Bài giảng ngày 28-6-2020 tại Học viện Phật giáo VN – TP.HCM
Phật giáo có hai dòng truyền thừa, một là Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Nam truyền căn cứ trên tạng kinh Nikaya được kiết tập đầu tiên trên lá bối tại đảo Tích Lan. Hai là Phật giáo Đại thừa và kinh điển Đại thừa được kiết tập bằng tiếng Sanskrit và truyền lên phía Bắc Ấn nên gọi là Bắc truyền Phật giáo.
Nam truyền Phật giáo chủ trương từ con người tiến tu trở thành Hiền thánh và đạt quả vị cao nhất là A-la-hán. Vì vậy, theo hệ Nam truyền Phật giáo gần với văn hóa của loài người hơn, nên dễ chấp nhận hơn.
Nhưng từ căn bản này qua Bắc truyền Phật giáo thì sau Phật nhập Niết-bàn từ 300 năm đến 500 năm mới hình thành kinh điển Đại thừa.
Nói về kinh điển, vào khoảng đầu Công nguyên mới có ở Việt Nam. Nhưng trước đó, kinh của Bắc truyền bằng Phạn ngữ đã được kiết tập tại Bắc Ấn và vùng Trung Á. Thật vậy, từ Bắc Ấn qua Népal, các nhà khảo cổ đã tìm được nguyên bản Phạn văn kinh Pháp hoa ở Tây Vức và Népal mà ta quen gọi là Pháp hoa Népal và Tây Vức.
Như chúng ta đã biết khi Ấn giáo được phục hưng thì Phật giáo bắt đầu đi xuống. Đến khi Hồi giáo chiếm Ấn Độ, Phật giáo bị diệt vong. Lịch sử ghi rằng Đại học cổ Nalanda của Phật giáo bị phá hủy mà quân Hồi giáo phải đốt đến 3 tháng mới tiêu hủy toàn bộ sách vở của tu viện này. Và từ đó đến thế kỷ thứ XVIII không còn người biết đến Phật giáo. Tên của Phật giáo còn không được nghe huống chi là học Phật giáo.
Nguyên nhân từ đâu mà Phật giáo thịnh hay suy. Lịch sử cho thấy rõ khi Phật giáo hưng thịnh nhờ có các vị Thánh Tăng ra đời và kết hợp với các ông vua sùng mộ đạo Phật hết lòng xiển dương Chánh pháp. Nhưng khi thời kỳ Phật giáo hưng thịnh tột độ đã có mầm mống suy đồi. Thật vậy, Phật giáo hưng thịnh thì chư Tăng được tôn trọng cúng dường, nên có nhiều người muốn được cung kính cúng dường, họ mới xuất gia, đó là phàm tăng. Điển hình như vua Ba Tư Nặc thấy Phật độ sát nhân Vô Não đắc La-hán, nên ông dành đặc quyền cho những người mặc áo tu, tu sĩ phạm tội gì cũng được tha. Vì vậy tội nhân chỉ việc khoác áo Tăng sĩ là sống yên ổn, thoải mái, tất nhiên việc này đưa đến tình trạng lẫn lộn tu sĩ giả và tu sĩ thật khiến cho nhiều người chán ngán đạo Phật.
Chính vì trong 12 năm đầu, giáo đoàn toàn là các vị thanh tịnh Tăng cầu giải thoát, tên ba đường ác còn không có, thì Phật đâu cần chế giới luật làm gì. Nhưng từ 12 năm sau trở đi, Phật giáo mạnh quá, uy tín của Phật lên cao quá, mọi người đều quy ngưỡng Phật và tệ nạn theo đó xảy ra. Đức Phật mới chế giới để làm hàng rào bảo vệ người chân tu.
