Buông bỏ – Thành tựu pháp Không – Hành Bồ-tát đạo

Đức Phật là vị đại lương y, chỗ chứng ngộ của Phật, hiểu biết của Phật không thể đem dạy người. Ý này Phật khẳng định trong kinh Pháp hoa rằng Ngài không thể nói chân lý, vì chúng sanh không hiểu được, sẽ sanh tâm hủy báng.

Có thể chia mọi người trên cuộc đời này thành ba bậc. Bậc một là chúng sanh ở trong sáu đường sinh tử luân hồi, Phật nói họ như người mù, đương nhiên không làm được gì. Vì vậy, họ phải lo chữa bệnh trước, ví như người bị trúng tên độc, phải nhổ mũi tên và chữa lành vết thương, còn lo tìm nguyên nhân ai bắn tên, có mục đích gì, thì chưa nghĩ ra được đã chết.

Đối với chúng sanh trong sáu đường sinh tử, Phật chữa cho họ thoát khỏi bệnh nghiệp, nên Ngài nói Đạo đế, đó là phương thuốc chữa bệnh cho tất cả mọi người ra khỏi sinh tử luân hồi. Vì vậy, dù tu pháp môn nào cũng phải kiểm chứng xem chúng ta có được thành quả này hay không.

Tại sao chúng ta khổ, phải có phương pháp trị liệu là Đạo đế, Khổ đế là nghiệp bệnh của chúng ta. Kết hợp Khổ đế và Đạo đế để chúng ta tu. Phật nói có 84.000 pháp môn tu, bệnh nào có thuốc đó.

Đầu tiên, Phật dạy người tu phải buông bỏ. Không buông bỏ, dù tu pháp gì cũng sẽ bị đọa. Phật tử sai lầm nghĩ mình tu Pháp hoa, hay tu Thiền cao siêu, nhưng cố chấp, không buông bỏ, thì cố chấp nhiều sẽ khổ nhiều, rồi than tại sao tu mà khổ, đó là uống lầm thuốc, nguy hiểm. Thí dụ người bị cảm phải giải độc trước, dùng thuốc tẩy độc trong cơ thể, nhưng không đẩy được chất độc ra, mà cho thuốc bổ vào là chết. Cũng vậy, tu sai, cuối cùng bị đọa.

Thầy có người bạn khoe rằng đã tụng một trăm bộ kinh Pháp hoa, nghĩ rằng mọi việc sẽ tốt, nhưng không tốt, làm không được tiền, không có nhà ở, tìm nhà trọ cũng không ra. Ông hỏi tại sao tụng một trăm bộ kinh Pháp hoa mà còn khổ hơn lúc chưa tụng kinh. Thầy nói anh đã uống lầm thuốc, thấm vào tim, gan, não rồi. Phải lo giải quyết bệnh tim, gan, não trước.

Phật biết chúng sanh mắc bệnh chấp là nghiệp nhiều, nên Phật dạy phải phá chấp, làm sao lòng chúng ta trống hết. Nghĩa là đầu tiên, chúng ta phải nghĩ rằng mình không là gì hết, dù tụng một ngàn bộ kinh cũng chưa được gì khi còn ôm một khối nghiệp chấp.

Điều chính yếu là pháp Phật dạy chúng ta giải thoát. Nếu tu lâu mà cố chấp nặng, thực tế là tuổi lớn, ở chùa lâu, gặp người nhỏ tuổi xem thường, mình dễ buồn giận. Thầy thường kiểm chứng khi người xúc phạm, mình có thanh thản không, phải trở về pháp căn bản là quán không. Không này từ trí giác của Phật mà ra. Sống với bản giác, hay chơn tâm, mới trụ pháp không, thấy mình không là gì.

Kinh nghiệm của Phật cho chúng ta thấy, Ngài giàu nhất, thông minh nhất, hảo tướng nhất, khỏe mạnh nhất… Tất cả cái gì Phật cũng nhất, nhưng Ngài ôm bình đi khất thực, sống chung với Sa-môn nghèo đói, lang thang. Có thời gian thầy tu cũng tập hạnh đầu-đà để xả ly. Khi mới đi khất thực, thầy cũng cảm thấy xấu hổ, tự ái, liền cắt bỏ cảm nghĩ phiền não này. Trên bước đường tu, trải qua năm năm, mười năm, không buồn giận, lo sợ, an trú pháp Không. Đụng chạm nhiều tất yếu sanh phiền não, nhưng mình cắt bỏ lần, cho đến không còn gì tác hại được tâm mình.

