Kinh Pháp hoa nói về hạnh Bồ-tát, trong đó có Bồ-tát từ nhân hướng quả là Bồ-tát từ sơ phát tâm tu hành cho đến thành Vô thượng Chánh đẳng giác.
Và kinh Hoa nghiêm nói rõ về lộ trình tu tập của Bồ-tát từ nhân hướng quả, khởi đầu là Bồ-tát Thập tín.
Theo kinh Hoa nghiêm, niềm tin là mẹ của các công đức. Niềm tin của hàng đệ tử Phật trước nhất là tin Phật. Mặc dù chúng ta chưa hiểu rõ về Phật, nhưng nhận thấy uy tín cao tột của Phật, việc làm thánh thiện hoàn toàn của Phật, nói chung là cuộc đời của Đức Phật thực sự thể hiện rõ nét Ngài là đấng tối cao trong loài người.
Thật vậy, Đức Phật không hư vọng, không dối gạt, vì Ngài nắm quyền uy tột đỉnh trong tay mà Ngài còn vứt bỏ để tu hành và tìm được chân lý cứu giúp mọi người thoát khỏi xiềng xích của khổ đau trầm luân sinh tử. Thứ hai, chúng ta tin pháp là giáo lý của Đức Phật rất gần với đời sống của chúng ta mà từng bước thể nghiệm sẽ giúp chúng ta thấy chính xác để có được cuộc sống của người hiền lương cho đến tiến lên quả vị Hiền thánh, Phật. Thứ ba, chúng ta tin Tăng đoàn của Đức Phật.
Tăng đoàn của Phật có ngũ chủng Tăng, nhưng chúng ta tin được ba hạng Tăng như sau. Một là người hảo tâm xuất gia thực lòng quyết tâm tu để thành Phật, tuy là phàm tăng nhưng quyết chí tu phải thăng hoa trí tuệ và đức hạnh cho đến đạt được quả vị Toàn giác.
Hàng Tăng thứ hai mà chúng ta nên cẩn thận là nghiệp chướng Tăng, đó là người thấy Phật được nhiều người kính nể, vua chúa thỉnh Phật cúng dường thì khoác áo tu sĩ cũng được hưởng theo; nghĩa là vì quyền lợi mà họ đi tu. Hàng phàm Tăng này nếu quyết tâm thực tập pháp Phật thì lần lần cũng được giải thoát, an lạc, chứng được quả Tu-đà-hoàn, A-na-hàm thuộc Hiền vị và chứng quả A-la-hán hoàn thành Bát Chánh đạo thể hiện ba ngàn oai nghi là bước lên Thánh vị. Nhìn thấy bề ngoài người tu mới phát tâm giống nhau, nhưng quan sát kỹ, ba năm sau, nếu việc tu hành của họ có hướng đi lên, công đức sanh ra và trí tuệ sáng lên là họ đạt được quả vị Hiền thánh. Tuy nhiên, trong hàng Hiền thánh có Hiền thánh của Thanh văn và Hiền thánh của Bồ-tát.
Đối với Bồ-tát tu hạnh nội bí ngoại hiện thì chúng ta khó biết được, vì các Ngài tùy duyên mà xuất hiện bằng tất cả các loại thân hình để giáo hóa chúng sanh và tích lũy công đức, thành tựu Phật quả trong tương lai.
Nếu chúng ta cầu giải thoát thì chứng được quả A-la-hán rồi vào Niết-bàn, không tái sanh nữa. Nhưng từ quả vị A-la-hán này, kinh Pháp hoa dạy rằng nếu phát Bồ-đề tâm hành Bồ-tát đạo, về sau sẽ thành Phật, nhưng còn phải trải qua 52 cấp bậc tu của Bồ-tát mà khởi đầu là Bồ-tát Thập tín. Tín tâm của Bồ-tát Thập tín giống tín tâm của Thanh văn là tin Phật, tin lời dạy của Phật và tin Tăng đoàn. Nhưng Tăng đoàn của Bồ-tát tích cực tạo công đức, khác với Tăng đoàn của Thanh văn chỉ cầu giải thoát cho riêng mình.