Đối với người thực tu, hoàn cảnh khó khăn không quan trọng, vì họ đạt được Ly sanh hỷ lạc. Tất cả chúng ta ngày nay cũng vậy, phải đạt Sơ quả để không lệ thuộc cuộc sống vật chất và không lệ thuộc tình cảm xã hội thì hoàn cảnh càng khó khăn, chúng ta càng nỗ lực tu hành. Theo kinh nghiệm riêng tôi, sanh trong thời Pháp thuộc và tu trong thời pháp nạn, cuộc sống rất khó khổ, một là tu hai là chết, không còn con đường nào khác, nên quyết tâm tu vượt qua tất cả khổ nạn. Chưa tu thì nghĩ phải ăn cho bổ, cho ngon, nhưng khi bị ở tù, cơm cũng không có ăn khiến tôi nhớ mùa an cư nào đó, Phật phải ăn cám dành cho ngựa.
Trong mùa an cư năm 1963, tôi ở tù, ăn cơm tù giúp tôi ngộ ra nghĩa giải thoát trong cảnh chướng duyên này nhờ đã thực tập được cuộc sống không lệ thuộc vật chất. Vượt được sự bức ngặt của vật chất, tâm mình sẽ thanh thản khi phải bước vào thế giới không an lạc. Và nhờ đó, tôi cũng phát hiện rằng người tu tuy thân đói nhưng tâm không đói. Thân chưa đói mà tâm đói là ngạ quỷ. Ngạ quỷ có cái bụng lớn nên chỉ nghĩ đến ăn dù bụng của nó no rồi. Tôi có người bạn lúc nào cũng lo đói khiến tôi nhận ra được cái đói của ngạ quỷ là thế nào. Đối với người trung bình, thân đói thì tâm đói, thân no thì tâm no. Người tu thân đói nhưng ở Chánh định, nên không thấy đói.
Về việc không lệ thuộc cuộc sống vật chất, Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo đều giống nhau. Các vị Hòa thượng Nam truyền, có vị ngày ăn một bữa, hay hai, ba ngày ăn một bữa, hoặc một tuần mới ăn một lần. Thân tuy gầy, nhưng các ngài không ốm đau. Ban đầu tu phải có sự thay đổi như vậy, nếu không thay đổi mà ở mãi vị trí phàm phu, chúng sanh sẽ chán, hết quý mình thì pháp nạn xảy ra.
Nói về sự hiện hữu của Phật, có người nghĩ rằng khi có Phật xuất hiện trên cuộc đời thì có Phật và Phật Niết-bàn, họ nghĩ không còn Phật. Và khi làm lễ Phật đản, chúng ta thường thờ tượng Phật đản sanh. Có một thầy Nam tông cố chấp nói rằng Phật sơ sanh là con nít, chưa thành Phật, mình làm Sa-môn còn không lạy vua, làm sao lạy con nít. Và Phật xuất gia cũng chưa thành Phật, còn theo học với Kamala là ngoại đạo, nên không lạy. Đến khi Phật ngồi Bồ Đề Đạo Tràng thành Phật, nhưng thành Phật thiệt hay không. Họ lý luận rằng đến khi Phật thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như đắc quả A-la-hán và Phật lập giáo thì Phật giáo mới bắt đầu từ thời pháp đầu tiên ở Lộc Uyển, còn lúc Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài có nói pháp đâu, Ngài chỉ đi vòng quanh cây bồ-đề thôi. Bắt đầu Phật nói Tứ Thánh đế và trải qua suốt 45 năm, Phật cũng chỉ nói Tứ Thánh đế; đó là quan điểm của Phật giáo Nguyên thủy.
Tuy nhiên, đối với tôi, giáo lý là như thế, nhưng chúng ta thực tập từng bước cũng chứng được các quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán là Thánh quả. Đắc La-hán, tầm nhìn của chúng ta dĩ nhiên sẽ khác và hiểu Phật thế nào là còn khác nữa.
Bây giờ chúng ta chưa đắc Tu-đà-hoàn mà nói chuyện của La-hán không dễ chút nào, vì ta không thấy đúng thì không tin được. Nói cách khác, con người còn trong sinh tử bị ngũ ấm ngăn che làm sao thấy Phật và thế giới Phật. Mình là con người thì cái khác mình không thấy, không tin, không nghe được.
