nhiều sanh bệnh bao tử và chết. Một bạn khác sanh bệnh trĩ cũng chết.
Tu hành có trí tuệ tự biết điều hòa cuộc sống mà quan trọng là điều hòa ăn uống, ngủ nghỉ. Phật nói dây đàn căng quá sẽ bị đứt, nhưng dây chùng thì đàn không ra tiếng. Người tu cũng vậy, chùng quá thì không đạt kết quả, còn căng quá thì chết sớm.
Tôi không căng cũng không chùng, nên 80 tuổi vẫn thuyết pháp được, tức thân và tâm ổn định tạo nên sức khỏe tốt, nâng lên có được sức khỏe kỳ diệu là làm việc không mệt mỏi.
Lúc còn trẻ, tôi vận động nhiều nhưng không cho tăng nhịp tim, còn lười vận động thì sức khỏe không tốt. Vì vậy, lúc ngồi thiền, đi thiền hành cho đến phi hành là đi rất nhanh ở mức độ cao, chúng ta xem nhịp tim có tăng hay không. Trước kia, tôi tập phi hành, nhịp tim vẫn bình thường. Tôi bị hở van tim từ 20 tuổi, nhưng trở lại được nhịp tim bình thường là tu phải có kết quả.
Đối với người chưa tu, hay tu sai, tu theo nghiệp thì họ hiểu như vậy, thấy như vậy, làm như vậy, dù mình can ngăn, họ cũng không nghe. Phải chữa tâm bệnh này trước cho họ, tức làm sao chữa cho họ được Sơ quả không lệ thuộc ăn uống, ngủ nghỉ. Nói cách khác, tu tập thiền quán thay cho ngủ, không phải xả thiền rồi ngủ.
Thiền là thân nghỉ, nhưng tâm vẫn làm việc, vì vậy thiền sư mới từng bước đi vào Tịnh độ và tâm sáng lần là đi vào Pháp giới.
Đầu tiên giữ thân nghỉ ngơi và tâm thanh tịnh dần thì mắt huệ chúng ta mở dần, đó là kết hợp định và huệ.
Tâm sáng thấy như thế nào. Trước tiên tôi sáng là thấy được thức ăn không cần nhiều như mình tưởng. Tâm vọng thấy phải cần thế này, thế nọ để sống, nhưng tâm sáng rọi ngược lại tứ đại thấy không phải đòi hỏi nhiều như vậy. Trên bước đường tu, phải điều chỉnh lần việc ăn uống, mới bớt được cái nghiệp ăn. Phật dạy chúng ta bớt ăn, một ngày ăn một bữa, cho đến hai, ba ngày ăn một bữa, vì tu thiền, năng lượng không tiêu hao nhiều.
Nhờ trí tuệ quán sát thấy những gì không cần thì không bổ sung, những gì có hại chúng ta từ chối. Huynh đệ tôi bị bệnh tiểu đường chết vì ăn cơm là đường, ăn chè cũng là đường và uống nước ngọt tăng thêm đường thì làm sao sống được.
Nếu bây giờ các anh em chưa có khả năng nội quán thì nửa năm kiểm tra sức khỏe một lần, nếu thừa đường nên hạn chế dùng tinh bột hay trái cây có đường, nhất là đường cát. Tôi bảo người có đường huyết cao nên bỏ ăn. Họ nói bỏ ăn thì chết sao. Vậy thì thôi, cứ ăn cho chết! Phải điều hòa ăn uống cho cơ thể cân bằng.
Có tuệ quán, đầu tiên tôi quán lại cơ thể mình, trong thiền quán thấy được nghiệp mình thì ngăn chặn nghiệp, hay xóa nghiệp, hoặc thỏa hiệp với nghiệp cho đến khi mình hoàn toàn không lệ thuộc xã hội là không lệ thuộc ăn uống và không lệ thuộc tình cảm thương ghét của cuộc đời, vì lệ thuộc thì luôn bận rộn và khổ vì nó. Thực hiện được như vậy, đã được giải thoát ở bước thứ nhất giúp người tu cảm nhận sự an nhàn.
Không lệ thuộc xã hội và không lệ thuộc tình cảm mới thực sự thể hiện đúng nghĩa lý của xả tục xuất gia.
Có người nói nếu không lệ thuộc xã hội thì người ta không tới chùa, không cúng dường, mình làm sao. Nhưng theo tôi, các thầy càng lệ thuộc xã hội thì phước đức càng tổn giảm, đó là nguyên nhân khiến người ta không tới chùa.
Tôi có người bạn thường đem sổ đi quyên góp, xin tiền cất chùa từ khi tôi còn trẻ, cho đến nay, ông gặp lại tôi đã 80 tuổi mà ông vẫn chưa có chỗ ở. Tôi nói vì thầy tu kẹt tiền bạc, kẹt vào đời sống vật chất nhiều quá, nên Phật không hộ niệm. Không cần lệ thuộc vật chất, nhưng chúng ta có cái khác là chúng ta phải thấy được nhân duyên. Phật dạy rằng thấy nhân duyên là thấy pháp và thấy pháp là Phật.
