Trong mùa an cư, Phật tử tùy hỷ tu trong mùa này sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp. Vì mùa tu có nhiều người tu và có người đắc pháp, đắc quả thì đạo lực của họ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Thí dụ trong gia đình, con cháu quậy phá khiến mình tu không được, nhưng tất cả mọi người trong gia đình đều tu thì mình không tu cũng phải tu.
Theo chủ trương của Giáo hội chúng ta, mùa an cư là mùa tu, bắt buộc tất cả Tăng Ni phải tu, nếu không tu không được tính tuổi đạo. Xa hơn, mình tu đúng sẽ đạt được quả vị từ thấp đến cao. Vì vậy, ta tùy hỷ với người tu có quả vị, ta cũng được chia công đức.
Mùa này tu thuận lợi nhất, nên phải nỗ lực tu, cho đến ngày Tự tứ, mười phương Phật đều hoan hỷ, vì thấy chư Tăng tu hành có kết quả. Kết quả do chư Tăng cấm túc an cư được thuộc Tam thừa Tứ quả giải thoát Tăng gồm Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát.
Vì vậy, khi tu, chư Tăng có ba cách tu khác nhau. Cách thứ nhất là tu cho cá nhân mình. Phật dạy ban đầu phải lo tu cho chính mình, đừng nghĩ đến người xung quanh, vì nghiệp mình còn. Nếu xung quanh là Hiền Thánh Tăng, mình nghĩ đến họ, chắc chắn mình được an lành. Nhưng phàm tăng chưa đắc quả, còn đủ các nghiệp của chúng sanh. Họ chưa khắc phục được những nghiệp đó, mà mình tiếp xúc với họ và thấy không bằng lòng, như vậy là tự tạo nghiệp cho mình.
Trên bước đường tu, dù tại gia hay xuất gia, Phật khuyên đừng thấy lỗi của người khác, hãy lo bế quan là đóng các giác quan, có mắt nhưng đừng nhìn, có tai nhưng đừng nghe, vì nhìn hay nghe những gì không thích khiến mình không bằng lòng. Thật vậy, cuộc sống của người trẻ khác với người lớn tuổi. Thí dụ mình thấy người trẻ ca hát, nhảy múa, mình không bằng lòng là nghiệp mình sanh ra. Vì vậy, việc quan trọng ở giai đoạn này, ban đầu phải lo sửa mình, không dám nghĩ đến người khác, không thấy và không nghe lỗi của người khác. Thực tập như vậy giúp tâm mình lần lần được thanh tịnh.
Còn người thích nghe, thích quan sát việc của người khác và tệ nhất là ưa quan sát cái xấu, cái sai của người, trong khi ác nghiệp của mình có sẵn rồi, lại quan sát và đem thêm cái xấu vào lòng, lâu ngày cái xấu đó biến thành nghiệp của mình thì mình sẽ làm những điều mà trước kia mình không ưa. Điều này tôi đã chứng kiến, có người ưa chê trách người khác, nhưng về sau tôi thấy họ lại làm những gì mà họ đã chê trách. Đó là quả báo do không tu mà tự tạo nghiệp.
Thực tu, không để ý đến việc của người khác, không đem cái xấu vào lòng, điều này giúp tâm mình thanh tịnh dần và tâm thanh tịnh này mới ngang qua tâm Hiền Thánh.
Người tu sai pháp thường nói tôi đi nhiều chùa, nghe nhiều thầy thuyết pháp, nhưng sao tôi vẫn khổ. Kinh Pháp hoa gọi đó là uống lầm thuốc độc. Tu đúng, nghe pháp nhiều, đem pháp vào tâm thì tâm phải thanh tịnh chứ, vì Phật nói rằng pháp có công năng tẩy sạch phiền não trần lao.
Vì vậy, nhiều khi mình nghe pháp nhưng bị lầm pháp này là pháp Phật. Tuy nhiên, Phật dạy đơn giản rằng nếu là phàm phu nói pháp thì pháp cũng trở thành phi pháp, nếu là ác ma nói pháp thì cũng là pháp của ác ma. Từ ý này, Phật nói rằng phải là Phật mới nói được pháp của Phật. Tôi chưa phải là Phật, nhưng tôi thực tập pháp Phật trong cuộc sống tu hành và có được phần nào kết quả tốt đẹp, tôi đem thành quả mình gặt hái được để chỉ cho những người hữu duyên thấy rõ con đường tu tập đúng pháp như thế nào mà Đức Phật đã dạy trong các kinh điển.