Thật vậy, hiện nay có các cuộc hội thảo của những người ở các nước trên thế giới cùng bàn luận với nhau, thấy nhau và đưa ra quyết sách chung mà họ không cần tập hợp lại một chỗ. Đây là sự việc thực tế của loài người đang diễn ra trong thời hiện đại, nếu 100 năm trước, anh em nói như vậy chắc chắn không ai nghe, không ai tin, nhưng bây giờ thì việc này quá bình thường. Mỗi người có điện thoại thông minh đều làm được như vậy, đó là cách làm việc theo thế kỷ XXI.
Vì vậy, chúng ta học Phật pháp theo lý thuyết, nhưng là người tu có thể nghiệm tinh ba giáo pháp trong cuộc sống thì tất yếu có sự thăng tiến trí tuệ, nên phải có tầm nhìn đúng hơn.
Mới tu, ta sẽ có cái nhìn cuộc đời khác, nhưng tu vài năm mà không tiến bộ dễ chán nản cho đến hoàn tục. Tôi có người bạn bị như vậy, tu hành mà cánh cửa giải thoát không mở được thì bị xã hội chi phối hoàn toàn khiến mình trở thành con người của xã hội, không phải con người của thế giới tu.
Mở cánh cửa giải thoát, chúng ta chứng ngộ Ly sanh hỷ lạc và Định sanh hỷ lạc, nên chúng ta thường sống trong Chánh định. Ta nhìn người dưới lăng kính như vậy, thấy họ dễ thương. Người không có Chánh định, chỉ có tạp niệm cuồng tâm thì gặp nhau nói đủ thứ chuyện vô ích.
Người có Chánh niệm làm gì cũng dễ thương. Tôi thấy các thầy ra công trường làm việc có dáng giải thoát của thầy tu trông dễ thương dù làm việc của công nhân, khác với thầy tu ngồi trai đường mà mất Chánh niệm, liếc qua ngó lại và nói chuyện linh tinh. Đây là điều cấm kỵ đối với người tu.
Trở lại vấn đề Phật giáo Đại thừa, như đã nói, kinh điển Đại thừa có thể kiết tập sau Phật Niết-bàn từ 300 năm đến 500 năm, nhưng tinh thần Đại thừa và con người Đại thừa hoàn toàn khác con người bình thường. Chúng ta thường nói người có căn tu thì tu thiệt, người có niềm tin mới thấy đạo.
Thật vậy, người tu hay Phật tử có con mắt của niềm tin thấy tượng Phật là Phật. Có một Phật tử là tướng vô chùa Huê Nghiêm thấy tượng Phật, ông nói với tôi rằng không biết sao mà Phật cứ nhìn con hoài. Ông có niềm tin mới nói như vậy.
Khi nào các thầy thấy Phật nhìn mình là các thầy có con mắt của niềm tin. Không thấy Phật, chỉ thấy tượng thì mặc áo tu là nhứt xiển đề bất tín. Có một người gặp Phật coi Phật là Sa-môn bình thường và hỏi Phật rằng sau khi chết, ông còn hay không. Phật trả lời Sa-môn Cù Đàm phải chết, nhưng tôi là Phật không chết.
Vì Phật không chết, nên Phật cách chúng ta cả ngàn năm mà chúng ta vẫn coi Phật đang sống với chúng ta. Nếu các thầy coi Phật chết và tự buông lung, các thầy là nhứt xiển đề. Lịch sử ghi rằng khi Ca Diếp về dự lễ trà tỳ Phật, đã nghe một thầy tu la lên rằng ông sướng quá, vì Phật chế luật này luật kia làm ông thấy bị ràng buộc. Nay Phật chết, ông được tự do.
