Theo luật Phật chế, người xuất gia mỗi năm phải cấm túc an cư ba tháng. Khi Phật tại thế, Ấn Độ chỉ có ba mùa, chư Tăng an cư mùa hạ, tức bốn tháng mùa mưa.
Nhưng Việt Nam có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, nên chỉ còn ba tháng mùa hạ. Trừ chư Tăng Nam truyền Phật giáo vẫn y cứ luật Ấn Độ, an cư bốn tháng như thời Phật tại thế.
Đức Phật là bậc đại trí tuệ, Ngài nhìn thấy sự thật của sự vật, sự thật của cuộc sống, tức từ ngũ ấm thế gian sang quốc độ thế gian và sang chúng sanh thế gian. Đức Phật nhìn thấy rõ như thế, Ngài phân định cho chư Tăng vừa có học, vừa có tu, vừa truyền bá Chánh pháp để bảo đảm đời sống thích nghi và tồn tại trong xã hội loài người chúng ta.
Vì nếu các Bồ-tát, chư Thánh La-hán có đạo lực vượt thời gian, không gian, nên các ngài có thể làm đạo bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ lúc nào, vừa tu vừa truyền bá giáo pháp Phật. Nhưng hàng phàm tăng còn lệ thuộc đời sống vật chất, vì có thân tứ đại ngũ uẩn nên phải thích nghi mới tồn tại được. Vì vậy, trừ chín tháng mùa khô và mùa đông, chúng ta còn ba tháng mùa mưa để cấm túc an cư. Chín tháng kia, chúng ta dành thời gian học và truyền bá Chánh pháp Phật. Ba tháng mùa mưa, chúng ta thực tập thiền quán là chính. Người biết tuân thủ lời Phật dạy và thích nghi thì đời sống tâm linh phát triển được.
Đạo Phật là đạo trí tuệ, phải tu tập để sanh trí tuệ, không phải là học thuyết để học, để nói. Vì vậy, người học Phật không thể trở thành bách khoa tự điển chỉ biết và nói. Các triết gia Ấn Độ biết và nói để tranh cãi hơn thua, đó là Bà-la-môn giáo, không phải đạo Phật.
Điểm quan trọng của đạo Phật, biết rồi và phải thực nghiệm để thấy biết chính xác. Và muốn biết chính xác sự vật, chúng ta phải thực tập thiền quán. Vì chúng ta không thể chỉ thấy một phần, một mặt sự vật gọi là thiên kiến, biên kiến, tà kiến, không phải Chánh kiến. Điều này được kinh Pháp hoa dạy rằng không phải thấy một mặt, mà phải thấy theo thập Như thị. Trước nhất, phải thấy tướng cho đến thấy tánh, từ đó tìm ra thể của sự vật và cái dụng của nó, như vậy là thấy nhiều mặt của sự vật.
Phải thấy đúng nhiều mặt và xa nữa, phải thấy nguyên nhân từ đâu dẫn đến kết quả về đâu gọi là Như thị nhân, Như thị duyên, cho đến thấy rốt ráo sự vật, không có gì không thấy là Như thị bản mạt cứu cánh.
Tu chứng pháp thập Như thị, Trí Giả đại sư nói “Nhứt niệm tam thiên”, nghĩa là trong một niệm tâm có đến 3.000 loại hình khác nhau, thì như vậy, ta thấy biết loại hình nào? Từ đó, Ngài dạy rằng nói cái gì cũng nằm trong mẻ lưới của Phạm Thiên là trong sanh diệt của sự vật.
Chính vì vậy, Phật dạy cần thực tập để thực chứng, biết sự thật của sự vật và biết có nên nói hay không, không phải thấy đúng là nói và nói trong trường hợp nào. Để khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến thì nói, vì người này đã tới bờ mé giải thoát, chỉ nhắc một chút thôi là họ thấy được, như vậy là nói đúng với chúng sanh này. Như Xá Lợi Phất là đại luận sư không ai nói qua Ngài. Khi Ngài tới với Phật, Phật quan sát Xá Lợi Phất ở tất cả mọi mặt. Phật thấy đối với người này, không cần nói, nhưng cần yên lặng thì họ sẽ ngộ, sẽ chứng, sẽ thấy. Và họ đã ngộ, đã chứng, đã thấy rồi, thì không cần nói nữa. Thật vậy, Xá Lợi Phất cả đời chỉ nói, nghe, phản biện người khác là việc làm của đại luận sư. Đối với ông, nói là thừa. Yên lặng thì Xá Lợi Phất mới ngộ.
