Phẩm Bồ-tát Tùng Địa Dũng Xuất thứ 15 kinh Pháp hoa

Theo Trí Giả đại sư, Bổn môn Pháp hoa kinh gồm phẩm thứ 15 đến phẩm thứ 28. Theo Ngài Nhật Liên, Bổn môn Pháp hoa gồm nửa phẩm 15, nửa phẩm 17 và một phẩm 16.
 

Nhưng tôi thấy cách phân chia như vậy hơi khó hiểu nên tôi đã biên soạn Bổn môn Pháp hoa kinh bằng tâm, bằng độ cảm do tôi trì tụng Pháp hoa, trực nhận được nghĩa lý kinh này và gặt hái được kết quả tốt đẹp trên bước đường hành đạo của mình.

Tuy nhiên, cứ coi pháp Phật như ngón tay chỉ mặt trăng thì dù là pháp chân thật chăng nữa cũng vẫn là phương tiện giúp chúng ta chứng ngộ yếu lý mà Phật dạy, chứ không phải là lý thuyết suông. Nếu chấp vào lý thuyết, chúng ta giống như học giả nghiên cứu chữ nghĩa thôi. Pháp Phật thực hành đến đâu, ta chứng đến đó. Không thực hành, chỉ nói suông thì Tổ bảo giống như người đếm tiền giùm thiên hạ, nên vẫn nghèo xác xơ, hoặc là người giới thiệu món ăn, nhưng không ăn, vẫn đói.

Duc The ton 1.png

Pháp Phật phải thực tập cho đạt được kết quả đúng như Phật dạy để chúng ta thâm nhập vào dòng thác trí tuệ của Phật là điều quan trọng.

Tôi cũng nhờ học, nghe, suy nghĩ, hiểu và thực tập giáo pháp, nên đã hiểu chính xác và thành tựu được một số Phật sự, khác với huynh đệ chỉ học và nói, nên không làm được.

Tôi biên soạn Bổn môn Pháp hoa kinh gồm 7 phẩm: phẩm 1, phẩm 10, phẩm 15, phẩm 16, phẩm 17, phẩm 25 và phẩm 28.

Mở đầu phẩm Bồ tát Tùng địa dũng xuất thứ 15: “Bồ tát từ các phương khác chắp tay xin Phật cho phép các ngài đọc tụng, biên chép, giảng nói Pháp hoa sau Phật diệt độ ở cõi Ta-bà lợi ích chúng sanh”.

Chỉ một câu mở đầu này gợi cho chúng ta ý nghĩa quan trọng. Thật vậy, khi Phật thuyết kinh Pháp hoa, có nhiều Bồ-tát từ mười phương đến nghe pháp. Đó là cái thấy bằng pháp nhãn của Bồ-tát. Nếu thấy bằng mắt thường là nhục nhãn thì thấy Phật thuyết pháp có một số Tỳ-kheo, hay cư sĩ.  Còn thấy bằng mắt huệ của Nhị thừa chung quanh Phật có nhiều Bồ-tát.

Riêng tôi, trên bước đường tu, tụng kinh Pháp hoa trong đêm thanh vắng một mình, nhưng bằng niềm tin, bằng cảm giác nhận thấy có nhiều người chung quanh là quyến thuộc Bồ-đề đến cùng tụng Bổn môn với tôi.

Khi tôi đọc câu: “Cầu xin Bồ-tát các ngài, Pháp hoa kinh Phật tuyên bày muôn phương”, tôi cảm giác các ngài đến thật. Ví như tôi thuyết pháp ở đây, nhưng có nhiều huynh đệ ở nhiều chùa nhiều nơi tập họp về đây cùng tu ba tháng hạ. Mỗi người gặt hái được điều gì đó, mang về chỗ tu của mình mà chia sẻ cho những người có duyên với mình.

