Lời sách tấn tại trường hạ chùa Từ Nghiêm và chùa Vĩnh Nghiêm, ngày 7-7-2018
Đức Phật quy định người xuất gia phải cấm túc an cư ba tháng để chúng ta tinh tấn quán chiếu lại hành động, việc làm và tâm tưởng của mình có đúng Chánh pháp hay không, để từ đó chúng ta xây dựng được đời sống giải thoát của người tu. Đó là điều quan trọng đã được thực hiện từ khi Phật lập giáo khai tông và vẫn được giữ gìn miên mật cho đến ngày nay.
Vì vậy, trong ba tháng tịnh tu này, chúng ta phải suy nghĩ những lời Phật dạy cũng như áp dụng trong cuộc sống và gặt hái được thành quả thánh thiện trên con đường phạm hạnh. Nếu không làm được như vậy thì uổng phí một đời xuất gia tu học.
Đức Phật dạy người xuất gia việc đầu tiên là phải cởi trói được thân và tâm của chính mình. Cấm túc an cư là khoảng thời gian thích hợp để hành giả tập trung, tu sửa bản thân, xem lại chính mình để thấy thân ngũ uẩn đang mắc kẹt vào những trần duyên nào. Đối với thân như việc ăn uống, ngủ nghỉ và các nhu cầu về đời sống vật chất có chi phối làm mình khó chịu hay không. Đối với tâm thì xem xét thọ, tưởng, hành và thức diễn biến như thế nào. Trên bước đường tu, nếu không cởi trói thân tâm mình được, chắc chắn không làm được những việc khác.
Cởi trói thân nghĩa là ta không lệ thuộc cuộc sống. Nhiều người hiểu lầm rằng chúng ta còn sống thì làm sao không lệ thuộc cuộc sống.
Phật dạy chúng ta không lệ thuộc cuộc sống, đó là điều quan trọng mà tôi đã trải qua nhiều năm suy nghĩ và áp dụng trong đời tu của mình.
Trước khi Phật thành đạo, có nhiều đạo sĩ đã tu không lệ thuộc cuộc sống bằng cách ép xác. Phật cũng đã áp dụng pháp tu này rồi, Ngài nhịn ăn đến mức da bụng dính với xương sườn, cho đến phải ngã gục. Như vậy, pháp tu khổ hạnh ép xác không mang đến kết quả lợi lạc gì cho việc tu hành.
Thực tế là cuộc sống của chúng ta được duy trì trong thân tứ đại. Trên nền tảng của thân tứ đại phải được sinh tồn thì sống không lệ thuộc nó có nghĩa là chúng ta phải sống một cách điều hòa để thân không đau yếu và có được cơ thể khỏe mạnh. Kinh nghiệm này Phật đã trải nghiệm, cho thấy cơ thể khỏe mạnh mới có tâm hồn trong sáng là cánh cửa giải thoát. Con đường đó gọi là Trung đạo không lệ thuộc cuộc sống, tức sống với những gì chúng ta có. Từ đó, Phật mới nhận thấy đời sống vật chất không cần nhiều như người ta thường lầm tưởng. Một ngày ăn một bữa, hay hai, ba ngày ăn một bữa cũng không sao.
Để duy trì mạng sống này, tất yếu là ăn để sống và đối với người xuất gia thì sống để tu. Và quan trọng nhất, làm sao bảo vệ đời sống tu hành tốt đẹp nhất trong trường hạ là ít người đau yếu.
Bước thứ hai quan trọng hơn, là cởi trói tâm thức của chúng ta gồm bốn phần là thọ, tưởng, hành và thức hợp thành con người tinh thần của chúng ta.
Cảm thọ cũng có nghĩa là cảm giác chúng ta do năm giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) tiếp xúc với 5 thứ: sắc, thanh, hương, vị, xúc.