Yên lặng là giữ tâm thanh tịnh mới thấy xa hơn thực tế và thấy cuộc sống ở mọi mặt. Đúng như Phật thấy, Phật không nói, nhưng Xá Lợi Phất sụp lạy Phật, xin làm đệ tử. Đây là bài học đầu tiên mà chúng ta phải học. Giảng sư thuyết pháp phải suy nghĩ nói hay không nói. Nếu nói mà họ nhận được sự giải thoát và tu được thì nói, nhưng nói để trở thành tranh cãi hơn thua, phản biện, tức tối thì không nói. Không phải cái gì cũng nói.
Ba tháng mùa mưa, quý vị cố gắng thực tập điều này quan trọng nhất đối với người tu. Phải ngộ, phải chứng, mới tính đến chuyện khác.
Các vị cao tăng, Thánh tăng chia sẻ vấn đề tu hành với tôi. Các ngài nói đơn giản rằng suốt đời các ngài chỉ tu Tứ niệm xứ quán là pháp căn bản nhất của đạo Phật. Không vượt được pháp này, đừng nói cái khác. Tôi học được, chia sẻ với các huynh đệ pháp này. Thử hỏi chúng ta ngộ chưa, chứng chưa và sử dụng được không? Nếu ngộ được, chứng được, sử dụng được, chúng ta giải thoát ngay. Còn chưa ngộ, chưa chứng, chưa sử dụng được pháp này là chưa giải thoát, không thể bàn đến đạo Phật.
Phải thực tập thiền Tứ niệm xứ để giải thoát, nghe đơn giản, nhưng việc thực tập rất quan trọng. Tứ niệm xứ quán là quán thân bất tịnh, quán thọ thì khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Chúng ta thực tập được như vậy thì tất cả các pháp không chi phối chúng ta, chúng ta được giải thoát.
Vì không quán được tâm vô thường của chúng sanh, nên khi người ta nói, hứa mà không giữ lời, quý vị khởi tâm buồn phiền là chưa thành tựu pháp. Tâm vô thường nên giờ này họ hứa, nhưng giờ sau lời hứa bay mất. Thí dụ họ nói thầy xây dựng Học viện, tôi cúng 100 tỷ. Nghe vậy, mừng quá là xa rời giải thoát, dù còn mặc áo Phật, nhưng đã cách xa Phật.
Họ hứa cúng 100 tỷ, mình ghi nhận tâm họ phát khởi tốt, nhưng mai kia, họ không cúng đồng nào, họ không dám tới với mình làm quý vị buồn là không được giải thoát, chúng ta đã xa rời đạo Phật.
Họ hứa cúng 100 tỷ, nếu quý vị đạt giải thoát, tâm an lạc thì mình thấy từ nhân đến quả. Nghĩa là họ phát tâm cúng, nhưng mình quán sát thấy duyên của họ có hay không. Quán sát thấy anh này tốt nhưng phước của anh chưa đủ, không phải nói cúng là cúng được. Khởi tâm cúng là nhân tốt, nhưng duyên không có. Duyên là họ phải ăn nên làm ra, có được nhiều tiền.
Vì vậy, Tỳ-kheo thanh tịnh thấy họ có phát tâm và cũng thấy duyên không có thì quả cũng không thành, nên không cúng được. Tâm Tỳ-kheo thanh thản trước việc này vì đã quán sát thấy biết rõ nhân duyên.
Thực tập thiền Tứ niệm xứ quán, thấy biết và chứng cái tâm vô thường thì tất cả mọi việc mình coi như gió thoảng mây bay. Cuối cùng thực chứng pháp vô ngã, phá được tất cả trần lao, nghiệp chướng của chúng ta. Thật vậy, các pháp vô ngã thì ta, người và sự vật đều vô ngã, không có thực tánh vì các pháp do duyên sanh. Quán sát và thực chứng pháp vô ngã, tất nhiên phiền não không khởi lên, mình trở thành thanh tịnh Tỳ-kheo giải thoát.
Nếu tu Tịnh độ ở Cực lạc của Đức Phật A Di Đà không có phụ nữ, nhưng không phải tất cả là đàn ông. Cực lạc và Niết-bàn do tu chứng của hành giả mà đạt tới vô ngã. Vì vậy, chúng ta quán cùng tột pháp này, không còn tướng nam nữ, không còn tánh nam nữ, nên tùy duyên mà hiện thân tương ưng. Điển hình là Quan Âm Bồ-tát cần hiện tướng nam thì Ngài hiện thân nam, cần hiện tướng nữ để cứu độ, Ngài hiện tướng nữ. Cần hiện bất cứ loại hình nào, Ngài cũng làm được là đạt vô ngã, hành đạo linh hoạt, không kẹt pháp cố định. Ngài tùy duyên ứng hiện, duyên thế nào, Ngài ứng thế đó để độ sanh.