Có người bạn nói với tôi rằng chúng mình không phải mới gặp nhau lần đầu, mà đã gặp nhau nhiều lần từ nhiều đời trước. Thoạt nghe tưởng là nói chơi, nhưng nghiệm lại sẽ nhận ra được họ thương hay ghét mình. Nếu biết đó là oan gia đời trước gặp lại thì ráng hóa giải mối oan gia này, như vậy là tu. Có trường hợp phải trả nhân quả, chúng ta vui lòng trả, như An Thế Cao từ nước An Túc sang Trung Hoa truyền giáo gặp một người lạ đâm chết. Vị này là Thánh Tăng đắc đạo biết túc mạng của mình là phải chết để trả quả, nên tìm đến cái chết có ý nghĩa, vì có sợ và cố tránh thì cũng chết, nhưng chết như cỏ cây.
Phật khuyên phải đắc Sơ quả là không lệ thuộc cuộc sống. Điển hình như vua Tịnh Phạn nghe Phật thuyết pháp liền chứng Sơ quả. Trước kia, ông lo mình già không có người thừa kế ngai vàng. Ông tính toán đủ thứ, không biết giao ngôi vua cho ai, nhưng nghe Phật thuyết pháp, ông ngộ thì không còn bận tâm đến việc này nữa.
Vì vậy, chúng ta tu hành, nghe Phật, không bận tâm đến sự sống đương nhiên được giải thoát, tức sống chết không quan trọng, vì bận tâm đến cái sống, nó liên hệ đến đủ thứ việc khiến tâm chúng ta rối bời.
Riêng tôi làm Viện trưởng có trách nhiệm chăm sóc các thầy cô về đời sống tinh thần lẫn vật chất, nhưng thực sự tôi không lo, vì với tôi, tất cả mọi việc đều do nhân duyên. Tôi có nguyện ai có duyên với tôi và ai có duyên với Học viện, xin Phật khiến họ tới. Có duyên tới thì họ không làm phiền tôi. Còn xin người ta thì mình phải trả giá, dù lao động suốt đời cũng không trả nổi.
Người có duyên thì Phật khiến tới cúng dường, lý này quan trọng mà người tu phải thấy, còn tính toán theo người đời, chúng ta thua chắc.
Có người nghe nói trường chúng ta cho cả ngàn Tăng Ni sinh nội trú và miễn học phí, tiền ăn mỗi tháng phải chi đến một tỷ đồng. Họ thắc mắc nếu Tăng Ni không đóng tiền, lấy tiền đâu trang trải khoản này. Tôi bảo điều đó tùy nhân duyên. Nếu các thầy cô tu đúng Chánh pháp, Phật sẽ khiến Bồ-tát là người phát tâm và có căn lành, họ đến trồng căn lành ở trường chúng ta. Chúng ta tu vì Phật pháp thì Phật khiến Bồ-tát giữ gìn và Hộ pháp ủng hộ.
Chúng ta không lệ thuộc xã hội, nhưng đóng góp được cho xã hội. Chúng ta không còn là người ăn hại, ngửa tay xin để sống, chẳng những không xin mà còn làm lợi cho cuộc đời là các thầy tu chứng Sơ quả thì người thấy mình, họ cũng được an lạc theo.
Kinh tế xã hội càng cao càng sanh tệ nạn, nhưng nhờ các thầy tu cho họ nhìn ngược lại, có sự thay đổi. Xưa kia, Mã Thắng Tỳ-kheo không nói, nhưng thu hút Xá Lợi Phất theo tu.
Vì vậy, chúng ta tu gặt hái được quả tốt, quả này sẽ tác động người khác, chúng ta không cần khuyên họ tu, nhưng họ thấy mình tu, họ tự phát tâm tu. Các thầy chứng Sơ quả không cần ăn uống, không lệ thuộc tình cảm thương ghét. Tôi đã trải nghiệm pháp Phật, không lệ thuộc bất cứ cái gì, nên cuộc sống luôn được an lành và chắc chắn chết cũng an lành.
Trước kia, tôi khích bác các tôn giáo khác, nhưng ngộ lời Phật, tôi không bênh vực đạo Phật nữa, nhưng bênh vực lẽ phải. Thầy nào phải, tôi nói phải; thầy nào hư hỏng, tôi nói hư hỏng. Vì vậy, nếu lệ thuộc tôn giáo mình, người của mình xấu cũng nói tốt là kẹt trần lao sinh tử dẫn đến chiến tranh tôn giáo; nhưng thực chất đạo Phật là giải thoát.
Nhìn rõ, tôi thấy tất cả mọi việc đều đúng lý nhân duyên, vì ở hoàn cảnh đó thì phải hành động theo cách đó, nhưng ở thời kỳ khác, tất yếu phải có cách khác. Thật vậy, ai sống ở thời kỳ trước năm 1945 thì thấy thể chế chính trị ra sao. Nhưng từ năm 1945 đến 1975 thì khác hơn trước rồi. Và từ năm 1975 đến 1985, tôi thấy khác nữa và từ năm 1985 về sau lại càng thay đổi nhiều hơn. Xã hội diễn biến như thế, lòng người như thế, cuộc sống phải như thế. Lý này được kinh Pháp hoa gọi là Như thị, vì hoàn cảnh như thế thì phải như thế, làm sao khác được.