Năm 1975, có người nói thầy chết đến nơi mà không lo. Lúc đó, thầy đang thể nghiệm pháp tu Thiền, đang quán pháp Không, coi sống chết bình thường. Bạn thầy lo sợ quá, vượt biên, chết trên biển. Người khác vượt biên được, nhưng ở nước ngoài rồi cũng chết. Đến lúc chết thì lo cũng chết, nhưng lo sợ mà chết dễ bị đọa. Tâm hồn sợ hãi, hốt hoảng là cửa địa ngục mở ra. Lo tính đủ cách, nhưng không thoát, đọa ngạ quỷ. Tim cách đối phó, nhưng không được, đọa A-tu-la.

Tu pháp Không là không buồn, giận, lo, sợ, đó là nguyên tắc đầu tiên mà Phật dạy ra khỏi sinh tử. Chỉ giữ tâm thanh tịnh, nếu chết, ta về Phật được. Nói cách khác, thầy chuẩn bị chết nhiều hơn sống, nhưng không chết. Bây giờ, thầy cũng chuẩn bị sẵn để chết, vì Phật dạy thở  ra mà không hít vào là chết. Chuẩn bị là giữ tâm thanh tịnh, lúc nào cũng có Phật, thì chết chắc chắn về Phật.

Pháp căn bản là Tứ niệm xứ, vì vậy, không đạt được thành quả từ pháp tu này, tất cả việc khác đều trở nên vô ích. Chất độc trong người phải giải. Độc phát xuất từ lòng tham, tham muốn ngũ dục, ham tiền, ham sắc, ham danh, ham ăn, ham ngủ. Càng ham nhiều thì khổ nhiều, không ham không khổ, dứt khoát như vậy.

Phật bỏ ngai vàng, danh lợi, tài sản…, coi có tiếc không. Bỏ hết, không bị những thứ này chi phối là quá trình tu của Phật và Ngài dạy mình cuối cùng bỏ luôn khen chê bên ngoài của thiên hạ để xem lòng mình có bị tác hại không, tâm phải thanh thản. Mình không làm việc xấu, nhưng họ dán lên mình thì “tức chết”. Phải bỏ cái “tức chết”.

Phật dạy nếu mình kiểm chứng thấy họ nói đúng, thì phải coi họ là thầy chỉ lỗi cho mình, nên phải sửa đổi. Còn tu, cứ nghĩ rằng mình đúng, họ nhỏ nhưng chỉ thẳng nghiệp mình, phải cám ơn họ, nhờ họ mà mình không tái phạm lỗi đó nữa.

Theo Phật giáo Nguyên thủy, Đề Bà Đạt Đa hại Phật đủ cách, nhưng trong kinh Pháp hoa, Phật nói Đề Bà Đạt Đa là ân nhân của Phật, vì có Đề Bà Đạt Đa làm đối tượng để Ngài tự rèn luyện tâm hoàn toàn trong sạch. Nếu không có thử thách làm sao biết mình trong sạch hay không.

Trong cuộc đời hành đạo của Đức Phật, người ngoại đạo chê trách Phật, sau này họ trở thành đệ tử Phật và trung thành với Phật, vì cảm thấy hối hận đã nói xấu để hại Phật.

Theo thầy, người nói lỗi mình không đúng, buộc lòng họ phải nói lại. Thực tế cho thấy, khi nghe nói sai về mình, người ta thường tìm đến coi thực hư ra sao, nhưng thấy mình tốt thì họ cũng theo mình.

Ngoại đạo nói xấu Phật, người tìm đến Phật, rồi quy y Phật. Như vậy, nói xấu cũng như quảng cáo cho mình. Chỉ sợ mình xấu, nhưng người ta lại nghĩ mình tốt. Phải sợ phạm lỗi lầm mà biết sửa mình. Họ nói mình tốt, nhưng chưa tốt thì phải ráng sao cho mình tốt.