Có thể khẳng định rằng pháp Phật phát xuất từ tâm thanh tịnh và tâm thanh tịnh mới phát sinh trí tuệ. Có trí tuệ mới thấy được nỗi khổ của chúng sanh khiến tâm đại bi phát khởi, muốn xóa khổ cho chúng sanh. Như vậy, pháp Phật tuyên thuyết nhằm giải trừ khổ đau. Trong khi tâm ác ma không thanh tịnh, nên không thể nói pháp của Phật.
Thực tế cho thấy có những thầy bị chê trách vì phạm lỗi lầm. Nếu thầy này sai thì đó là ác ma giả Phật. Bài học này đã được Phật kể rằng khi Ngài còn là thái tử mới phát tâm tu, Trời Đế Thích đã cảnh giác Thái tử Sĩ Đạt Ta bằng cách hiện thân làm anh thợ săn mặc áo Sa-môn. Điều này thể hiện qua câu nói khẩu Phật tâm xà, vì hình thức là thầy tu nói pháp, nhưng bên trong là ác ma.
Thái tử Sĩ Đạt Ta hỏi tại sao anh là thợ săn lại mặc áo thầy tu. Anh ta nói mặc áo thầy tu để dã thú không sợ thì nó dám tới gần mới giết được nó. Thái tử bảo anh cần tiền, tôi cần chiếc áo thầy tu, vậy mình đổi. Anh đem long bào này bán thì sống được cả đời, đưa áo tu cho tôi.
Từ câu chuyện này gợi cho chúng ta biết rằng nếu có căn lành, mình sẽ được Đế Thích, hay chư thần hiện ra cảnh báo trước. Các ngài hiện ra con người thật cũng có, hay các ngài không hiện ra, nhưng mình có linh tánh cho biết.
Thật vậy, theo kinh nghiệm của tôi, từ thuở bé xuất gia mới 12 tuổi, tôi đi nhiều chùa, đến chùa nào tôi cảm thấy bất an thì không ở và đi chỗ khác.
Nếu theo học và nghe những gì tương ưng với nghiệp mình khiến mình cảm thấy thích thế gian là mình đã lọt vô đường tà.
Có thể nói tất cả pháp Phật dồn lại chỉ nhằm giúp cho tâm hành giả thanh tịnh. Phật luôn nhắc nhở phải giữ tâm thanh tịnh, đừng để bên ngoài chi phối. Ý thức lý này, ban đầu người học pháp Phật và thực hành lời Phật dạy, phải giữ tâm thanh tịnh.
Vì vậy, đến chỗ tác động mình vui, buồn, lo, sợ, giận, phải biết đó là tà; vì tà kích động cho mình vui trước, cho mình cái lợi này, lợi nọ làm mình tham, đó là tà bắt đầu dụ mình. Nó dụ gì. Với người tham tiền, tham sắc hay tham danh, nó sẽ đem tiền, đem sắc, đem danh đến dụ mình.
Riêng tôi, trên bước đường tu, gặp người nào đề cập đến tiền bạc, sắc dục và danh lợi thì tôi tránh. Lúc ở Nhật, tôi còn trẻ, có ba, bốn người tới nói rằng chúng tôi thấy thầy giống cậu Hai Nhứt là đệ tử của Đức Huỳnh Phú Sổ, Phật giáo Hòa Hảo. (Sau khi Nhật Bản bại trận, họ đưa cậu Hai Nhứt về Nhật để sau này phục quốc). Nếu thầy bằng lòng, tôi đưa thầy lên mây. Tôi trả lời họ rằng tôi không phải là cậu Hai Nhứt và tôi cũng không thích lên mây, thích đứng dưới đất. Họ đề cao mình là thánh, hay ca ngợi mình tài giỏi nhất. Nếu nghe như vậy, phải sợ. Phật dạy hành Bồ-tát đạo, nên giấu đi những điều mình biết, mình giỏi, huống chi là không biết mà còn mạo nhận thì chết chắc.
Được đề cao là điều đáng sợ nhất đối với người tu. Thứ hai là bị mua chuộc bằng tiền bạc, sắc dục và danh vọng. Nếu mua chuộc, dụ dỗ không được, người ta sẽ đe dọa. Có những lúc rơi vào hoàn cảnh như vậy, mình phải có niềm tin vững nơi Phật. Dứt khoát sống theo Phật, chết cũng theo Phật, không sợ.