Chúng ta tin Tăng đoàn của Bồ-tát, thấy họ làm việc tốt cho đời, chúng ta phát tâm theo và niềm tin này kiên cố không thay đổi là bước khởi đầu. Và chúng ta tin chắc lời Phật dạy rằng phải hành Bồ-tát đạo mới thành Phật, còn hành Thanh văn đạo chỉ thành La-hán. Từ niềm tin vững chắc, chúng ta bắt đầu khởi hành con đường tu của Bồ-tát, quan trọng nhất là phải trụ tâm chịu đựng vững vàng dù hoàn cảnh nghèo khổ, khó khăn, chúng ta cũng không bỏ đạo.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng thuyết giảng “Bồ-tát từ nhân hướng quả” tại hạ trường chùa Huê Nghiêm
Thực tế năm 1963, tôi quan sát những người cùng tu chung ở Phật học đường Nam Việt, thấy rõ Thanh văn khác với Bồ-tát. Bấy giờ, tôi gặp ngài Quảng Đức đến chùa Ấn Quang xin Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo cho phép ngài tự thiêu, không tiếc thân mạng, vì ngài thấy được pháp cao quý trong quá trình tu thì ngài mới làm được việc quan trọng như vậy. Ai cũng ham sống sợ chết, nhưng Bồ-tát Quảng Đức xin được chết. Ngài nói rằng tôi nằm xuống, các thầy phải đứng dậy, phải đoàn kết, hy sinh để bảo vệ Phật pháp.
Vì vậy, một số thầy nghe theo ngài, đã phát tâm Bồ-đề không tiếc thân mạng, dấn thân bảo vệ Phật giáo dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng cũng có các thầy không phát tâm Bồ-đề đã tìm cách ở ẩn cho an toàn mạng sống là Thanh văn Tăng ẩn tu.
Bồ-tát trụ tâm vững vàng ở pháp hành Bồ-tát thì dấn thân, nghĩ rằng mình chết để Phật giáo sống. Nếu Phật giáo chết thì mình cũng không thiết sống. Dấn thân bảo vệ Phật giáo bấy giờ, có thầy bị bắt, bị hành hạ, bị giết, nhưng tâm vẫn trụ vững trước những trận đòn tra tấn và an nhiên trước cái chết. Họ nói sợ thì cũng chết, nhưng quyết tâm chết thì không sợ. Nếu còn chấp vào thân tứ đại thì bị đánh biết đau mới sợ. Cũng như Thánh Gandhi trụ tâm vững vàng mới nói rằng họ bỏ tù thân ông, nhưng không bỏ tù được tâm ông. Người tu coi thân như chiếc áo. Chết là bỏ áo cũ để thay áo mới, tức thay đổi thân sau tốt hơn, có phước đức và trí tuệ nhiều hơn.
Bồ-tát trụ vững tâm thấy được việc đáng làm mà người thường không thấy, không biết và họ vượt được khó khăn nguy hiểm mà người thường không làm được, nên họ trở thành Thánh. Chúng Thanh văn e ngại, không làm được, nhưng vẫn giữ được tiết tháo của người tu thì cũng tốt.
Hành Bồ-tát đạo, tâm trụ vững rồi là hoàn thành giai đoạn hai của Bồ-tát Thập trụ, qua giai đoạn ba là Bồ-tát Thập hạnh tu mười hạnh ba-la-mật. Đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, phương tiện, nguyện, lực và trí. Vì vậy, đối với Bồ-tát, làm bất cứ việc gì sanh được trí tuệ thì nhất định không từ chối, dù có khó khăn, gian khổ. Riêng tôi lúc mới phát tâm tu, tôi luôn tâm niệm rằng tất cả mọi việc tôi đều sẵn sàng nhường cho thiên hạ, trừ việc học, tức phát huy trí tuệ thì không nhường. Điều gì chưa biết phải học. Người hiểu biết hơn, chúng ta theo học, coi họ là thầy.
Cầu học là Bồ-tát. Khi chúng ta có trí tuệ, mới quay ngược lại hành bố thí. Tu theo Hoa nghiêm, bố thí nhưng không có trí tuệ sẽ sanh tội hơn là có phước, nên chúng ta cần cân nhắc. Thật vậy, Đức Phật khác chúng ta ở việc làm, lời nói và suy nghĩ đều do trí tuệ chỉ đạo. Chúng ta hành động, nói năng, suy nghĩ theo nghiệp, theo tham vọng, bực tức, u mê.
Theo Phật, việc làm và lời nói của chúng ta muốn có trí tuệ nghĩa là ban đầu chúng ta phải nương theo kinh giáo, nói cách khác, không học mà cầu sanh trí tuệ không thể nào được.
Khi chưa có trí tuệ, chúng ta lấy trí tuệ của Phật làm trí tuệ của mình thì những gì chúng ta suy nghĩ, nói hay làm mà không đúng với giáo lý Phật, chúng ta không nghĩ, không nói, không làm, vì biết rằng thân khẩu ý vượt ngoài vòng rào tam tạng Thánh giáo sẽ đưa mình đến thất bại, bỏ tu.