Phật ví thân tứ đại ngũ uẩn như chiếc áo dơ bẩn có chứa viên ngọc quý bên trong, nghĩa là chân tâm mình bị ngũ uẩn bao che, làm mình không sáng suốt. Tất cả người tu sám hối là chữa bệnh, tức giặt áo dơ thì thân tâm mình sạch. Nhưng làm sao biết đã sạch. Muốn biết, Phật nói lấy xã hội làm tấm gương soi bóng. Nếu mình tốt thiệt, người ta sẽ cư xử tốt với mình. Cứ xem phán đoán của người mà biết mình thế nào.

Phật bảo tu hành phải nhìn vô, đừng nhìn ra. Vì vậy, tu phải thấy lỗi mình, không thấy lỗi người, vì thấy lỗi người, mình sẽ khi dễ họ là tâm ác mình sanh ra, thì về sau mình cũng sẽ phạm lỗi như họ vậy.  Nhiều lúc, thầy nghĩ lắng lòng xuống để nhận xét, thấy người nói đúng, mình phải sửa cho mình đúng, thì người sẽ không nói được, hay có nói cũng không ai nghe.

Làm sao giặt giũ thân và tâm cho sạch và tâm sạch, Phật nói sẽ hiện hảo tướng. Đức Phật có 32 tướng tốt. Ai cũng là người, nhưng người hiện hảo tướng là do giữ giới, tức những gì mà người không thích thì mình không làm, điều gì người quý, mình cố gắng làm.

Nhiều người hiểu lầm hảo tướng là tướng tốt thiệt, nhưng hảo tướng luôn biến đổi, làm tốt thì người kính trọng, mai kia làm dở, họ không kính nữa. Hảo tướng không cố định, do tu tạo mà được, biết vậy, phải cố gắng giữ, không cho mất.

Tu đúng, hảo tướng hiện là thân được kết hợp bằng phước đức. Muốn thấy hảo tướng, thầy dùng pháp tu Sám hối Hồng danh là lạy Phật, đem Phật vào lòng, lúc nào tâm mình cũng thấy Phật là thấy hảo tướng và khi thể nghiệm pháp này thuần thục, thầy thấy ai cũng là Phật. Có người nói rằng người này không tốt, nhưng ai đối với thầy cũng tốt, vì lòng thầy đang nghĩ Phật, nên thấy Phật và Phật này ở trong lòng người khác. Vì vậy, thầy nghĩ họ tốt, nên họ tốt với thầy. Mình nghĩ người xấu, chắc chắn họ không thể tốt với mình. Dù họ không tốt, nhưng mình nghĩ tốt, họ cũng có cảm tình với mình.

Thể hiện lý này, Phật dạy Địa Tạng Bồ-tát rằng vào địa ngục mà không thấy ai tốt, thì không nên vào địa ngục. Sợ nhất bị lây nhiễm là thấy điều không tốt đem vào lòng mình, mai mốt mình cũng không tốt. Phật khuyên Địa Tạng vào địa ngục cố tìm điểm tốt nhất của người, dù họ có một ngàn điều xấu cũng không nghĩ đến, chỉ thấy một điểm tốt của họ thôi.

Địa Tạng hỏi một ngàn điều xấu bao vây điểm tốt nhỏ thì làm sao thấy cái tốt. Phật nói hạt châu của ông để đâu. Chúng ta thấy tượng Địa Tạng cầm hạt châu. Tâm chúng ta thanh tịnh, sáng suốt, ví như hạt châu thấy được thật tướng các pháp, tất nhiên thấy được một điểm tốt nhỏ là nhờ hạt châu. 

Phật tử vào đời cứu chúng sanh, nhớ cầm hạt châu trên tay mà nhìn. Kinh Pháp hoa nói hạt châu để trong chéo áo, trong thân tứ đại, nhưng cùng tử không bao giờ dùng mà đi làm thuê mướn, đói khát. Phật dạy chỉ giữ hạt châu, còn tất cả thứ khác thì buông bỏ. Thầy thường nói trên bước đường tu, thầy nhường quyền lợi, danh vọng, địa vị… nhường tất cả cho thiên hạ, còn học và tu thì không nhường, hạt châu không cho ai. Sử dụng được hạt châu rất quan trọng.

