Thân tâm thanh tịnh có được mầu nhiệm

Hôm nay là ngày trưởng tịnh, người tu cần giữ thân tâm thanh tịnh. Theo Nguyên thủy, Phật dạy tất cả những người muốn trở thành Phật tử chỉ đọc ba lần Tam quy, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng là đủ. Nhưng tại sao đọc như vậy cũng không trở thành Phật tử. Vì quý vị chỉ đọc bằng miệng. Đọc bằng tâm thì không cần đọc ra tiếng, nhưng vì trưởng tịnh, muốn ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh, nên chúng ta kết hợp thân khẩu ý để tu.

Khi Phật tại thế, Phật tử đối trước Phật để quy y. Nhưng Phật vào Niết-bàn, các Hiền Thánh Tăng cũng vào Niết-bàn, trên thế gian chỉ còn phàm tăng, tức còn ăn uống, ngủ nghỉ. Những người này phát tâm tu, nhưng có người tu suốt đời vẫn không phát triển đạo hạnh, vẫn là phàm tăng, vì thiếu công phu thiền định. Phải đi vào Chánh niệm, Chánh định và vào Chánh niệm, Chánh định rồi, chúng ta thấy hoàn toàn khác. Đó là điều mà người tu phải nhận biết. Nếu không biết được ý này, suốt đời tu cũng như không, nhưng còn tệ hại hơn là nghiệp sanh ra, hay đổ nghiệp gọi là nghiệp chướng tăng.

anhphathoc.jpg

Nói về người tu, đương nhiên Phật tử tại gia dễ đổ nghiệp hơn, vì sống ngoài đời, gặp nhiều việc phức tạp; trong khi các thầy sống trong hoàn cảnh thanh tịnh hơn, nên gặp việc đáng buồn thì không buồn, gặp việc đáng ham muốn thì không ham muốn. Còn người tại gia trong cuộc sống, luôn đối cảnh nhiều trái ngang khiến họ dễ buồn và bị thua thiệt lại càng buồn nữa, lại thêm ngoài đời có nhiều dụ dỗ khiến họ ham muốn nữa, nên càng dễ đổ nghiệp là vậy. Điển hình như ông Cấp Cô Độc theo Phật tu, ông cúng dường rất nhiều. Về sau, ông ngã bệnh, Phật tới thăm. Ông nói các thầy đi tu vậy mà khỏe, không có tài sản, chỉ có một bình bát. Còn cư sĩ như con cực quá, khó khăn quá, nên dễ sanh bệnh. Và nghiệp của tâm sanh ra bệnh.

Thực sự xuất gia được thì nghiệp khó sanh hơn, vì cuộc sống xuất gia bị hạn chế nhiều để bảo vệ giới thân huệ mạng của người tu được bảo đảm an toàn, nhưng họ lại đổ nghiệp, vì bị hạn chế rồi họ lại ức chế dẫn đến hoàn tục và đổ nghiêp.

Chúng ta mới tu, chỉ quy y Phật, Pháp, Tăng và Phật dạy quy y Phật thì không bao giờ đọa địa ngục. Quy y Phật quan trọng nhất. Phật là trí tuệ và người có trí tuệ không phạm lỗi lầm, cho nên chúng ta nương tựa họ, chúng ta cũng không làm điều tội lỗi, không tạo nghiệp ác, làm sao rơi vào tù tội, địa ngục được. Vì vậy, gần các bậc hiền lành, sáng suốt, ta đâu có tội. Không phải quy y Phật thì Phật che chở ta không bị đọa. Các Phật tử phải hiểu đúng nghĩa lý quy y Phật và theo đó mà tu tập.

Cao hơn một bước, lạy Hồng danh sám hối, ta quy y không giới hạn một Phật, nhưng quy y ba đời mười phương các Đức Phật. Nhưng Phật Niết-bàn, người ta làm hình tượng Phật để tượng trưng, tiêu biểu giúp chúng ta hướng tâm đến Ngài và làm những việc thiện lành như Ngài từng làm. Tuy nhiên, nhiều người lại nghĩ quy y với hình tượng Phật. Vì vậy, để nhắc nhở chúng ta đừng phạm sai lầm này, kinh Kim cang dạy rằng Phật bằng đồng không độ được lò đúc, vì lò đúc ra tượng. Hoặc Phật bằng đất không độ được nước, vì tượng xuống nước thì rã. Tượng Phật bằng gỗ thì bị lửa đốt cháy.