Thể hiện lý này, Phật Thích Ca nói rằng Ta thành Phật ở chỗ này có tên này, thành Phật chỗ khác có tên khác. Nghĩa là không có tướng cố định, không có tướng nam nữ là không có tâm tham ái. Nếu không quán được như vậy, chúng ta kẹt tướng nam nữ thì ái sanh ra, bị đọa, rớt vô Ta-bà, không vô Cực lạc, Niết-bàn được. Chúng ta chưa lìa âm dương, nam nữ thì còn đọa. Vì vậy, quán pháp vô ngã để thực sự giải thoát.
Quán tất cả sự vật do nhân duyên hội tụ mà thành, nhân duyên ly tán thì nó mất hình tướng này mà hợp thành hình tướng khác. Từ đó, con người có thể trở thành chư thiên, hay cầm thú, địa ngục, súc sanh.
Mùa an cư, Tăng Ni cố thực tập thiền Tứ niệm xứ cho thuần thục, đạt được pháp vô ngã thì quý vị từ từ quán sát các pháp khác. Nhưng chưa đạt vô ngã, chưa nhập Niết-bàn, chúng ta nằm ngoài Phật pháp.
Chứng vô ngã, bước vô thế giới Phật pháp mới bàn thêm rằng chúng ta giáo hóa chúng sanh, tiếp cận cuộc đời, hay học giáo lý thì mùa mưa cấm túc, trong thiền quán, chúng ta mở ra giải quyết vấn đề này, không để tồn đọng trong lòng chúng ta khiến chúng ta trở thành nhà nghiên cứu, học giả, không thành hành giả trong Phật pháp.
Chúng ta đem ra mổ xẻ, hóa giải để nó trở thành vô ngã. Chúng ta học các pháp sai biệt với nhiều giáo sư khác nhau và bước vào cuộc đời, nghe tất cả các chuyện là tất cả các pháp. Nếu các pháp này tồn đọng trong lòng chúng ta sẽ biến thành nghiệp chướng, trần lao. Thật vậy, tôi thấy người giỏi biết nhiều, nhưng không thể giải thoát, vì không biết thì ai nói gì cũng được, nhưng biết thì cãi lại cũng khổ, mà làm thinh ấm ức cũng khổ. Tất cả các pháp này, mùa an cư chúng ta giải quyết nó, là siêng năng hóa giải thiện ác.
Trước chúng ta hóa giải âm dương, nam nữ, nhưng bây giờ chúng ta hóa giải thiện ác là tu Tứ chánh cần. Những gì chúng ta học từ giáo sư gọi là thiện ác của thế gian thì chúng ta còn sống ở thế gian, chúng ta thích nghi với thiện ác của thế gian để được giải thoát. Vì vậy, đối với việc mà người trong xã hội coi là thiện, ta chấp nhận thiện này. Còn những việc mà người thế gian coi là ác xấu, ta cũng ghi nhận ác xấu này, ta không làm.
Từ góc độ này, ta đi vào cuộc đời giáo hóa chúng sanh, nghe thiên hạ phản ảnh và ta tùy thuận chúng sanh là tùy theo hoàn cảnh đó, tùy theo người đó mà ta chấp nhận, không tranh cãi. Đó là thiện ác của thế gian mà ta biết có duyên mới gặp họ thì tùy thuận với họ, giải quyết theo họ để ta được yên.
Xưa kia, trước khi đi khất thực, Phật thiền quán là nghĩ về thiện ác của những người mà Ngài sẽ gặp. Mỗi lần đi khất thực, Phật đều suy nghĩ như vậy, không phải chỉ nghĩ một lần. Riêng tôi, thực tập pháp này, buổi sáng nghĩ mình sẽ đi đâu, gặp ai, làm gì, tức thiện ác này chúng ta suy nghĩ trong thiền quán và thấy đúng rồi thì theo đó mà thực hiện. Như Phật độ Vô Não, hay Sunita có chủ đích. Trong thiền quán, Phật thấy hôm nay độ Vô Não, Ngài hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của Vô Não và Ngài dùng pháp gì để khai thị ông.