Câu kế tiếp: “Đức Phật từ chối lời thỉnh cầu này, vì ở Ta-bà đã có vô lượng Bồ-tát cùng cả quyến thuộc đều có khả năng để làm việc này sau khi Như Lai diệt độ”.

Đó là tầm nhìn khác, đi vào Bổn môn thì ở tại Ta-bà nhìn bằng mắt Phật có vô số Bồ-tát và Bồ-tát có vô số quyến thuộc. Những vị Bồ-tát này truyền bá Chánh pháp.

Hiểu lý này, chúng ta muốn truyền bá giáo pháp phải tìm Bồ-tát bổn độ. Thí dụ các anh em học xong, muốn qua Mỹ, Pháp, Úc… truyền bá giáo pháp, Tới đó, chúng ta phải tìm được Bồ-tát bổn địa là thấy được các Bồ-tát ở đó, chính họ mới giữ được đạo và phát huy đạo.

Một số người qua Mỹ truyền bá Phật pháp cho người Việt Nam và cầu an, cầu siêu là chính. Làm như vậy cũng được nhưng không lâu dài. Vì Phật tử lớn tuổi sang đó sống không  bao lâu, mà mình lo xây dựng chùa nhiều, tôi e rằng sau này không có người tu.

Theo tôi, muốn truyền bá giáo pháp ở Mỹ, chúng ta phải tìm người Mỹ có căn lành và chính họ mới phát huy năng lực của họ và chính họ truyền bá giáo pháp cho người Mỹ, cho xứ sở của họ. Dù người Việt Nam có giỏi tiếng Anh đến mấy, cũng không thể bộc lộ được hết pháp môn tu và sở đắc để chia sẻ cho người khác ngôn ngữ, khác chủng tộc hiểu đúng đắn.

Vì vậy, các thầy tu phải tìm về nguồn của mình. Điều này Phật khuyên chúng ta trong kinh Nguyên thủy là phải chứng Sơ quả. Chính bản thân mình chưa vào dòng thác trí tuệ Phật, chưa hiểu được, chưa chứng được pháp phần nào của Phật mà mình truyền bá pháp Phật là sai lầm lớn.

Chứng được quả Dự lưu rồi, Phật bảo phải nâng lên, chứng Thánh quả A-la-hán. Và chứng A-la-hán, các thầy phải phát Bồ-đề tâm hành Bồ-tát đạo, tức tìm những người có duyên để kết làm bạn đồng tu. Một mình giỏi mấy cũng không thể làm được. Thực tế cho thấy các vị A-la-hán khất thực vẫn ôm bát không về. Vì vậy, đắc A-la-hán phát huy tuệ giác rồi phải tìm bạn đồng hạnh đồng nguyện. Muốn làm được phải có bạn đồng hành hợp tác thực sự làm việc mới có kết quả tốt đẹp. Cho nên, các thầy phải phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo.

Kinh Pháp hoa là pháp của Bồ-tát, không phải của Thanh văn. Pháp của Thanh văn là cầu giải thoát, pháp Bồ-tát để độ đời, hai pháp này khác nhau.

Thực hiện hạnh Bồ-tát một thời gian dài, chúng ta mới có quyến thuộc. Điển hình là Phật Thích Ca không phải một sớm một chiều thành Phật. Ngài phải trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp tu hành và đạt được đỉnh cao của trí tuệ là Như Lai thấy rõ không sai lầm.

Còn một đời tu của chúng ta dù làm được 99 việc tốt, nhưng làm một việc sai lầm là hỏng cả đời tu. Thực tế cho thấy tôi có những bạn đồng tu tốt, giỏi, làm được nhiều việc, nhưng chỉ phạm một sai lầm là xóa sổ đời tu.

Chứng được quả Như Lai thấy rõ không sai lầm là thập như thị pháp, tức thấy một vật, một việc, hay một người ở nhiều mặt. Chỉ thấy một mặt chắc chắn còn sai lầm.