Có chỗ, Phật nói hạt châu trong búi tóc trên đầu. Đầu chúng ta nghĩ lung tung phải khổ. Bao giờ lấy hạt châu cầm trong tay, thấy được mọi việc đúng như thật, thấy được điểm tốt của người thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng và thanh thản. Theo kinh nghiệm của thầy, nếu thầy không thấy điều tốt của người, chắc chắn không ai theo thầy. Đơn giản là Phật tử còn về chùa tụng kinh, niệm Phật, nghe pháp là tốt rồi, cái khác không kể. Còn quyên góp làm người sợ là tâm mình tham, muốn người làm, nhưng người chưa phát tâm, không làm thì mình lại nghĩ họ xấu.

 

Có Tỳ-kheo hỏi Phật rằng ông đang tu quán pháp không, có con rồng tới, ông cảm thấy bị phiền hà. Rồng làm mưa làm gió, tiêu biểu cho người có quyền thế, ngày xưa chỉ cho vua. Người tu đắc đạo có sức thu hút người, vua cũng tới.

Phật bảo ông muốn nó không tới thì xin hạt châu của nó. Có hạt châu mới làm rồng, không có hạt châu thành rắn. Còn phước đức, trí tuệ thì còn làm mưa làm gió, mất phước đức, trí tuệ trở thành người thường.

Trước rồng hỏi thầy Tỳ-kheo cần gì, nó sẽ cúng dường. Ông nói không cần gì thì nó lại tới. Nhưng nghe lời Phật dạy, ông nói cần hạt châu của long vương, nghe vậy, long vương vội vàng rút lui.

Khi chúng ta không cần, tất cả mọi việc tốt tự nhiên tới theo phước đức, nhưng cần là tham vọng, tất cả mất hết.

Nhìn người qua hạt châu, thấy rõ người và về sau, không cần nữa, đem hạt châu để trên búi tóc, là Bồ-tát Địa Tạng làm như vậy, thì khi Ngài suy nghĩ điều gì, cái đó hiện ra, gọi là Phật hộ niệm. Theo kinh nghiệm hành đạo, khi khó khăn, thầy lắng lòng, nhận được trí tuệ Phật rọi vô lòng, thấy được lối thoát, thấy được hướng đi.

Giai đoạn một, tu hành, xả tục, xuất gia, tập bỏ hết. Đức Phật bỏ tất cả, Ngài làm Sa-môn, coi tâm có vắng lặng không. Chúng ta theo Phật tu, nếu không thực tập như vậy, thì nghĩ ở nhà mình được đầy đủ, nhưng tu buồn quá, cảm thấy tiếc, muốn trở về là hỏng.

Thầy nhớ thuở nhỏ, đi học về, không có thức ăn ngon, là giả bệnh. Bà ngoại rất thương thầy, sờ đầu thầy coi có bị sốt không, rồi làm đồ ăn ngon cho thầy, mà thầy cũng không ăn. Nhưng tu, vô chùa, mình bệnh thiệt, không lên quả đường được. Thầy khác bưng cháo trắng và muối cho thầy. Thấy vậy, thầy nhớ lúc chưa đi tu được bà ngoại chìu chuộng, săn sóc, nên tủi thân, không muốn ăn cháo trắng với muối. Hết giờ, không ăn thì người ta dẹp cháo, lúc đó, thầy vội nói tôi chưa ăn mà!

Đức Phật nói người giàu đi tu, khó vượt được tự ái này. Cha mẹ giàu có, sống sung sướng, tu khổ hạnh khó lắm. Điều quan trọng, phải vượt qua cửa ải này mới vào đạo được.

Về sau, khá hơn, thầy được làm thị giả Hòa thượng Thiện Hoa. Một hôm có bát cháo nấm chỉ cúng dường Hòa thượng Giám đốc (HT.Thiện Hòa) và Hòa thượng Trưởng ban (HT.Thiện Hoa). Thầy bưng cháo lên, Hòa thượng Thiện Hoa nói cho con. Thầy bưng ra, gặp thầy khác mở nắp cháo coi, ngửi mùi cháo rồi nói cháo này ngon lắm. Thầy nhớ Phật dạy rằng bần cùng bố thí nan, nghĩa là người nghèo bố thí khó. Món ngon nhất mình được thầy cho mà người khác muốn ăn, thầy liền nghĩ mình theo Phật tu phải thực tập điều Phật dạy, nên thầy nói tôi không ăn cháo, huynh ăn đi. Thiệt mình cũng muốn ăn, nhưng phải cắt cái tâm muốn ăn để bố thí, là vượt được cửa ải này.