Không có con mắt của niềm tin mới thấy Phật chết, không còn Phật. Vì vậy, như đã nói xưa kia, người đứng trước Phật mà cũng không thấy Phật. Nhưng có người sống cách Phật cả ngàn năm vẫn thấy Phật, như Trí Giả nói với Tổ Huệ Tư rằng con tụng kinh Pháp hoa thấy Phật đang thuyết pháp. Ngài Huệ Tư nói ông ngộ rồi đó, nghĩa là bức màn ngăn che ngũ uẩn của chúng ta rớt xuống thì quá khứ, hiện tại và vị lai là một.
Phật ngồi Bồ Đề Đạo Tràng phá ma quân, đầu tiên phá ngũ ấm ma. Vì vậy, ngày nay chúng ta tu, phải phá cho được ngũ ấm ma mới vào được thế giới siêu hình, thế giới của Phật và Bồ-tát.
Cảm được lý này, tôi làm bài kệ khi giảng kinh Hoa nghiêm như sau:
Bồ-đề thọ hạ phá ma binh
Thập phương thế giới phóng quang minh
Đại sĩ vi trần vân lai tập
Phạm vương thỉnh Phật thuyết chơn kinh.
Phá ngũ ấm ma thì phiền não tan, vì phiền não theo ngũ ấm ma mà ra. Và phiền não tan thì thiên ma làm gì được ta.
Từ sự kiện thực tế là Phật đi vòng quanh cây bồ-đề, nhưng theo tinh thần Hoa nghiêm không chỉ thấy đơn giản là Phật đi vòng vòng, mà thấy Phật khác. Nghĩa là Phật từ con người đắc đạo, Ngài đã quán cùng tột sự vật, thấy tất cả là không, gọi là Không sanh đại giác trung. Đại giác là trí tuệ vô thượng mới thấy ngũ uẩn giai không và cũng thấy rõ trong cái không đó có tội lỗi và có cả phước lành. Thật vậy, trong ngũ uẩn cũng có thanh tịnh ngũ uẩn không hề bị tiêu diệt và sẽ biến thành Pháp thân, nếu biết tu tập chuyển hóa hữu lậu ngũ uẩn thành vô lậu ngũ uẩn. Nhưng nếu si mê để cho ngũ ấm tác động, sai sử thì thân ngũ uẩn này trở thành thân tội lỗi. Vì vậy, thân ngũ uẩn tội lỗi hay phước lành cũng là một; nói đơn giản, tu đúng pháp thì chuyển thành thân phước đức, làm sai thì chuyển thành thân tội lỗi.
Và Phật quán nguyên thể sự vật là không, nên Phật dạy phải nhập không tánh trước, vì chứng được không tâm thì nhìn đời sáng. Trí tuệ Phật cũng sanh ra từ “Không”. Còn mình kẹt sự vật, kẹt ngũ ấm, nên trí tuệ của mình chỉ là hữu lậu trí, hay do “Thức”biến.
Còn từ “Không”sanh là có trí tuệ vô lậu sẽ thấy tuy không có gì hết, nhưng vạn vật đều nương vào cái không này mà có ra. Tổ Huệ Năng ngộ lý Không này nói rằng bản lai vô nhất vật, vì phá được ngũ ấm, trụ pháp không, thấy hoàn toàn trống không, nhưng nhìn kỹ bằng mắt huệ thấy “Vô nhất vật trung vô tận tạng”, tức thấy bằng mắt là không có gì mà lại làm được tất cả. Điển hình là Phật không sở hữu vật nào nhưng Trúc Lâm tịnh xá, Kỳ Hoàn tịnh xá và nhiều thứ khác nữa lần lượt hình thành để dâng cúng Phật với tất cả tấm lòng quý kính mong Ngài nhận cho họ được phước. Rõ ràng Đức Phật đi tu, bỏ tất cả nhưng sự nghiệp của Phật có thể nói không có ai hơn Ngài. Chúng ta tu thực tập lý này sẽ thấy được kết quả.
