Gần đây nhất có dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn thế giới, báo hiệu điềm không lành.
Điều này khiến chúng ta suy nghĩ rằng những con siêu vi nhỏ không thấy bằng mắt được mà tác hại của nó lớn vô cùng làm cho các nước văn minh cũng phải khiếp sợ.
Chúng ta ngộ được trong thế kỷ XXI chính loài người tạo ra siêu vi này để châm ngòi cho sự tận diệt thế giới. Thật vậy, loài người bắt đầu tiến đến sự phát triển văn minh cao độ và chính văn minh mà loài người khám phá ra để hại lại loài người.
Với kỹ thuật tân tiến hiện đại, loài người đã khai thác cạn kiệt tài nguyên trong lòng đất và dưới biển, tạo thành bầu không khí ô nhiễm trầm trọng. Từ đó làm phát sinh nhiều loại vi khuẩn, có thứ đã phát hiện, có thứ chưa phát hiện, mà rõ ràng cứ đến một giai đoạn nào đó thì lại xuất hiện một số siêu vi, từ siêu vi này đến siêu vi khác, tất cả đều độc hại theo nhiều dạng khác nhau.
Vì các siêu vi xuất hiện liên tục nhiều quá, không thể ngăn chặn, nên có người nghĩ rằng chỉ còn cách sống chung với siêu vi. Siêu vi ở trong không khí, chúng ta hít không khí cùng với siêu vi vào cơ thể, rồi chúng ta lại sản xuất siêu vi khác nữa để thả ra không khí, rồi người khác lại hít vào. Như vậy phải sống chung với siêu vi là tất yếu.
Lặp lại cũng không thừa rằng không khí ô nhiễm, nước và đất cũng ô nhiễm do loài người tạo nên. Nói chung, môi trường sống của chúng ta ô nhiễm thì phải cấu tạo nên thân tứ đại của loài người chắc chắn cũng ô nhiễm mà nặng hơn nữa. Đó là điều chúng ta phải ngộ ra được.
Xưa kia, Đức Phật quan sát thực tế cuộc sống mà Ngài ngộ ra. Ngày nay, chúng ta học Phật cũng phải nhìn thực tế cuộc sống hiện tại để ngộ ra để tự cứu mình và cứu mọi người cùng các loài chúng sanh khác là việc quan trọng.
Đức Phật ngộ đêm dài sinh tử của mọi người và chính Ngài, Ngài mới xuất gia tìm lối thoát khỏi vực thẳm sinh tử. Nói rõ hơn trước khi sinh ta là gì và chết ta về đâu là thắc mắc nung nấu tâm hồn Thái tử Sĩ Đạt Ta khi đi học đạo. Và Ngài đã chọn các đạo sư nổi tiếng về công phu tu hành có được thành quả nhất định. Theo học với họ, Ngài ngộ ra nỗi khổ của con người vì lệ thuộc quá nhiều về vật chất và tình cảm là ăn mặc ngủ nghỉ, thương ghét, buồn vui… Và Ngài thực tập phương pháp dứt khổ bằng cách giảm bớt lệ thuộc vật chất và tình cảm, bớt một phần lệ thuộc sẽ bớt khổ một phần và dứt tất cả sự lệ thuộc sẽ hoàn toàn dứt khổ trong cuộc sống.
Phật thực tập pháp này có kết quả, Ngài dạy chúng ta không cần nhiều vật chất như mình tưởng. Chỉ vì hàng ngày chúng ta tạo thói quen ăn đến mức trở thành cái nghiệp ăn, ăn thừa rồi cũng tiếp tục ăn cho đến thành bệnh. Tôi gặp bác sĩ Dương Dậu ăn chay, ông này tu, nói rằng tôi khuyên thầy một điều là đừng ăn quá nhiều, đừng ăn quá ít, đừng ăn những thứ không hạp với cơ thể. Nghe ông nói điều này gợi tôi nhớ Phật đã dạy như vậy, nhưng mình quên. Ngoài ra, khi thầy trên 40 tuổi, cần hạn chế tối đa chất bột, chất béo, chất đạm. Ăn ba thứ này nhiều bị béo phì sanh nhiều bệnh. Câu này trong kinh không có vì thời Phật chưa phân tích như vậy.