Vì vậy, trên bước đường tu, theo kinh nghiệm của tôi, trong thời gian chúng ta tu, không muốn cho trần duyên bên ngoài tác động khiến chúng ta vui buồn, lo sợ… thì dùng pháp bế quan là cấm túc an cư.
Người nào tuân thủ lời Phật dạy, cấm túc không đi ra ngoài, rồi cấm luôn năm giác quan không cho tiếp xúc bên ngoài. Vì tiếp xúc với bên ngoài, chúng ta phải bị ảnh hưởng bởi cuộc sống phức tạp của xã hội gây ra làm chúng ta khó chịu, buồn phiền và cuối cùng, chúng ta bị xã hội trói buộc.
Tôi đã thí nghiệm và muốn chia sẻ với Ni trưởng cùng quý hành giả an cư rằng ở trường hạ Việt Nam Quốc Tự ăn uống rất đơn sơ, nhưng chúng Tăng ít bệnh hoạn. Đó là nhờ áp dụng phương pháp của Tổ Thiên Thai dạy rằng không ăn quá nhiều, không ăn quá ít và không dùng thức ăn có độc tố.
Thông thường ở những nơi khác, Phật tử cúng dường thực phẩm gì thì sử dụng cái đó. Điều này đúng, nhưng ngày nay thức ăn chứa nhiều độc tố dễ gây ra bệnh.
Vì vậy, ăn vừa đủ, hoặc hơi thiếu một chút cũng không sao, nhưng dùng thực phẩm biết rõ nguồn gốc, bảo đảm không độc hại, tức thực phẩm sạch mới giúp cơ thể chúng ta sạch, khỏe mạnh. Còn đưa vào cơ thể thức ăn bẩn chắc chắn cơ thể bị nhiễm bẩn tạo thành vô số bệnh.
Ngoài việc dùng thực phẩm sạch và ăn uống vừa đủ, điều thứ hai, ở trường hạ Việt Nam Quốc Tự tuyệt đối không cho phép chư Tăng tiếp xúc với Phật tử, mỗi ngày, hành giả an cư chỉ đi từ phòng ở lên chánh điện tọa thiền, tụng kinh, lễ sám, hoặc xuống trai đường thọ thực và kinh hành. Chư Tăng sống trong khu biệt lập của hành giả an cư, dù Tăng Ni bên ngoài cũng không vô được. Nhờ vậy, trong tâm hành giả an cư biết rõ không ai có thể đến gây phiền hà và tinh thần hành giả cũng không bị tiêm nhiễm những tác hại bên ngoài mang tới.
Còn có thăm viếng, tiếp xúc bình thường, tinh thần chúng ta dễ bị trần duyên tác hại. Thật vậy, không cho phép hành giả an cư tiếp xúc với bên ngoài, vì tôi nhận ra được nhiễu sóng thế tục xâm hại tinh thần rất mạnh và rất lâu. Cho nên, tôi nhất định không cho nhiễu sóng của thế gian gặm nhấm tinh thần của đại chúng an cư, để đoạn dứt được trở ngại lớn ngăn cản con đường tiến tu của chúng ta.
Với sự thực tập pháp tu không tiếp xúc với người bên ngoài và tự trong lòng mình cũng không muốn tiếp xúc giúp cho tâm hành giả an cư được thanh tịnh dễ dàng, giúp ích rất nhiều cho việc thúc liễm thân tâm. Đó cũng là kinh nghiệm của tôi thuở còn trẻ tuổi tu học ở Phật học đường Ấn Quang, nhờ không tiếp xúc với bên ngoài và không đi ra ngoài, lòng tôi cảm nhận yên tịnh thực sự.
Tuy nhiên, khi cấm túc không tiếp xúc rồi, nhưng vì lâu nay, chúng ta đã tiếp xúc khiến cho tâm còn dao động, nghĩ việc này việc nọ. Thực tế có thầy lén giấu điện thoại, có thầy yêu cầu cho sử dụng điện thoại lấy cớ để học thi. Nhưng các thầy vào an cư mà còn làm như vậy, tôi không chấp nhận. Giữ điện thoại liên hệ bên ngoài là thân ở đạo tràng, nhưng tâm ở thế tục, như vậy thì tu gì. Nhiều người tu, ít người đắc đạo là vậy.