Như Trí Giả thấy 3.000 thế giới trong một niệm tâm. Ngài dạy chúng ta quán tưởng phải thấy như vậy. Thí dụ thấy chậu hoa một mặt là thấy hình thức, màu sắc của nó thôi, là thấy tướng của nó. Thấy được 3.000 thế giới trong một niệm tâm thì phải trải qua công phu tu tập rất khó.

 Nhưng nếu ta chỉ thấy hơn bình thường như kỹ sư trồng hoa thì anh thấy hoa này và thấy luôn cái mô của nó, thấy sự phát triển của hoa từ bên trong. Vì vậy, anh có thể cấy hoa này và nhơn ra cả ngàn hoa. Chỉ một kỹ sư thôi mà đã thấy sâu như vậy. Còn Bồ-tát, La-hán thấy hơn rất nhiều, không phải chỉ học thuộc một số kinh rồi tự cho là đủ. Ta chưa thấy một sự vật đúng như của nó,  hoặc chưa thấy như anh kỹ sư là tầm nhìn còn giới hạn nhiều.

Và các thầy thấy xa thêm, Phật dạy thấy nhân duyên, tức thấy những kiếp xa xưa trước. Trong kinh Nguyên thủy, Phật nói Ta đã từng làm đất đá, rong rêu, cây cỏ, muông thú, cho đến Ta làm người. Phật thấy trong thiền định thì chúng ta cũng phải vào thiền định như Phật đã mở ra cho chúng ta con đường này.

Và từ cái thấy nhân duyên đó, ta thấy những người hôm nay ta tiếp xúc đều có mối quan hệ tốt, xấu với ta. Điều này tôi thấy bằng cảm giác, nhìn một người mình cảm thấy khó chịu là biết đã có quan hệ quá khứ xấu.

Hoặc khi tôi sang Nhật gặp Hòa thượng Ito phụ trách quan hệ Phật giáo quốc tế của Nhật. Ông đón tôi từ phi trường, xá tôi và nói chúng ta là linh sơn cốt nhục, là bạn đạo. Tự nhiên thấy tôi nhỏ tuổi mà ông thương liền và tôi cũng thấy vị Hòa thượng lớn tuổi này là bạn mình. Nếu thấy theo Nhị thừa, người tuổi lớn hơn và thọ giới trước là huynh trưởng, nhưng thấy theo Đại thừa thì thấy ngược lại. Thí dụ hiện tại tôi truyền giới cho anh em, nhưng tôi đã 81 tuổi và khi viên tịch, tái sanh lại, nếu tôi xuất gia, làm tiểu, lúc đó các anh em lên Hòa thượng thì thử nghĩ xem ai lớn, ai nhỏ. Nếu thấy theo Nguyên thủy, lúc đó tôi nhỏ, anh em lớn. Nhưng  theo Đại thừa, không nên xem thường các ông đạo. Coi chừng họ là Hòa thượng sanh lại, hay là Bồ-tát hiện thân thì mình bị mất phước cho đến kết thúc đời tu.

Điển hình như Sunita là A-la-hán, nhưng phạm sai lầm nhỏ là bảo chú tiểu đổ bô. Chú tiểu này mới tu, nhưng thực sự là Bồ-tát hiện lại để trợ hóa Pháp sư. Hoặc Phổ Hiền Bồ-tát hiện thân làm đầu bếp nấu ăn cho đại chúng, nếu xem thường họ là chết như không. Phải quán sát kỹ thấy được bên trong của con người mới thấy đúng. Thực chất bên trong các anh em mới quan trọng.

Trở lại việc đến nơi nào để giáo hóa, nếu anh em có pháp nhãn, huệ nhãn mới thấy đúng, không phải gặp ông Tây nào cũng truyền đạo được. Hòa thượng Phước Đường tuy không nói được tiếng Pháp, nhưng có đệ tử người Pháp rất trung thành, rất tốt, tức thầy trò hiểu nhau trong lòng, không cần nói.