Người giàu đi tu, thường nhớ việc sang trọng của quá khứ. Nghèo khổ thì bố thí cũng khó. Phải vượt qua hai cửa ải này, một lần vượt được một cửa ải thì người sẽ thương mình, đó là hảo tướng, đức tướng trang bị cho mình. Không phải khuôn mặt đẹp là hảo tướng. Đức Phật trải qua vô số kiếp cứu độ chúng sanh, tạo thành một hảo tướng do người khác nhìn thấy Ngài là ân nhân của họ, nên có cảm tình với Ngài.

Qua pháp Tứ chánh cần, làm sao gieo vào lòng chúng sanh ý niệm tốt nhiều chừng nào thì tốt chừng đó.

tuong but.jpg

Trong Sám hối Hồng danh, Phật dạy rằng phải sám hối tất cả tội lỗi quá khứ như trộm của người, của mười phương Tăng, hay của thường trụ, tất cả các tội có che giấu, hoặc không che giấu đáng đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nơi chốn biên địa, nghèo khổ, đọa đày…

Phải tự kiểm lại xem mình có phạm tội như vậy không. Thầy sanh vùng biên địa, nghèo khổ, nên nhớ Phật dạy, nhiều kiếp trộm của người, nợ người thì sanh kiếp này nghèo đói, khổ sở. Hơn thế nữa, trộm của thường trụ thì tu vẫn nghèo đói. Nhiều người nghĩ tu thì không bị nghèo đói, nhưng thực tế cho thấy có vị tu được cúng dường, có vị tu bị chửi mắng, hay bị nghèo đói, vì đã phạm tội trộm của Tăng, của thường trụ. Vì vậy, chí thành sám hối, cầu Phật chứng minh, hết tội thì không còn ai ghét, rồi mới làm việc khác là hành bố thí, tu tịnh hạnh làm gương cho đời.

Phật tu, buông bỏ tất cả, chỉ có một bình bát, một ca-sa, nhưng mọi người kính trọng Phật. Phật nói không phải quyền thế, tiền bạc, hay mua chuộc mà được, nhưng là đức hạnh do tịnh hạnh nhiều đời đã thực hiện, nên đã gieo hạt giống lành vào tâm chúng sanh từ kiếp xa xưa, thì kiếp này, họ tự phát tâm và quý trọng Phật. Đó là pháp tu Phật đã trải qua và dạy chúng ta. Nếu mình thực hành đúng theo Phật dạy, sẽ đạt kết quả tốt.

Trước khi làm như vậy, phải giặt áo dơ tứ đại cho sạch, người thương và quý trọng mới làm được. Họ chưa thương, làm gì cũng không ai nghe theo. Vì vậy, từ phàm phu ở giai đoạn một cho đến chứng quả A-la-hán, phải tu pháp không. Chứng A-la-hán, thực tế là nhìn đời của chúng ta không còn sai lầm. Phật nói một vị A-la-hán biết được 500 kiếp trước. Là phàm phu, trong đời này việc đã qua, chúng ta còn quên. Nhưng A-la-hán thấy rõ đến 500 kiếp, nên tất cả những người quan hệ tốt, xấu với họ, họ đều biết rõ. Không biết như vậy, dễ chuốc họa vào thân và biết chỗ nên tới, chỗ không nên tới mà tới, chắc chắn bị hại.

Vua Tần Bà Sa La đã thọ ơn Phật đời trước. Ngài đã cứu ông, nên kiếp này, khi thấy Phật, ông liền có thiện cảm. Chúng ta dù chưa khám phá được minh châu, chưa để minh châu trên búi tóc, nhưng nếu đắc quả A-la-hán, vẫn thấy không sai lầm là thành tựu Chánh kiến trong Bát chánh đạo, nên thấy rõ ai có nhân duyên làm bạn, hay có duyên đến độ, không có duyên thì nên tránh, đáng độ nhưng không đến độ là bỏ mất cơ hội.