Có Ni trưởng nói cho các cô an cư, nhưng vẫn cho đi học bên ngoài. Tôi bảo mùa hạ an cư, trường Phật học còn đóng cửa, Ni trưởng mở cửa cho ra ngoài học là sao. Chùa có phải là ký túc xá hay không.
Tôi tới đây thăm, chọn tổ đình Từ Nghiêm vì tôi nghĩ khi thành lập chùa này, Ni trưởng Như Thanh đã sắp xếp cho chư Ni tu hành thật nghiêm túc.
Tôi mong sao quý vị đi con đường của Ni trưởng, rồi nâng trình độ tu chứng của quý vị để cởi bỏ được thập triền, thập sử, mới dự được vào dòng Thánh. Cầu Phật gia hộ cho tất cả hành giả an cư luôn an lành trong ánh hào quang của Phật.
Hôm nay có đủ duyên lành, tôi đến viếng thăm chư hành giả an cư tại trường hạ chùa Vĩnh Nghiêm.
Tôi có vài suy nghĩ xin chia sẻ với quý huynh đệ. Xưa kia, năm anh em Kiều Trần Như đã nhận được sự giáo hóa của Đức Phật như thế nào mà chỉ trong một thời gian ngắn là ba tháng an cư, các Ngài đã đắc quả A-la-hán.
Điều này khiến tôi suy nghĩ trải qua nhiều năm và cuối cùng tôi nhận ra được rằng đương nhiên phải nhờ sức hộ niệm của Đức Phật là việc rất quan trọng.
Thật vậy, ai tu Pháp hoa thì biết rằng người nào được Phật hộ niệm mới có thể trì được kinh Pháp hoa.
Kiều Trần Như được Phật trực tiếp hộ niệm, nên ông đắc Thánh quả rất dễ dàng. Bây giờ, chúng ta tu nhưng không đắc Thánh quả, vì không nhận được lực hộ niệm của Phật. Suy nghĩ ý này, tôi tụng kinh Pháp hoa nhận thấy Phổ Hiền Bồ-tát hỏi Phật khi Ngài tại thế thì có kinh Pháp hoa, nhưng sau khi Phật diệt độ, làm sao có kinh Pháp hoa.
Đức Phật trả lời muốn có kinh Pháp hoa, quý thầy phải có đầy đủ 4 pháp: “ Quyết lòng tu tập theo kinh Pháp hoa, phải biết nhìn xa như các Đức Phật, thấy đúng sự thật của tam thế gian. Quyết trồng căn lành ở tâm niệm chúng, bảo vệ sự sống cho mọi hàm linh và phải chuyên tinh tu tập thiền quán. Tâm được bừng sáng thì có Pháp hoa, bốn biển là nhà, thân trùm Pháp giới. Nếu được như thế, tức Phật hiện tiền, tứ chúng bình yên mà lên bờ giác”.
Hôm nay, vì thì giờ không cho phép, tôi chỉ nhấn mạnh đến điểm Phật dạy chúng ta phải trồng căn lành ở tâm niệm chúng cũng đồng nghĩa với trồng căn lành ở các Đức Phật.
Thật vậy, Đức Phật Thích Ca đã khẳng định rằng Ngài là Phật đã thành và tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành. Do đó, gieo trồng căn lành ở chúng sanh nghĩa là chúng ta khơi dậy tâm Bồ-đề cho mọi người, nuôi dưỡng tâm Bồ-đề của họ cho lớn mạnh và tăng trưởng cho đến thành tựu quả vị Phật trong tương lai. Làm như vậy đồng nghĩa với việc chúng ta đã gieo trồng căn lành ở các Đức Phật vị lai, vì mọi người đều là vị lai Phật.