Chúng ta thấy Phật độ Sunita đắc quả A-la-hán, chúng ta cũng tìm người làm thuê ở mướn để độ, cho họ cạo tóc, xuất gia, rất nguy hiểm. Thấy chùa mình toàn người như vậy, ngoại đạo chê cười là nhà chứa ăn mày. Hoặc cho toàn người neo đơn xuất gia, họ nói chùa là trại dưỡng lão.

Dưới mắt của Phật nhìn không sai lầm, mới thấy Sunita là Pháp sư nổi tiếng đời trước, nhưng vì phạm sai lầm như đã nói, nên phải sanh làm người hạ tiện để trả quả báo. Quan trọng là tánh sáng trong lòng ông đã có, không phải là người cùng đinh thực sự. Thật vậy, việc trí thức hóa người lao động rất khó. Thực tế chúng ta dạy văn hóa cho người dân tộc không đơn giản. Điều này khiến chúng ta suy nghĩ Sunita hiện thân làm người hốt phân để trả quả báo. Phật thấy Sunita đã là A-la-hán đời trước, Phật cho ông cạo tóc, tắm rửa sạch sẽ và giao cho Xá Lợi Phất dạy. Ông chỉ tu trong ba tuần liền đắc quả A-la-hán, vì cốt lõi bên trong là Thánh rồi, nhưng thân bên ngoài thì phải theo nghiệp báo. Phật độ chỉ một Sunita hốt phân thành La-hán, không phải tất cả người hốt phân đều thành La-hán.

Hoặc ngài Huyền Trang mồ côi, chùa nuôi ông lớn lên làm Đại Pháp sư. Đừng thấy vậy mà cho tất cả trẻ mồ côi tu, nửa chừng nó giở chứng, thậm chí làm điều xấu ác thì quả báo khó lường. Tu sói đầu còn không thành La-hán.

Vì vậy, đi giáo hóa, các thầy phải thấy rõ người có căn lành thì khơi dậy căn lành được, thấy người có năng lực giúp họ phát triển. Cho những đứa ăn cắp làm thầy tu là hại đạo vô cùng. Phải cẩn thận. Trong một đời Phật thuyết pháp 49 năm, Phật chỉ độ một ông Sunita hốt phân trở thành La-hán, không có ông hốt phân thứ hai. Nếu có những người như vậy, chúng ta chỉ cho họ lau quét chùa để kiếm chút công đức và trồng căn lành.

Người ta cũng nói cửa chùa mở rộng, ai vô cũng được. Nhưng tôi cho rào Việt Nam Quốc Tự, vì gặp ngáo đá vô lên cơn, nó cắt cổ người khác thì làm sao đỡ kịp. Thực tế là chùa Bửu Quang của cố Thượng tọa Thiện Minh, độ tên xì-ke cho vô chùa ở, nó lên cơn chém bà công quả chết.

Có người nói Phật độ tướng cướp Vô Não thành La-hán, nhưng Phật chỉ độ một Vô Não đắc Thánh quả, không có tên cướp thứ hai. Các thầy muốn độ sát nhân cần hiểu rõ họ. Đối với Bồ-tát đời trước đã phạm lỗi lầm, đời này hiện thân lại để trả quả báo cuối cùng. Bên ngoài họ mang thân hạ tiện, nhưng bên trong cốt lõi là Thánh, thì người như vậy mới độ được.

Đức Phật thành Phật rồi cũng phải trả quả cuối cùng là phải ăn lúa ngựa. Phật nói rằng hôm nay Ta ăn cám, vì trong kiếp xa xưa, Ta là trưởng giả thấy Tỳ-kheo khất thực thì ghét, nên bảo gia nhân lấy cám cho nó ăn. Thành Phật mà vẫn phải trả nghiệp của một lời nói, một ý niệm thôi, thật đáng sợ.