Tổ Đơn Hà thể hiện yếu  lý của kinh Kim cang qua việc ngài đốt tượng Phật để sưởi. Ngài tịch đã hàng ngàn năm vẫn giữ được thân còn nguyên. Ngài làm chủ được cuộc sống, nghĩa là muốn sống thì sống, muốn chết thì chết, hoàn toàn tự do, giải thoát. Mình không tự do, tự tại với mạng sống này, muốn chết không được, muốn sống cũng không được. Các bậc Thánh La-hán làm chủ được cuộc sống, đó là điều căn bản Phật dạy người tu. Vì vậy, ta tu phải tiến bộ, phải đi lên, không cho xuống là đọa. Muốn được như vậy, hiểu biết của ta cũng phải nâng lên giúp ta thấy khác.

Tượng trong chùa không độ được mình, vậy tìm Phật nào độ được mình. Gần nhất là tìm Phật trong kinh điển. Người tu đọc kinh để tìm Phật, không phải tụng kinh để được phước. Có Phật tử đọc kinh Pháp hoa từ sáng tới chiều đến tắt tiếng, nhưng phước không sanh. Nếu tụng được phước thì phước phải sanh chứ. Tu hành làm gì cũng phải có kết quả.

Có người hỏi Phật các pháp môn tu của ngoại đạo, cái nào đúng, cái nào không nên theo. Phật bảo phải suy nghĩ, không nên tin mù quáng. Trước nhất, xem điều này hợp lý không, suy nghĩ thấy đúng mình mới theo. Nếu trên lý thuyết nghe được, nhưng Phật dạy đem áp dụng thử lời dạy có kết quả không. Nếu áp dụng thấy kết quả đúng với lời nói thì ta tin.

Vì vậy, việc tu hành của chúng ta phải có kết quả thì đầu tiên phải suy nghĩ coi mình làm đúng không để chúng ta điều chỉnh. Người có Chánh niệm mới nhận ra được đúng sai, còn tà niệm thì dễ mắc lầm.

Lạy sám hối, tập trung tư tưởng, nhìn tượng Phật và với Chánh niệm mình nghĩ về Đức Phật và Phật Niết-bàn thì Ngài ở đâu. Điều này rất quan trọng. 50 năm trước, Hòa thượng Nhất Hạnh sang Nhật, ngài nói với tôi rằng anh em mình đi tìm Phật. Phật tử nghe tìm Phật thì lên chùa tìm, nhưng Phật không có trên chùa, chùa chỉ có tượng Phật.

Ta biết Phật vào Niết-bàn, vậy muốn tìm Phật phải lên Niết-bàn tìm. Hỏi làm sao lên Niết-bàn, làm sao để thấy Phật. Điều này, các bậc cao đức đi tìm Phật không giống nhau, thấy khác nhau, nên có nhiều pháp môn tu.

Tôi nghiên cứu ý này, nói rằng tìm Phật trong kinh điển rồi và suy tư tìm Phật trong Chánh niệm. Bằng Chánh niệm, bằng tập trung, ta phát hiện thấy thế giới Phật và từ Chánh niệm đi sâu vào Chánh định, ta thấy Phật.

Hỏi trong Chánh niệm, Chánh định thấy Phật là sao. Là thấy bằng niềm tin, bằng tâm của ta. Riêng tôi cũng thấy Phật bằng niềm tin. Người có căn lành, có niềm tin thấy Phật trong thế giới chân thật. Còn thế giới này của chúng ta là giả tạm. Cuộc đời kéo dài mấy chục năm rồi chết. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tất cả mọi người đều chết, nhưng ngài thấy không ai chết.

Đối với người tu, việc tìm Phật rất quan trọng. Tìm được Phật và thực tập pháp tu thấy được Phật, công đức tu của chúng ta nhất định phát triển. Trên bước đường tu, căn lành và niềm tin của chúng ta tự dẫn chúng ta đi để chúng ta nghĩ về Phật và tin Phật. Từ lý này, tôi nói với người đi hành hương Ấn Độ về tặng tôi quà rằng tôi mới đi Ấn Độ hồi sáng nay, nghĩa là tôi tụng kinh, lạy Phật bằng tâm và tâm hướng về Phật thì tới được chỗ Phật.