Ngoài ra, trên bước đường tu, chúng ta gieo trồng căn lành ở các Đức Phật bằng cách hàng ngày chúng ta siêng năng đọc tụng lời Phật dạy, suy nghĩ ý Phật dạy và áp dụng tinh ba Phật pháp trong cuộc sống tu hành của chính bản thân mình để gặt hái được những thành quả tốt đẹp làm gương sáng cho đời. Gieo trồng căn lành ở các Đức Phật một cách miên mật như vậy là chúng ta đã nuôi lớn vị Phật ẩn chứa trong tâm thức của chính mình, chắc chắn chúng ta sẽ gặt hái được quả vị Phật trên con đường phát huy đạo hạnh và tuệ giác của mình.
Như vậy, y cứ vào lời Phật dạy, chúng ta cố gắng trồng căn lành là điều kiện cần thiết để nhận được sự hộ niệm của Phật. Thật vậy, nếu chúng ta không trồng căn lành sẽ không được Phật hộ niệm; vì chúng ta nuôi dưỡng hạt giống ác thì có đồng tần số tương ưng với ác ma, nên các ác ma sẽ nhiếp trì chúng ta. Và chúng ta tu hành trong lực nhiếp trì của các ác ma, đó chính là lý do khiến chúng ta không thể gặt hái được kết quả tốt đẹp theo Phật, mà chỉ chuốc lấy khổ đau.
Thực tế cho thấy người nào tu mà bị quỷ nhiếp trì thì họ luôn khởi tâm ham muốn, bực tức, thích hại người khác… khiến cho chơn tánh của họ bị che khuất, nên mặt trời huệ của Phật không soi sáng được lòng họ.
Điểm then chốt mà tôi nhận ra lý do Phật hộ niệm Kiều Trần Như một cách nhẹ nhàng, đơn giản mà đạt hiệu quả cao một cách vô cùng nhanh chóng.
Sở dĩ Phật hộ niệm Kiều Trần Như, vì trước đó Kiều Trần Như đã tu học với Uất Đầu Lam Phất cùng lúc với Thái tử Sĩ Đạt Ta. Và Kiều Trần Như đã đạt được từ Tứ thiền cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Từ căn bản quả vị sở đắc như vậy, lúc ông theo Phật tu hành, mặc dù chưa đắc quả A-la-hán, nhưng tâm ông đã hoàn toàn thanh tịnh, vì tâm luôn trụ định, ở trong thiền, nhờ vậy, Phật hộ niệm ông dễ dàng.
Trong khi chúng ta phần lớn sống với vọng niệm, dù Phật thương ta đến mấy chăng nữa cũng không hộ niệm được, vì ta và Phật ở trong hai cảnh giới có tần số hoàn toàn cách xa, xa hơn cả bờ đại dương bên này đến bờ đại dương bên kia.
Tinh ba vừa nói mà tôi đã trải nghiệm, xin được nhắc nhở quý hành giả an cư cố gắng giữ chánh niệm và tập sống trong chánh định giống ngài Kiều Trần Như, chắc chắn Phật lực gia bị cho ta, giúp ta có được tâm thanh tịnh. Với tâm thanh tịnh đó, chúng ta tiếp nhận được trí tuệ của Phật, từ đó chúng ta nhìn đời bằng trí tuệ của Phật, chắc chắn chúng ta không phạm sai lầm và tất nhiên không bị tai họa.
Trong mùa tịnh tu là thời gian tốt nhất cho chúng ta thể nghiệm tinh ba của pháp Phật, chúng tôi mong quý hành giả cố gắng đi theo con đường của Tổ Vĩnh Nghiêm, của các bậc tiền nhân đã thể nghiệm có kết quả rực rỡ, quý vị cũng sẽ gặt hái được kết quả giống như các ngài. Cầu nguyện cho quý hành giả luôn được an lành trong mùa cấm túc an cư.
Hòa thượng Thích Trí Quảng