Nhiều thầy nghĩ làm sao độ đệ tử đông, nhưng chưa đắc Thánh quả, không đáng độ mà độ là kết bè đảng với người ác xấu, rất nguy hiểm, vì tập hợp đám ô hợp, hậu quả khó lường. Vị Thánh thấy duyên chưa tới, ẩn tu. Một La-hán đắc đạo chỉ độ được một người đến ba người. Điển hình như Tổ Bồ Đề Đạt Ma độ một Huệ Khả, Huệ Khả độ Tăng Xán, Tăng Xán độ Đạo Tín, Đạo Tín độ Hoằng Nhẫn, Hoằng Nhẫn độ Lục tổ Huệ Năng. Đó là các vị Thánh.

Chúng ta nhìn các bậc chân tu đắc đạo có những điểm mà chúng ta cần học. Chưa ra Nhà lửa tam giới, chưa trụ pháp không, nguy hiểm. Ra bên ngoài, tâm trống không, trí sáng suốt, thấy chính xác, mới hành Bồ-tát đạo.

Ở giai đoạn hai là cứu đời, giúp người, nhưng không phải liều mạng làm hại mình mà không cứu được ai. Ra cứu người là hành sáu pháp Ba-la-mật, đó là đạo của Bồ-tát, nhưng Bồ-tát theo kinh Bát-nhã, kinh Hoa nghiêm, kinh Pháp hoa, hành đạo khác nhau.

Bồ-tát theo kinh Pháp hoa là đã thành Vô thượng Chánh đẳng giác rồi. Bồ-tát theo kinh Hoa nghiêm từ thập trụ đến thập hạnh, thập hồi hướng là Hiền vị. Thập địa là Thánh vị. Bồ-tát Hiền vị phải nương Bồ-tát lớn mới làm được. Mình biết nhưng phải nhờ người khác làm, mình làm theo.

Và lên Thánh vị theo kinh Hoa nghiêm, Bồ-tát Sơ địa tu bố thí là chính và ở vị trí là vua mới làm được. Mình không phải là vua, nhưng muốn làm, phải hợp tác với vua có đạo đức, hợp tác với ác vương dễ chuốc họa vào thân.

Bồ-tát hiện thân Sơ địa làm tiểu vương, giữ vững biên cương, nhân dân an lạc, nói đạo giải thoát, dạy chúng tu Thiền, đất nước bình yên thì Ngài thoái vị. Thầy nghĩ Phật hoàng Trần Nhân Tông hành Bồ-tát đạo với tư cách là tiểu vương, vì lúc đó, Việt Nam là nước nhỏ chỉ từ Quảng Bình trở ra. Ngài nói một câu đơn giản nhưng rất có ý nghĩa, rằng Ngài xem ngai vàng như chiếc giày rách. Ngài nói được, làm được, là bỏ ngai vàng đi tu lúc Ngài chưa tròn 40 tuổi, vì đã thành tựu mục tiêu đánh đuổi được quân Mông Nguyên. Có người hỏi nếu giặc trở lại phải làm cách nào. Ngài nói nó không trở lại, mới đi tu. Theo thầy, vua Trần Nhân Tông là Bồ-tát sơ địa, thành tựu việc làm của tiểu vương theo tinh thần Hoa nghiêm.

Còn người kiếm được năm trăm triệu đi bố thí, quay phim, coi là nhất, nhưng thực sự đó chỉ là làm từ thiện xã hội cỏn con. Phải có trí tuệ thấu suốt năm trăm kiếp mới có thể phát tâm làm việc cứu đời và biết rõ lúc nào nên làm, làm ở đâu.

Tóm lại, trước khi cứu người, giúp đời, phải giặt giũ thân tâm cho trong sạch, thanh tịnh, qua thể nghiệm pháp tu buông xả, thành tựu pháp không và có được hiểu biết chính xác, thấy việc nên làm, người đáng độ, từ đó mới hành Bồ-tát đạo làm lợi ích cho người. 

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Tin Liên Quan

Back to top button