Quý vị qua xứ Phật nhưng chỉ thấy ăn mày, không thấy Phật và đi cả tuần về cảm thấy mệt mỏi. Còn tôi hành hương đến thế giới Phật, trở về thấy mạnh hơn, vui hơn, an lạc hơn; tâm an lạc là đi hành hương.Và đi hành hương tới Bồ Đề Đạo Tràng, rồi đi lần lên Lộc Uyển, chỗ Phật thuyết pháp và lên núi Linh Thứu nghe Phật giảng kinh Pháp hoa. Nghe Phật giảng kinh bằng tâm thanh tịnh của mình, bấy giờ mình đọc văn kinh Pháp hoa, cảm nhận thấy Phật, nghe Phật thuyết pháp và nghe được pháp chân thật. Quý vị nghe ngôn ngữ, đọc văn tự kinh, nhưng không đọc được vô tự chân kinh. Nghe ngôn ngữ nhưng không nghe được pháp âm.

Đọc văn tự rồi tìm nghĩa lý sâu xa trong văn tự, coi Phật nói gì và áp dụng trong cuộc sống tu hành của mình. Tôi đã trải nghiệm điều này trên bước đường tu. Tôi đọc câu: “Bồ-tát nghe kinh này mà không hiểu là Bồ-tát mới phát tâm. Thanh văn nghe kinh mà sanh sợ sệt là tăng thượng mạn…”. Như vậy, có Bồ-tát đăng địa và Bồ-tát mới phát tâm như chúng ta, nên chưa hiểu được kinh Pháp hoa, vì mình không có Chánh niệm, Chánh định.

Theo tôi, đọc kinh hôm nay hiểu khác, ngày mai hiểu khác. Vì vậy, tôi giảng kinh Pháp hoa trên 40 năm, nhưng giảng khác với lúc mới giảng. Bây giờ tôi giảng khác vì thấy khác, hiểu khác, nghĩa là có tiến bộ, có đi lên.

Mình mới phát tâm chưa hiểu kinh Pháp hoa, nhưng tu lâu phải hiểu. Hiểu gì. Hiểu kinh Pháp hoa không phải hiểu bộ kinh bằng giấy trắng mực đen, phải hiểu vô tự chân kinh, vì kinh này Phật dạy phải thanh lọc thân tâm thanh tịnh thì cuộc sống sẽ có nhiều mầu nhiệm. Như vậy, tu Pháp hoa phải có mầu nhiệm, muốn có mầu nhiệm, thân tâm phải thanh tịnh.

Cấp Cô Độc hỏi Phật điều này, Phật bảo ông thử sống một ngày theo chư Tăng, buông bỏ hết là tu Bát quan trai sẽ có mầu nhiệm trong việc tu hành.

Tu Bát quan trai, điều quan trọng nhất là quý vị ăn một bữa trưa trong ngày thôi. Ăn từ sáng tới chiều không phải là tu Bát quan trai. Tu Bát quan trai không ăn mà không thấy đói. Vì thực sự tu là khắc phục được tánh tham ăn, nên không thấy đói. Thực hiện tất cả các pháp môn phương tiện tu đều phải gạn lọc thân tâm cho thanh tịnh.

Tâm tham ăn bỏ trước thì thấy cơ thể không đòi hỏi nhiều mới phát hiện điều mầu nhiệm. Tham ăn rồi nghĩ phải ăn cái này cái nọ, nhưng ăn nhiều thành bệnh, làm sao thấy được sự mầu nhiệm của thân này.

Nhờ thân tâm trong sạch phát huy trí tuệ thấy được thế giới chân thật, không phải thế giới ảo này. Vì vậy, thanh lọc thân tâm thanh tịnh rồi, Phật thấy trong lá bồ-đề hiện hữu toàn thể Pháp giới, hay nói cách khác, nhờ có thân phát huy tuệ giác cao, thấy được tất cả mầu nhiệm và mười phương Phật.

Như vậy, khi chúng ta tu được rồi, làm cho thân và tâm mình trong sạch thì đây là Pháp thân. Trên nền tảng này, từ người bệnh, nghèo đói, hung dữ thực hành được pháp Phật thì hết bệnh, hết nghèo, hết dữ. Nghĩa là cải thiện cuộc sống lần lên đến kết quả cao như vậy, thì chúng ta thấy sao.

Riêng tôi luyện tập pháp này, nhận thấy rằng nếu dùng mắt phàm sẽ thấy toàn là trần lao nghiệp chướng khiến mình không bằng lòng bất cứ việc gì. Nhưng tu hành, thành tựu được yếu nghĩa Phật dạy, thấy núi không là núi, sông không là sông. Ban đầu, mình ở vị trí phàm phu nên cứ than phiền rằng nó không để tôi tu, không cho tôi tu. Phật hỏi ai không cho ông tu. Khi thấy tất cả mọi người là vật cản, chúng ta thấy toàn chướng tai gai mắt, không bằng lòng đưa đến khổ đau. Nhưng về sau, biết đây là nghiệp của mình thì gạn lọc lần, nên những gì tôi không thích, không đem vô tâm. Còn quý vị cứ đem nhiều những thứ mình ghét vào an trú vững chắc trong tâm chính là đang sống trong địa ngục trần gian và sẽ tiếp tục ở địa ngục sau khi bỏ nghiệp báo thân này.