Thiết nghĩ chúng ta tu, thấy rõ tác hại của sự dư thừa ba chất này nên hạn chế chúng thì sinh hoạt hàng ngày bớt tốn kém, không cần nhiều tiền nữa sẽ không lệ thuộc vật chất và có thặng dư.
Đa số người trên thế gian này làm nô lệ cho lòng tham nên khổ và làm tôi mọi cho ác ma tham mà cũng không biết. Chúng ta phải biết để không phạm sai lầm này là điều ngộ trước nhất. Về tình cảm, đa số người lệ thuộc tình cảm quá nặng, bị nó chi phối nên khổ, thậm chí chết cho tình cảm ủy mị. Nhưng chết cho tình cảm cao quý còn được. Còn chết cho tình cảm thấp hèn, thật chưa đáng chết mà buồn thất tình nhảy xuống sông tự tử phải bị đọa.
Vì vậy, Kamala dạy thái tử thoát ly tình cảm xã hội ràng buộc để có được con người tự do. Cụ thể là muốn tu, thái tử phải quên cha mẹ, đền đài, cung điện, vợ con, người hầu hạ… Ngài tập quên hết tình cảm, quên luôn ăn uống, quên hết những yến tiệc trước kia thì ăn gì cũng được. Trong các tướng phước của Phật, Phật có cái lưỡi công đức lớn, nên thức ăn gì chạm vào lưỡi Ngài cũng biến thành cam lồ.
Riêng tôi thuở nhỏ lúc đói không có gì ăn, hái trái ổi non ăn nghe chát chát nhưng thấy ngon lạ. Từ đó tôi phát hiện đói thì ăn gì cũng ngon, no thì cái gì cũng không ngon. Vì vậy, tôi tập để bụng đói một chút thì ăn gì cũng được. Và tập khắc phục lần cái đói bằng cách nhập định nghĩa là ngồi yên giữ Chánh niệm, tức tập trung tư tưởng, không nghĩ đói thì không đói.
Phật dạy chúng ta ăn vừa đủ sống để thân tâm được quân bằng và yên tĩnh để thấy được đạo. Thân đói không sao, đừng để tâm đói.
Riêng tôi thực tập pháp này, thay vì ăn một chén cơm, tôi chỉ ăn nửa chén để thân thiếu một chút thì tôi cảm nhận cơ thể được nghỉ ngơi, thấy thân mình khinh an là thân nhẹ nhàng dễ tu. Ăn nhiều thân nặng trịch khó tiến tu. Vì vậy, buổi chiều ăn nhiều, ngồi thiền tức bụng, buồn ngủ. Phật dạy không ăn chiều, để bụng trống là bộ tiêu hóa và bộ tuần hoàn được nghỉ ngơi giúp mình vào định dễ hơn.
Chúng ta thực tập thiền, hạ nhịp tim xuống, không cho phép nhịp tim trên 70 lần một phút. Vào thiền, tim đập chậm lại, lượng máu lưu thông chậm lại và nhẹ nhàng thì lúc này thở như không thở. Khi làm việc, nhịp tim 80, 90, nhưng không làm việc, hạ nhịp tim còn 70 và thiền thì nhịp tim còn 60 lần một phút.
Nhịp tim chậm, chất hữu cơ trong cơ thể còn nhiều, nên thiền sư không cần ăn hai, ba ngày vẫn khỏe. Khi thiền, nhịp tim hạ thì không đốt chất hữu cơ trong cơ thể nhiều và số lần thở vào thở ra ít hơn nên bớt được thán khí độc có vi khuẩn thải ra ngoài. Như vậy, nếu nhiều người thực tập thiền thì ở chừng mực nào đó đã góp phần giúp bầu không khí được trong lành.
Nếu loài người ăn uống tiết chế theo Phật dạy, bớt ăn lại và hạn chế tiêu xài phung phí quá độ để không phải khai thác cạn kiệt tài nguyên rồi thải ra vô số chất độc hại, mọi người hít độc khí vào rồi lại thải ra thêm những độc khí khác nữa. Cuối cùng ở đâu cũng toàn siêu vi, cho đến có cả hàng triệu, hàng tỷ con siêu vi trong không khí, chắc chắn sự sống của loài người ở trái đất này phải chấm dứt. Muốn sống chỉ còn cách chúng ta phải đi qua hành tinh khác. Chúng ta thiền quán nhận thấy rõ hành tinh này tồn tại hay hoại diệt, chính con người là tác nhân.
Hòa thượng Thích Trí Quảng