Từ góc độ nhìn như vậy, tôi thấy Bồ-tát tạng có trước Thanh văn tạng. Vì Thanh văn tạng hình thành từ thời pháp ở Lộc Uyển; nói thực tế là sau khi Phật nhập diệt, ngài Ca Diếp kiết tập mới có kinh điển, nhưng lúc đó cũng đọc lại kinh bằng ký ức, phải đến đầu Công nguyên mới có kinh viết trên lá bối sau Phật diệt độ 500 năm. Những điều này chúng ta biết qua lịch sử ghi lại.
Nhưng tạng kinh Đại thừa hoàn toàn khác. Nếu đọc kinh Pháp hoa, chúng ta thấy Phật Thích Ca hành đạo Bồ-tát từ thời Phật Oai Âm Vương và Phật Oai Âm Vương nhập diệt, đến thời Mạt pháp xuất hiện tăng thượng mạn Tỳ-kheo.
Theo Đại thừa, có hàng thoái chuyển Thanh văn là người hành Bồ-tát đạo rồi, nhưng gặp khó khăn quá, không làm được thì trụ lại hạnh Thanh văn, không làm nữa. Trên bước đường tu, tôi thường gặp trường hợp này. Vì hành Bồ-tát đạo sanh phước đức và tạo quyến thuộc mới thành Phật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mình hiểu và làm thì dễ, nhưng dìu dắt người khó vô cùng và không làm được như vậy thì họ thoái chuyển, trở về làm Thanh văn.
Thật vậy, chúng ta tu ví như con rùa, đối diện với những tình huống khó khăn quá thì mình thu nhiếp sáu căn lại để trụ định, các thầy sẽ thấy an lành liền. Không làm việc, trở lại vị trí Thanh văn của mình là không cần ăn uống, không cần khen chê, không cần gì hết, mình thấy an lành, giải thoát. Nhưng ra làm đạo rất khó và công đức chưa sanh càng khó hơn nữa.
Vì vậy, Đức Phật, Xá Lợi Phất, Kiều Trần Như đều là A-la-hán, nhưng hoàn toàn khác nhau. Phật Thích Ca là A-la-hán, nhưng Ngài còn có Minh hạnh túc và Thế gian giải, tức Ngài đã làm và làm rất tốt việc giáo hóa chúng sanh. Mình mới tu, chưa làm được ích lợi gì cho đời thì làm sao sanh công đức. Cũng như các thầy tốt nghiệp đi giảng dạy cứu đời giúp người mới có công đức, nhưng làm việc khó này không nổi thì quay trở về trụ pháp Thanh văn hay trụ Niết-bàn. Thí dụ nhiều vị Hòa thượng làm đạo không được thì nhập thất tu.
Theo Đại thừa, từ thời Phật Oai Âm Vương, Đức Thích Ca là Bồ-tát Thường Bất Khinh đã phát tâm tu hạnh kính Tăng, gặp thầy nào, Ngài cũng lễ lạy. Còn trước kia, tu Bồ-tát hạnh nhưng kẹt chấp pháp, nên nghĩ thầy này dễ thương, học giỏi thì mình kính, thầy kia kỳ khôi, mình chê.
Ở Ta-bà có đủ thứ loại người, nhưng Thường Bất Khinh tu hạnh quán bình đẳng tâm đối với Sa-môn, thậm chí với cư sĩ. Thực tập pháp tu này, ngài nhìn vào bản thể con người thấy tất cả mọi người có cùng pháp tánh giống nhau.
Các thầy cố tập pháp này, còn kẹt sắc thì phân biệt Tăng phải thế này, Ni phải thế kia. Nhưng quán pháp bình đẳng, không kẹt sắc, không phân biệt Tăng Ni, không phân biệt nam nữ cư sĩ, tất cả mọi người tu đều là Bồ-tát.
Theo kinh nghiệm của tôi, nếu các thầy còn phân biệt người này tốt với mình thì dễ thương, người kia xấu với mình thì khó thương. Mình ghét người tất nhiên họ cũng ghét mình hơn là quả báo xấu phải gánh lấy do phân biệt nhị nguyên.