Thể hiện lý này, khi tôi phát tâm mạnh, Hòa thượng Trí Tịnh luôn ngăn lại và nói rằng thầy có thương chúng sanh hơn Phật, hơn Bồ-tát hay không. Chúng ta là chúng sanh thương chúng sanh khác với Phật, Bồ-tát thương chúng sanh.
Phật thương chúng sanh nhưng Phật có trí tuệ, Ngài thấy đúng đắn rằng chúng sanh nào Ngài nên cứu, nên độ và chúng sanh nào Ngài không nên cứu, không nên độ. Dù Phật độ tận chúng sanh, nhưng Ngài chỉ độ được chúng sanh có duyên với Ngài, đó là một trong ba điều mà Phật không làm được gọi là tam bất năng. Người không có duyên với Phật thì Phật không độ. Vì vậy, trước khi Phật vào Niết-bàn, Ngài nói rằng những người đáng độ, Ta đã độ rồi.
Chúng ta không có trí tuệ, hành Bồ-tát đạo thường phạm sai lầm lớn. Thật vậy, người không đáng độ, hoặc không đáng gặp mà chúng ta lại tìm đến thì bị thọ nạn, việc không đáng làm mà chúng ta làm, nên bị đọa.
Tu theo Phật, Bồ-tát có trí tuệ sẵn sàng độ chúng sanh có duyên với các Ngài. Người không có duyên dù kêu cầu hoài, Bồ-tát cũng không tới.
Trên bước đường tu, có trí tuệ chỉ đạo là việc quan trọng nhất. Nếu tu hạnh Thanh văn chứng từ Sơ quả đến quả vị A-la-hán có trí tuệ, vì La-hán sống trong Bát Chánh đạo, nên có Chánh định mới có Chánh kiến thấy được chúng sanh nên độ và chúng sanh nên tránh.
Nếu hành Bồ-tát đạo, trụ vững tâm rồi thì Bồ-tát tiếp tục thể nghiệm đầy đủ mười pháp Ba-la-mật thì được xếp vô Hiền vị của Bồ-tát. Và khi thành tựu được mười pháp Ba-la-mật, Bồ-tát bước qua giai đoạn tu Thập hồi hướng, bấy giờ nhắm vô đối tượng mà làm.
Trước hết là tu hồi hướng Vô thượng Bồ-đề. Chúng ta hành Bồ-tát đạo để làm gì. Một là để biết vì khi chúng ta sống trong hạnh Thanh văn thì chỉ có hiểu biết thuần lý theo sách vở. Nhưng hành Bồ-tát đạo, có làm mới có hiểu biết đúng đắn. Thể hiện ý này, Hòa thượng Trí Tịnh dạy rằng khi nào lớn rồi biết, thành Phật rồi biết. Còn là học tăng không thể biết, phải làm mới biết.
Vì vậy, chúng ta thực hiện hạnh Bồ-tát để biết, có tiếp cận chúng sanh mới biết chúng sanh nghĩ gì, muốn gì, làm được gì. Và khi tiếp cận chúng sanh, mình biết cái muốn của họ và cũng biết mình có thể đáp ứng được hay không. Đó là ý nghĩa của “Lớn mới biết”, nghĩa là lớn mới dạy, bây giờ không dạy. Chính vì vậy mà Bồ-tát biết nhiều nhưng nói ít, đáng nói mới nói. Hòa thượng Trí Tịnh nhắc thêm rằng tuy mình biết, nhưng điều không nên nói cũng không được nói. Hơn thế nữa, chỉ nói với người giải quyết được. Nói với người không giải quyết được khiến họ gây rối, chắc chắn không nên nói.
Hành Bồ-tát đạo để có hiểu biết đúng đắn, kinh Hoa nghiêm gọi là Hồi hướng Vô thượng Bồ-đề. Còn trước đó, hành Thanh văn đạo chỉ mới biết lý thuyết và phá được kiến tư hoặc thôi. Nay Bồ-tát còn biết cả thực hành mới phá được trần sa hoặc.
Và có hiểu biết để người ta không hại được mình. Thật vậy, các thầy muốn ở yên tu phải biết cuộc đời nghĩa là chúng ta biết việc cần làm và biết rõ năng lực của những người mình tiếp xúc. Biết họ không có khả năng làm, chúng ta không giao việc; phải chờ người có khả năng mới giao việc. Giao trứng cho ác thì nguy hiểm. Thực tế cho thấy lãnh đạo giao việc không đúng người chẳng những hư việc, mất chức còn bị tù tội. Như vậy, nhờ có làm việc, lăn xả vào đời, từng bước hiểu biết của chúng ta tăng trưởng.