Thực tế cho thấy trên bước đường tu, không ít người bị mua chuộc, hoặc bị đe dọa, nên đã bỏ cuộc. Ác ma thường sử dụng hai thủ đoạn dụ dỗ và đe dọa làm mình buồn phiền, sợ hãi là đánh mất Chánh niệm. Mất Chánh niệm, Phật không gia bị cho mình được, dẫn đến mình sẽ phạm sai lầm này đến sai lầm khác lớn hơn và cuối cùng đọa địa ngục. Cần bình tĩnh, cần sáng suốt. Hiểu rõ điều này, tôi có khẩu hiệu càng khó khăn càng phải bình tĩnh sẽ thoát được; nhưng nếu không thoát được thân thì cũng thoát được linh hồn. Vì vậy, cuối cùng tâm mình hoàn toàn thanh tịnh, không có bốn tướng buồn giận, lo sợ, không ai dụ dỗ được, không ai đe dọa được. Và khi tâm mình thanh tịnh rồi, Hộ pháp Long thiên dẫn mình đến chỗ tốt, gặp thầy tốt, bạn tốt. Còn tâm xấu ác sẽ bị ác ma dẫn vô đường xấu.
Được Phật gia bị, tâm càng thanh tịnh, thì người xuất gia không kẹt trần thế là không kẹt cơm ăn, áo mặc, chỗ ở. Người đời luôn bị kẹt những thứ này. Ngoài ra, người tu không kẹt tình cảm ủy mị, khen chê của cuộc đời. Người ta nói gì, mình cũng bình tĩnh sáng suốt thấy được con người thật của họ thì tùy theo đó mà xử sự lợi lạc cho mình và không tổn hại người.
Điển hình như Đức Phật gặp vua Tần Bà Sa La, vua kính trọng Ngài đến mức thỉnh Ngài về Vương Xá để cất lâu đài cho Ngài ở và cho người hầu hạ. Ngài cực khổ ở núi rừng làm chi. Phật đã từ chối và nói rằng Ngài quen sống ở núi rừng, quen với cây trái, không quen thực phẩm bên ngoài, không quen nhà cao, cửa rộng, người hầu hạ. Nghĩa là Phật không bị vật chất chi phối, cám dỗ, cũng nhắc nhở người tu sống giản đơn, thanh tịnh; nếu không, sớm muộn cũng rơi vào cạm bẫy và đọa địa ngục.
Vì vậy, việc đầu tiên nhất, Phật bảo giữ tâm thanh tịnh và cần gặp người có thân tâm thanh tịnh. Tụng kinh Pháp hoa ở đạo tràng Pháp hoa, nhưng thân tâm không thanh tịnh thì không có Pháp hoa. Phật nói càng giữ tâm thanh tịnh, trí càng sáng suốt.
Muốn tâm thanh tịnh, thân phải thanh tịnh. Thân đặt vô chỗ an, nó an, thân đặt vô chỗ bất an, nó bất an. Không phải đi chùa nhiều, nghe pháp nhiều, điều chính yếu là làm cho tâm được an và muốn tâm an, thân phải an.
Trong kinh Pháp hoa, phẩm An lạc hạnh thứ 14, Phật dạy muốn tu phải làm cho thân an. Phật nói có hai điều giúp thân an là hành xứ và thân cận xứ. Hành xứ là chỗ tu của chúng ta, thân cận xứ là chỗ chúng ta nên tới, nên gần gũi.
Về hành xứ, Phật khuyên chúng ta phải luôn giữ Chánh niệm và trụ Chánh định để phát sinh trí tuệ, thấy rõ cuộc đời, từng bước mới vào đạo được. Phật nói khi Ngài đặt tâm vô Chánh niệm, Chánh định, đầu tiên Phật thấy thân tứ đại là tiểu vũ trụ, thấy rõ hết trong thân có sinh vật lớn cho đến sinh vật nhỏ; nói cách khác, tu phải nội quán thấy thân của mình.
Tập trung có Chánh niệm, bắt đầu quán sát, Phật thấy trong thân tứ đại của con người có từng tế bào sanh trưởng, biến dạng và hoại diệt như dòng thác chảy. Tất cả sinh vật tồn tại trong thân mình và nó luôn biến đổi. Từ biến đổi nhỏ này, Phật thấy cả vũ trụ là thấy tất cả chư Phật mười phương đang thuyết pháp, mà ở trong tế bào nhỏ nhất cũng có đầy đủ chư Phật mười phương.