Đức Phật Thích Ca tu Bồ-tát đạo từ thời Phật Oai Âm Vương, khi các Tỳ-kheo tăng thượng mạn thấy Bồ-tát Thường Bất Khinh đắc đạo, kinh ghi là mạng chung, tức đã diệt được ngũ ấm.
Còn kẹt ngũ ấm thì con người làm đủ thứ tội lỗi. Nhưng diệt được ngũ ấm theo Đại thừa thì thân này trở thành ngôi đền tâm linh khiến người phải quý trọng.
Tất cả Tỳ-kheo tăng thượng mạn đã từng đánh mắng Thường Bất Khinh nhưng khi thấy ngôi đền tâm linh đáng kính trọng hiện hữu nơi ngài, họ đã cung kính lễ bái ngài, xin được làm đệ tử của ngài.
Đức Phật Thích Ca cho biết những người trước kia khinh chê ngài thì nay trong hội Pháp hoa, họ là 500 Bồ tát đứng đầu là Bạt Đà Bà La Bồ-tát và 500 Tỳ-kheo-ni là nhóm Sư Tử Nguyệt Bồ-tát. Tất cả những người này từ thời xa xưa đó đã được Thường Bất Khinh Bồ-tát giáo hóa, họ trở lại làm Sa-môn tu hạnh Bồ-tát theo ngài. Điều này nói lên rằng phải hành Bồ-tát đạo mới có quyến thuộc. Thực tế chúng ta thấy có người tu tốt, nhưng không được ai thương, vì họ chưa dìu dắt người khác, chưa xây dựng quyến thuộc. Cũng có người tu có rất nhiều quyến thuộc Bồ-đề vì họ đã từng cưu mang giúp đỡ nhiều người.
Riêng tôi có thời gian làm Sa-di hầu Hòa thượng Thiện Hoa, tôi ghét các Ni lắm, nên các sư bà không có thiện cảm với tôi. Nhưng tụng kinh Pháp hoa, tôi ngộ ra và chuyển đổi cái nghiệp không tốt đó trở thành hạnh cung kính người thì có được kết quả tốt lành.
Trở lại kinh Pháp hoa, Đức Phật tu hạnh Bồ-tát từ thời Phật Oai Âm Vương và gần nhất, nhìn Phật theo con mắt Đại thừa, Phật là Bồ-tát Hộ Minh từ cung trời Đâu Suất giáng thần làm con vua Tịnh Phạn. Đó là có con mắt của trí tuệ, của niềm tin, của Bồ-tát thấy hoàn toàn khác dù ai cũng mang thân người.
Vì vậy, tiên A Tư Đà thấy Phật mới sanh đã là Phật, không phải đến thời Phật thuyết pháp ở Lộc Uyển, Ngài mới là Phật. Ông sống trên 120 tuổi thấy Phật là Phật nên ông vội sụp lạy liền, vì ông thấy Phật bằng con mắt Đại thừa, bằng niềm tin.
Thấy Phật bên trong thái tử mới thể hiện ra bên ngoài có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Nhìn bề ngoài mà thấy bề trong là thấy theo Đại thừa. Khi Phật còn là thái tử, Đề Bà bắn con chim bị thương, thái tử liền cứu chữa chim khỏe mạnh lại rồi thả nó bay lên bầu trời. Hai tâm hồn hoàn toàn khác nhau, tâm ác ma bên trong Đề Bà Đạt Đa và tâm Phật bên trong Thái tử Sĩ Đạt Ta.
Tóm lại, có con mắt của niềm tin, của Đại thừa, nhắm mắt lại, ta vào thiền định thấy Phật từ Đâu Suất giáng thần, thấy vô số kiếp Phật hành Bồ-tát đạo và cũng thấy Phật đang hộ niệm cho chúng ta hành đạo được tốt đẹp trong đời ngũ trược. Riêng tôi làm được Phật sự một cách nhẹ nhàng nhờ Phật hộ niệm, Phật bổ xứ cho tôi vượt qua chướng nạn, thành tựu ý nguyện thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.
Hòa thượng Thích Trí Quảng