Trên bước đường tu, ta tập thấy theo Phật, Bồ-tát; nhưng chưa thấy được như vậy thì ta thấy bằng căn lành, hay Hòa thượng Trí Tịnh nói là ngài thấy bằng niềm tin, ngài thấy ngón tay mà ngài phát nguyện đốt cháy trông giống như hoa sen!

Đến chỗ giáo hóa, bằng huệ nhãn thấy người độ được. Điển hình là Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa trong suốt 9 năm, không độ được ai, cuối cùng ngài ngồi trước chùa Thiếu Lâm và duy nhất độ được Thần Quang. Chỉ Thần Quang được truyền y bát và chỉ truyền cho một vị này.

Vì vậy, phải tìm cho được một người có nhân duyên với mình mới có thể giúp đỡ. Người có duyên với mình thì mình nói họ nghe và họ nói mình nghe, thậm chí không cần nói là thầm hiểu trong lòng.

Thật vậy, Phật Triết là người Việt Nam, hơn 1.000 năm trước ngài đã qua Nhật để hỗ trợ việc đúc tượng Tỳ Lô Giá Na. Người Nhật đúc pho tượng này, nhưng đến phần đầu của tượng thì không thể ráp vô được. Ngài Phật Triết từ Giao Châu đi trên chiếc bè tre sang đến Nhật thì đã có Hạnh Cơ Bồ-tát đón, đưa ngài về triều để chỉ dẫn việc đúc tượng. Hai nhà sư này ngôn ngữ bất đồng, làm sao nói chuyện với nhau được, nhưng hai ngài đã sử dụng Phật ngữ để thông tỏ nhau.

Mỗi dân tộc có ngôn ngữ riêng và trong thế giới Phật có Phật ngữ. Các thầy đầu tiên học ngôn ngữ, nhưng phải học được tiếng nói của Phật là tiếng nói của trí tuệ. Vì vậy, Phật dạy người tu phát sinh trí tuệ và hiểu bằng trí tuệ, không bằng ngôn ngữ. Hai vị Bồ-tát nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ Phật mới giúp nhau được; đó là việc thật được ghi trong sử sách.

Thấy bằng niềm tin, thấy bằng pháp nhãn thì thấy bên trong. Chỉ có Tổ Đạt Ma truyền y cho Thần Quang, không có trường hợp thứ hai. Cốt lõi của đạo Phật ở đó.

Vì vậy, phẩm Tùng địa dũng xuất  gợi một ý quan trọng rằng ngay ở Ta-bà đã có vô lượng Bồ-tát giữ gìn được Chánh pháp. Còn các người ở nơi khác đến đó xây chùa, thuyết pháp rồi chấm dứt thọ mạng, chùa bị đứng bên lề xã hội.

Trong phẩm Tùng địa dũng xuất nói đến 4 Bồ-tát thượng thủ là Thượng hạnh, Vô biên hạnh, Tịnh hạnh và An lập hạnh. Làm đạo, chúng ta nên tìm 4 người này để học và truyền pháp.

Một là Thượng hạnh Bồ-tát, có thể hiểu rằng nếu ta đến nơi nào để truyền giáo phải tìm người tốt nhất ở đó. Người bạn tôi là mục sư nói rằng ông lên vùng Tây Nguyên truyền giáo thì tìm ông già làng cho một con bò, hay 100 USD. Ông già làng có uy tín nhất ở đây mà ông này ủng hộ thì việc ta khó mấy cũng thành dễ.

Các thầy tới chỗ nào truyền đạo, đầu tiên tới chào ông Trưởng ban Tôn giáo, ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và ông Bí thư. Nếu thấy ba ông này có thiện cảm với mình thì việc làm của mình sẽ dễ dàng. Nếu ba ông này không thích là không có duyên thì làm sẽ trở ngại.