Vì vậy, tu theo Phật, những gì không thích thì loại bỏ, không đem vô tâm mình. Và lạy Hồng danh sám hối, đem Phật và Bồ-tát vào tâm, mời gọi các Ngài luôn ngự trong tâm mình và loại bỏ ma quỷ ra. Ma là ma tham, ma sân, ma si. Trong lòng mình còn tham sân si thì ma tham sân si tự động kéo tới, dù mình không muốn. Thực tế chúng ta thấy những điều xấu mình sợ, không muốn nó tới nhưng nó vẫn tới, điều tốt mình mong thì nó lại không tới. Tôi nhận ra lý này, nên trải qua mấy chục năm, tôi sống giản dị. Phật tử hỏi thầy cần gì. Tôi nói không cần gì, vì thứ tôi cần là cái mà chỉ Phật và chư Bồ-tát có, các anh không có, nên không giúp tôi được.

Cái tôi cần là cần được thấy Phật, gặp các vị Hiền Thánh. Chỉ giữ lòng thành của mình, Phật mới hộ niệm mình, mình mới tới với các Ngài được. Vì vậy, lạy Hồng danh sám hối, khi mình hướng tâm đến chư Phật mười phương và đọc “Nam-mô quy y thập phương tận hư không giới nhứt thiết chư Phật”.

Nếu ai nghĩ đến Phật A Di Đà thì lạy vị Phật này ở phương Tây, nhưng Phật Thích Ca nói rằng ở phương Tây có hằng hà sa số chư Phật. Khi tâm con thanh tịnh rồi, không bị phiền não quấy rầy sẽ thấy hằng hà sa số Phật. Phổ Hiền Bồ-tát nói tới chỗ này, nói rằng một niệm tâm lạy được vô số Phật, một niệm tâm thấy được chư Phật quá khứ, hiện tại, chư Phật mười phương và cả chư Phật tương lai cũng thấy.

Hiểu lý này, tôi nói các Phật tử đều thành Phật tương lai, nhưng không biết bao giờ thành. Điều này Phật Thích Ca cũng đã dạy rằng tất cả chúng sanh sẽ thành Phật. Nếu tâm thanh tịnh và quán sát như thế thì thấy núi sông, hay tất cả những gì cản trở mình đều biến mất hết, chung quanh chỉ thấy Phật, Bồ-tát và thấy quý thầy đều dễ mến, đáng kính trọng. Nếu mang tâm phàm tục nhìn, sẽ nói thầy này dở, thầy kia tệ… Nhưng tâm thanh tịnh rồi, tất cả việc xấu không đến, chỉ có việc tốt đến thì các Bồ-tát mười phương nhận chúng ta làm bạn các ngài; bấy giờ chúng ta làm được những việc bình thường không làm được gọi là bất khả tư nghì, nhưng đó là sự thật. Quý vị trải nghiệm tu hành sẽ biết.

Riêng tôi tự nghĩ không biết sao mà mình sống được đến bây giờ, vì thuở nhỏ tôi bệnh tưởng chết, nhưng không chết và tu hành sống khỏe cho đến nay 82 tuổi. Tôi sống được vì tu theo kinh Pháp hoa và kinh Pháp hoa là kinh mà Phật hộ niệm. Phật tử bắt chước, tu Pháp hoa, nhưng Phật không hộ niệm, vì phải có được điều căn bản là thân như hoa sen và tâm như ngọc sáng thì đồng với Phật, Phật mới hộ niệm. Đó chính là kinh nghiệm của Phật khi Ngài nhập thiền định ở Bồ Đề Đạo Tràng phá ma quân. Thật vậy, trong 21 ngày thiền định, Phật không ăn, quét sạch được thân và tâm sạch phiền não. Ban đầu Phật phá ma ngũ ấm trước, rồi kế đến phá ma Ba tuần. Tất cả ảo ảnh ma biến mất, trí Phật bừng sáng, Ngài đắc đạo, thành Phật, Ngài thấy chư Phật mười phương.