Thật vậy, trong bài Hồng danh sám hối: “Trong một niệm tâm, tôi thấy ba đời. Tất cả các đấng Nhơn Sư tử…”
Theo tôi, ý này rất quan trọng. Tu hành, giữ Chánh niệm thấy chư Phật ba đời là trong một niệm tâm, ta thấy những người trước ta cho đến Đức Phật Thích Ca và trụ Chánh định, ta kéo được Phật Thích Ca vào niệm tâm của mình thì sẽ kéo luôn được 1.200 La-hán và 70.000 chư Thiên cũng vào trong một niệm tâm mình.
Phật nói: “Trong một trần có trần số cõi. Trong mỗi cõi có nan tư Phật. Mỗi Phật đều ở giữa chúng hội. Tôi thấy hằng giảng hạnh Bồ-đề”. Nghĩa là trong đầu một sợi lông, tức trong một niệm tâm, ở giữa chúng hội đã có đầy đủ Phật, Bồ-tát và Bát bộ chúng Long thiên.
Thể hiện lý này, Tổ Thiên Thai nói rằng buổi sáng ngài dạo chơi non Linh Thứu ở Ấn Độ. Buổi chiều, ngài viếng núi Phổ Đà ở Trung Hoa. Nghĩa là ngài đi bằng Chánh niệm.
Tổ Thiên Thai đi qua Linh Thứu nghe Phật Thích Ca thuyết pháp, còn chúng ta sáng sớm thức dậy tụng kinh Pháp hoa: “Tôi nghe như vầy, một thuở nọ Đức Phật ở núi Kỳ Xà Quật nơi thành Vương Xá cùng chúng Tỳ-kheo một muôn hai ngàn gồm cả La-hán và bậc Tam hiền còn đang tu học, tám vạn Bồ-tát chuyển được pháp luân bất thối… Lại có chư Thiên hơn 70.000…, 8 vị Long vương, 4 Càn-thát-bà, 4 A-tu-la, 4 Khẩn-na-la cùng nhiều quyến thuộc, vua A Xà Thế cùng với quần thần…. tham dự pháp hội”.
Đọc phần mở đầu kinh Pháp hoa như vậy, nếu một niệm tâm chúng ta thâm nhập được cảnh giới mà kinh diễn tả thì chúng ta thấy bằng tâm sẽ thấy được quá khứ và thấy được mười phương. Xa hơn, Phật nói thấy được tất cả chư Phật mười phương.
Trên bước đường tu, có Chánh niệm, thấp nhất chúng ta chứng Sơ quả là không bị xã hội và thiên nhiên chi phối. Được như vậy thì mức thấp nhất, chúng ta đã thấy hơn người là thấy một người đến với mình, bằng cảm tính, hay trực giác cho chúng ta biết người này xấu hay tốt và đến gặp ta với ý đồ gì. Nâng lên, chứng Tư-đà-hàm, A-na-hàm chúng ta thấy xa hơn và chứng A-la-hán, chúng ta thấy ba đời trước.
Chứng Sơ quả mới không bị xã hội và thiên nhiên chi phối, ta đã hình dung được đời trước ta làm gì và ở đâu.
Điển hình Phật Thích Ca từ bỏ mọi việc thế gian, thấy đời trước của Ngài là Hộ Minh Bồ-tát ở cung trời Đâu Suất xuống đây để cứu khổ độ sanh cho nhân loại. Hoặc Kiều Phạm Ba Đề tu theo Phật, tâm thanh tịnh, giữ Chánh niệm, trụ Chánh định, nên ngài thấy kiếp trước của ngài là trâu.
Quý vị chưa thấy đời trước của mình bằng Chánh niệm thì thấy bằng suy niệm. Bắt đầu sử dụng cảm tính là cảm giác của mình, nhờ đó mình nhận ra đời trước của mình và người xung quanh. Từ cảm tính đi xa hơn một chút, biết đời trước của mình và đối tác bằng tri giác. Thí dụ nói bà này đẹp như tiên là cảm tính của mình cho biết người này là tiên, họ cũng là người, nhưng ta thấy cốt cách của họ nhẹ nhàng, lời nói nhẹ nhàng… Vì vậy, biết đời trước của người bằng cảm tính, bằng tri giác thấy họ cao thượng hay hèn mọn. Nếu họ từ súc sanh, ngạ quỷ hay địa ngục sanh lại làm người, tính chất của ba đường ác vẫn còn rõ nét trên mặt họ, trên lời nói, trên cuộc sống của họ. Cụ thể là người ở tù mới ra, họ vẫn còn dáng vẻ của tù nhân.