Tất cả tôn giáo ra đời trong bối cảnh xã hội. Phải nói không có gì không lệ thuộc bối cảnh xã hội, kể cả Đức Phật cũng ra đời trong bối cảnh xã hội mà sự bất bình đẳng về giai cấp rất khắc nghiệt. Vì vậy, Phật nói bây giờ và ở đây là nơi Phật sanh ra và thành đạo. Nhưng chúng ta ở đây là Học viện Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh thì sinh hoạt phải khác với Học viện Phật giáo Huế, hay Học viện Phật giáo Hà Nội, dù cả ba trường cũng đều là Học viện.
Hoàn cảnh đó sanh con người đó và có nhận thức đó là thấy theo nhân duyên. Quán nhân duyên mình ở giai đoạn lịch sử nào, mình làm tốt nhất có thể được ở giai đoạn đó, không phải nói xưa kia thế này thế nọ, vì cứ bám víu vào cái xưa kia chẳng khác gì nói chuyện cổ tích.
Thiết nghĩ mọi việc mười năm trước tất nhiên phải khác bây giờ, một năm thôi mà đã khác rồi, thậm chí một đêm trôi qua, sáng ra là đã thấy khác. Vì tư tưởng con người diễn biến không dừng đương nhiên cơ thể vật chất cũng thay đổi từng phút giây theo cảm thọ. Tất cả mọi việc diễn biến liên tục thì mơ ước là điều viển vông.
Vì vậy, tu Tứ niệm xứ, tôi quán sát cơ thể, xã hội, cảm thọ… luôn thay đổi để thay đổi theo xã hội mình không có phương tiện thì sẽ bị mọi việc trói buộc mình.
Tu lục độ từ trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định cho đến trí tuệ và có trí tuệ thì nhìn đời khác. Chưa có trí tuệ, nghĩ này nghĩ kia, làm thế này thế nọ, nhưng có trí tuệ là khác rồi. Khác là biết chưa tới lúc. Vì vậy, đắc A-la-hán nhưng chưa tới lúc cũng ẩn cư Niết-bàn.
Tuy nhiên, có trí tuệ thấy tới lúc, nhưng nhìn lại thấy chưa có người hợp tác cũng không nên làm. Thật vậy, Phật nói Di Lặc Bồ-tát hay Bồ-tát Đẳng giác không ra đời vì quyến thuộc chưa thuần thục. Quyến thuộc chưa thuần thục thì phải làm cho họ thuần thục nghĩa là hành Bồ-tát đạo mới quay ngược lại bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định. Lúc trước, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, nhưng vì không có trí tuệ, nên mình làm sai sót nhiều. Nay có trí tuệ, đối với người đáng bố thí thì mới bố thí. Và có trí tuệ thấy không làm đạo vì mình chưa có người hợp tác. Sở dĩ chưa có người hợp tác vì ta chưa từng giáo dưỡng người. Kinh Pháp hoa nói phải đắc trí tuệ mới thấy người đáng độ hay hợp tác. Điển hình là Phật thấy vua Tần Bà Sa La tốt, vì Phật đã xả thân cứu ông, không phải tự nhiên mà ông tốt với Phật.
Thực tế tôi thấy có người rất tốt và giỏi nhưng họ theo ông thầy không ra sao. Có người nói như vậy thì tức chết. Tôi nói tức là ngu, phải quán sát họ và ông thầy của họ có nhân duyên tiền kiếp như thế nào.
Ở Nhật Bản có bà Giáo chủ hội Reiyukai. Bà này dốt, làm nghề ở mướn, nhưng đệ tử của bà toàn là giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ… Tôi quán sát, suy nghiệm xem tại sao họ giỏi lại theo bà dốt và tôn làm thầy. Có trí tuệ, dùng tuệ quán thấy được các ông này chết sống với bà. Bà nói rằng vì bà cứu họ, độ họ, nên họ phải chết sống với bà. Thử nghĩ coi bà cứu họ hồi nào. Bà này ở mướn, dọn quét mộ vừa niệm Phật thì các ông này ở dưới mồ cảm đức của bà và được tái sanh làm người, vì cốt họ làm quan tướng chết đi, nay họ học giỏi và cũng có chức vị trong xã hội. Họ mới theo bà quy y làm đệ tử.
Vì vậy, tu hành có điều lạ, nói nhiều nhưng buộc thêm, không giải được. Bà này đã giải oan nghiệp cho họ giúp họ tái sanh làm người, nếu không thì họ là hồn ma ở nghĩa địa. Nhờ bà cứu độ, nên họ theo học Phật pháp. Lúc tôi ở Nhật, bà có trên 3 triệu tín đồ. Còn những thầy có học vị tiến sĩ nhưng không ai theo mà đến đâu còn gây ác cảm với người, điều này nên cân nhắc, đừng để sai phạm.
Trên bước đường tu, cần quán sát nhân duyên để ứng xử lợi lạc cho mình và cho người.
Hòa thượng Thích Trí Quảng