Hồi hướng Vô thượng Bồ-đề ở giai đoạn tu Thanh văn, chúng ta đọc kinh sách để biết. Đến giai đoạn này, chúng ta làm được nhiều việc thành công nhờ có hiểu biết đúng đắn khi va chạm với thực tế. Kinh Pháp hoa ví dụ ý này như người ôm bó cỏ khô đi vào lửa lớn đang cháy mà đi ra vẫn an lành, đó là Bồ-tát thăng hoa hiểu biết trên lộ trình hành Bồ-tát đạo.
Kế đến, chúng ta đem sự hiểu biết do thể nghiệm pháp hành của Bồ-tát mà mình có được để dạy người, gọi là Hồi hướng Pháp giới chúng sanh. Vì một mình ta không làm được, cần có nhiều người hiểu biết như ta để xây dựng Phật quốc.
Thật vậy, trong một thời gian dài không có người hiểu được, làm được pháp bí yếu của Như Lai, nên Tổ Bồ Đề Đạt Ma phải lặn lội từ Ấn Độ sang Trung Hoa để tìm người có duyên truyền tâm ấn là truyền pháp bí yếu cho Huệ Khả. Kết thành quyến thuộc Bồ-đề của Bồ-tát là làm việc này.
Truyền hiểu biết của ta cho người có duyên là người cũng có thể hiểu biết như ta để họ hợp tác với ta cùng phát triển hạnh Bồ-tát, đó là điều quan trọng của pháp Hồi hướng Pháp giới chúng sanh cho đến khi có nhiều người hiểu biết như ta, họ làm thiện tri thức đồng hành với ta thì ta mới thành Phật.
Điển hình như Đức Phật Thích Ca thành Phật vì Ngài có quyến thuộc Bồ-đề là mười phương Phật làm bạn với Ngài. Vì vậy, Đức Phật Thích Ca xuất hiện trên cuộc đời này thì mười phương Phật thường hộ niệm Ngài làm được những việc khó làm, đồng thời các Bồ-tát phát Bồ-đề tâm tái sanh làm quyến thuộc cùng thời với Phật để hỗ trợ Phật xiển dương Chánh pháp.
Nếu chúng ta không hồi hướng Pháp giới chúng sanh sẽ không có quyến thuộc Bồ-đề thì chúng ta không làm việc lớn được. Thể hiện ý này, kinh Pháp hoa dạy các vị đắc La-hán phải phát tâm Bồ-đề hành Bồ-tát đạo.
Và phần hồi hướng sau cùng là hồi hướng chơn như thật tướng, nghĩa là hiểu biết của ta vô cùng tận và quyến thuộc của ta cũng rất nhiều, nhưng ta không vướng mắc với hai thứ này. Nếu ta độ được người rồi nghĩ họ là đệ tử mà dám làm trái ý ta khiến ta buồn giận là đã bị kẹt vào chúng sanh rồi.
Vì thế, hồi hướng chơn như thật tướng nhằm giúp ta xả bỏ sự chấp chặt vào những thành quả mà mình từng khổ công làm được, xả bỏ sự vướng mắc với những người mà ta từng cứu độ họ. Hồi hướng chơn như thật tướng, ta hoàn toàn tự tại, ta vẫn là ta. Các Đức Phật hỗ trợ nhau nhưng các Ngài chẳng hề vướng bận với nhau, thể hiện lý này. Đó là trở về chơn như thật tướng, trở về tánh sáng suốt miên viễn mà ta giữ gìn. Còn chấp giữ hiểu biết thì trở thành nhà nghiên cứu lý thuyết, không phải là tu hạnh Bồ-tát.
Tu Thập hồi hướng viên mãn, trí tuệ siêu tuyệt và có quyến thuộc nhiều nhưng không vướng bận với chúng sanh, không vướng mắc với sở tri chướng. Nhờ vậy, tuệ giác của ta đối cảnh sanh tâm là đối trước hoàn cảnh nào thì theo đó mà giải quyết thích hợp được tốt đẹp; đó là cốt lõi của đạo Phật.
Kinh Hoa nghiêm lấy phần tu hồi hướng này là chính và thành tựu được pháp này là vượt qua tam Hiền của Bồ-tát, bước qua thập Thánh gọi là Thập địa Bồ-tát.
Hòa thượng Thích Trí Quảng