Chỉ tập trung và sử dụng cảm tính, tri giác biết được họ là người như thế nào qua tướng đi đứng, ăn nói của họ, như vậy mình không bị mắc lừa. Dù họ đóng kịch thế nào thì mình cũng nhận ra họ là yêu tinh.
Phải khẳng định rằng có Chánh niệm chắc chắn nhận biết đúng đắn sự việc và người đối tác. Thực chất tu theo Phật dạy phải có kết quả.
Chúng ta không sử dụng tri thức, vì nhận thức của chúng ta chỉ đúng 50%. Trực giác do Chánh định cho hiểu biết đúng 70% là nâng lên một bước, chúng ta qua quả vị thứ hai. Từ Chánh niệm đi sâu hơn, chúng ta thường làm bạn với hiền thánh trong Chánh niệm. Không có Chánh niệm, chỉ có tà niệm thì đi nhiều chùa cũng vào đường tà, vì cái gốc là tà. Có Chánh niệm không cần đi đâu, hiền thánh tới làm bạn với chúng ta trong Chánh niệm.
Vì vậy, người có Chánh niệm ít thích nghe việc đời phải trái hơn thua, nhưng thích lắng lòng vào Chánh niệm. Thể hiện ý này, tôi thích làm bạn với người chết mà tôi chọn lựa được là những vị hiền thánh không còn trên cuộc đời này. Tôi muốn gặp Xá Lợi Phất, Ưu Ba Ly, Long Thọ, Trí Giả…, vì các ngài chia sẻ tri thức cho tôi.
Sống với pháp Phật, trong mùa an cư ráng giữ Chánh niệm, mỗi ngày dành nửa tiếng hay một tiếng thực tập thiền quán để tiếp xúc với các bậc hiền thánh, tuy các ngài đã qua đời, nhưng không chết, vì Chánh niệm không chết. Tu được sở đắc này thì bất tử. Thật vậy, Phật nói rằng xưa kia Ngài tu hành đạo Bồ-tát cảm thành thọ mạng, thâm nhập Pháp thân vĩnh hằng bất tử… Chánh niệm, Chánh định của chúng ta không bao giờ chết; nói cách khác, con người bất tử của chúng ta mới gặp được hiền thánh bất tử.
Tu hành vào thế giới này và đi xa hơn, chúng ta đến Niết-bàn. Đường còn xa, chúng ta cố gắng đi tới, kiếp này chưa được, kiếp sau đến thiên đàng rồi qua thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà và vào Niết-bàn nghỉ ngơi.
Hòa thượng Trí Hải nói với tôi rằng thầy ráng lo hoằng pháp, tôi về Cực lạc thăm Đức Phật Di Đà, sau này tôi và thầy sẽ gặp lại nhau cùng chung lo Phật sự. Hòa thượng này chuyên tu Pháp hoa. Ngài phát nguyện tụng 1.000 bộ kinh Pháp hoa để cầu nguyện đất nước hòa bình. Ngài mới tụng được 700 bộ thì nước nhà độc lập. Tôi nói còn 300 bộ kinh Pháp hoa để con tụng. Các thầy khác nghe vậy liền nói thầy làm Trưởng ban Hoằng pháp, việc còn nhiều, thầy có thì giờ đâu mà tụng 300 bộ kinh Pháp hoa.
Tôi hiểu ý Hòa thượng là tụng 700 bộ Pháp hoa mới thống nhất đất nước. Tiếp theo là tất cả những việc khó khăn, khổ sở do chiến tranh để lại là trách nhiệm mà chúng ta phải giải quyết để làm cho sinh hoạt của Giáo hội chúng ta được phát triển. Đó là hiểu được ý của danh tăng, hiền thánh.
Tôi nhắc các Phật tử cố gắng tu để được làm bạn với hiền thánh, chắc chắn cuộc đời chúng ta chẳng những kiếp này mà muôn kiếp về sau sẽ luôn được tốt đẹp hơn là làm bạn với người trần gian luôn gây phiền toái và khổ đau cho mình.
Hòa thượng Thích Trí Quảng