Thượng hạnh Bồ-tát là tìm người có uy tín lớn, ưa làm việc khó. Còn người lười biếng, thích hưởng thụ thì chắc chắn không thể giao việc.

Hòa thượng Quảng Xả ở vùng Tây Nguyên nói quy y được 5.000 người, cho tiền cho gạo thì họ theo. Nhưng sau đó, không cho gạo, không cho tiền, họ không đến chùa nữa, vì đến chùa bắt tụng kinh lạy Phật, mệt lắm mà chẳng được gì! Hoặc bắt các chú tiểu người dân tộc cạo đầu, nhưng không có rượu, không có thịt, nó chịu không được, bỏ trốn.

Vì vậy, học theo Thượng hạnh Bồ-tát là tìm được những người thích làm chuyện khó làm và có uy tín. Ta đem giáo pháp Phật cho họ là cho trí tuệ giúp họ có năng lực hơn, hiểu biết hơn để họ làm. Còn người không có năng lực, không hiểu biết, dù cho họ ăn đầy đủ, họ cũng trốn.

Người tu sĩ hay Phật tử có chí lớn, có hiểu biết, có uy tín, ta đầu tư thêm cho họ chút trí tuệ, chút từ bi là họ làm được việc.

Điển hình là Phật dạy vua Ba Tư Nặc pháp chăn dân theo trí tuệ và từ bi của Phật thì khỏi cần trừng trị, nhưng cần có đạo đức sẽ cảm hóa dân chúng một cách nhẹ nhàng. Và đến độ vua Tần Bà Sa La, Phật chỉ triển khai 5 giới và tam quy. Ngài nói vua áp dụng pháp này cho quan và giáo dục dân chúng thì mọi việc đều tốt đẹp.

Thứ hai, học theo Vô biên hạnh Bồ-tát là việc nào cũng làm được, chứ chùa đông người nhưng việc nào cũng không làm được thì hỏng. Mình tu phải nghĩ đến đa năng, việc nào cũng làm được. Người đa năng, đa hạnh gánh vác Phật sự dễ dàng.

Vô biên hạnh Bồ-tát việc nào cũng làm được vì có trí tuệ rọi vô. Có trí tuệ thì học dễ, không có trí tuệ thì học rất giới hạn. Có vô biên hạnh, chỗ này không cần việc này, nhưng cần việc khác mình cũng làm được.

Thứ ba, học Tịnh hạnh Bồ-tát là chúng ta chọn người có tâm hồn trong sạch. Người mà tâm hồn dơ bẩn đưa vô Tăng đoàn làm hư uy tín của đại chúng. Thật vậy, Tăng đoàn ví như bể nước trong, chỉ một thầy làm sai khiến thiên hạ chê trách cả chùa hư. Người hư hỏng thì phải loại ra, giữ họ lại coi chừng đạo bị suy.

Thứ tư là học theo An lập hạnh Bồ-tát, tức dám làm. Tổ chức phân công việc gì, ta làm là làm theo Tăng sai. Không nên đòi hỏi làm việc này, không làm việc khác. Phật bổ xứ, hay Tăng sai thì việc khó mình làm, được quần chúng thương, Phật thương.

Tóm lại, ngay như ở Ta-bà đủ chuyện, nhưng mở mắt ra quán sát, ta thấy người thích làm việc khó, người làm gì cũng được, người trong sạch và người sẵn sàng làm thì ta nên chọn những người này để họ cùng với ta đóng góp nhiều việc tốt đạo lợi đời.

Còn những người phương xa đến không hạp phong thổ sẽ bị bệnh, một thời gian sau họ cũng phải trở về chỗ của họ. Tôi đi Nhật, Pháp, Mỹ làm xong việc, về Việt Nam, vì ở đất nước này có người hiểu tôi và tôi hiểu họ, mới cùng nhau phát huy được đạo pháp trường tồn.

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Tin Liên Quan

Back to top button