Chúng ta tu Pháp hoa, Phật dạy quy y Tam bảo thế gian xong, quy y Tam bảo mười phương tận hư không là thâm nhập thường trú Pháp thân, đó là Phật hằng hữu, không nhập diệt. Chúng ta tu ở dạng này, Bồ-đề tâm chúng ta lớn lên, trí tuệ lớn lên. Bấy giờ cũng thân này, nhưng biến thành Báo thân là phước đức, trí tuệ thân. Giả thân chết, nhưng phước đức trí tuệ thân ở trong giả thân này do chúng ta tu mà thành thì không bao giờ chết.

Người không tu được phước đức trí tuệ, chỉ tạo nghiệp, cuộc đời họ tệ lần, cuối cùng họ già cũng chết. Nhưng người tu phát sinh trí tuệ, dù họ trẻ hay già cũng được kính trọng, là kính trọng trí tuệ của họ, kính trọng phước đức của họ. Vì vậy, trên bước đường tu, thực chất dẹp bỏ ác nghiệp, tu cho được phước đức trí tuệ mang theo được sang đời sau thì sẽ sanh vô dòng họ có phước đức. Điển hình như Phật Thích Ca sanh vô dòng họ 7 đời có phước đức, làm vua là làm chủ bản thân mình, làm chủ sống chết.                     

Nếu còn nghiệp phải sám hối cho tiêu nghiệp. Và làm chủ bản thân thì  biết chết sẽ sanh ở đâu như Thiền sư Từ Đạo Hạnh là tiền thân của vua Lý Thần Tông.

Chúng ta trở lại câu chuyện tại sao Từ Đạo Hạnh lại tái sanh làm vua Lý Thần Tông. Sử sách ghi rằng có đứa trẻ chỉ mới 3 tuổi tên là Giác Hoàng đã tinh thông mọi việc khiến cho vua Lý Nhân Tông thương quý đưa về cung và muốn nhận làm con, nhưng quần thần không đồng ý. Vua mới lập đàn cầu nguyện trong 7 ngày để cho đứa trẻ này đầu thai trở lại nơi cung cấm thì vua dễ dàng nhận nó làm con. 

Từ Đạo Hạnh biết đứa bé này là Pháp sư Đại Điên đầu thai lại để mê hoặc quần chúng, làm rối loạn Chánh pháp. Ngài mới nhờ người chị giả làm người xem hội rồi đem linh phù của ngài treo ở tấm rèm của đứa bé. Tới ngày pháp hội thứ ba, đứa bé Giác Hoàng bỗng nhiên bị bệnh và nói rằng khắp trong nước đều có lưới sắt vây che, dù muốn thác sanh, nhưng không có lối nào vào được, rồi đứa bé chết.

Lý Nhân Tông điều tra, cho bắt Từ Đạo Hạnh. Từ Đạo Hạnh xin em vua là Sùng Hiền Hầu cứu thoát và hứa sẽ làm con của Hầu để trả ơn, nhưng phải báo cho sư biết trước khi vợ của Hầu sắp sanh. Trước kia, vợ của Sùng Hiền Hầu đã có thai, nhưng vẫn không sanh được. Hầu nhớ lời Đạo Hạnh dặn, sai người đi báo. Đạo Hạnh lập tức tắm rửa, vào hang núi bỏ xác mà qua đời. Sau đó, ngài không ở trong thai mẹ nhưng đưa thần thức ngài nhập vô đứa bé mới sanh là con trai của Sùng Hiền Hầu. Vì vua Lý Nhân Tông không có con, nên ngôi vua được truyền cho con của Sùng Hiền Hầu là Lý Dương Hoán, tức vua Lý Thần Tông. Về sau Lý Thần Tông mắc bệnh lạ, người vua mọc lông cọp và gầm thét như cọp. Đại sư Nguyễn Minh Không trước kia từng là bạn của Từ Đạo Hạnh đã đến cứu chữa, nấu thuốc tắm cho vua rụng lông cọp và hết bệnh.

Tu hành có trí tuệ biết mình sẽ sanh ở đâu sau khi rời bỏ thân này. Nhưng muốn được như vậy, phải có phước đức, nhân duyên trước, không phải có trí tuệ là đủ. Vì có phước đức mới vào được dòng họ cao quý, không phải biết là vào được.

Tóm lại, bước theo dấu chân Phật, chúng ta nỗ lực suy tư lời Phật dạy, hiểu rõ yếu nghĩa, phát hiện được sự kỳ diệu và áp dụng trong đời tu của mình chắc chắn thăng hoa trí tuệ và đạo hạnh. Cầu cho tất cả pháp lữ hiểu được tinh ba Phật pháp và gặt hái được thành quả tốt đẹp trên bước đường tiến đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Tin Liên Quan

Back to top button