Ngoài thiền Tứ niệm xứ, thiền quán thứ hai là Tứ chánh cần là quán tưởng thiện ác và quán tưởng pháp đối trị. Đây là điều quan trọng Tỳ-kheo phải suy nghĩ, phải làm đúng mới có kết quả. Thật vậy, mình ở thế gian mà không tùy thuận làm sao sống. Tùy thuận thế duyên, chúng ta mới tồn tại, tu hành, nghịch thế duyên là đọa. Vào sanh tử phải sống với sanh tử, ở Niết-bàn thì khác. Chúng ta còn sống trong thế gian phải tùy thuận với thiện ác của thế gian, nhưng chúng ta không dừng ở đó, vì chúng ta là người tu, nên phải bước sang pháp thiện ác xuất thế. Đó là thiện chưa sanh phải làm cho sanh. Thiện đã sanh phải làm cho tăng trưởng. Ác chưa sanh không cho sanh. Ác đã sanh phải cắt đứt.
Trong thiền quán, chứng được pháp này và áp dụng vào xã hội cũng thấy rõ là người có căn lành ở Phật quá khứ, họ phát tâm và có nhân duyên với ta thì ta độ được. Vì vậy, quán nhân duyên để biết giữa ta và họ có mối quan hệ tốt đẹp thì ta tới gặp, đó là thiện. Ta biết họ kính trọng và muốn cúng dường, nhưng phải biết thêm rằng họ kính trọng thì ta làm gì và họ cúng dường, ta làm gì. Họ kính trọng mà mình thấy vui là sai, vì đã sống ngoài pháp Phật. Tỳ-kheo biết người có nhân duyên và kính trọng mình thì phải làm gì để sự kính trọng tăng lên là thiện sanh, phải làm cho thiện căn này phát lên, tức phải làm họ phát tâm.
Quán sát biết họ kính trọng vì đời trước hay đời này giữa mình và họ đã có mối liên hệ sâu sắc, không phải tự nhiên kính trọng được. Kính trọng vì nghiệp duyên quá khứ là thiện căn đời trước. Thứ hai, họ kính trọng vì ta có hạnh nào đó, đức tánh nào đó mà họ ưa mến.
Thấy người quý trọng ta và cũng phải biết họ cúng dường để ta làm gì, cũng như phải đáp ứng được điều mong mỏi của họ. Không phải được cúng là nhận. Thầy Tỳ-kheo vô trí cứ nhận của cúng dường mà không làm được những gì người cúng gửi gắm thì một thời gian sau, không ai cúng nữa.
Thí dụ người ta biết mình đang xây dựng Học viện và họ cũng quý trọng, có đồng tâm niệm với việc xây dựng Học viện đào tạo Tăng tài, nên họ đóng góp để chúng ta xây dựng. Nhưng chúng ta không xây dựng được Học viện, vì không đủ tiền, mà tiền đóng góp đã nhận và tiêu hết khiến người thối tâm, mất thiện tâm. Thiện đã sanh phải giữ gìn, nhưng làm ngược lại lời Phật dạy là phá pháp.
Ác đã có phải cắt đứt, nhưng mình làm tăng trưởng là sao? Những người chống đối, không ưa ta, họ nghe nói mình lường gạt, không cất trường là họ có cơ hội chỉ trích chúng ta nhiều hơn, như vậy là ác này tăng trưởng. Điều này khiến cho nhiều người chống Phật giáo dẫn đến Phật giáo bị suy yếu, hoại diệt.
Đối với việc thiện đã sanh, cần làm cho tăng trưởng, đừng cho mất. Có người thưa với tôi: “Con cúng dường một mẫu đất để thầy xây chùa”. Tôi ghi nhận công đức của họ nhưng không nhận, vì không có điều kiện cất chùa. Nhiều người muốn cúng, mình chưa nhận thì sau này, Phật sự nào mình làm thì họ cùng nhau cúng là thành tựu công đức. Đó là thiện đã sanh phải nuôi dưỡng để làm lợi cho Phật pháp. Pháp này quan trọng phải học, suy nghĩ trong thiền quán để thấy được nó một cách đúng đắn.
Thuở nhỏ tôi đọc câu chuyện thí chủ thỉnh ngài Ưu Ba Cúc Đa đến cúng dường trai tăng, nhưng ngài luôn trả lời chưa phải lúc. Tôi tâm đắc bài học này, nên thọ Đại giới xong, tôi không đi trai tăng. Vì họ muốn cúng nhưng mình không nhận thì ý thức cúng dường là ý thức thiện này còn và tăng trưởng. Còn mình nhận thì cúng xong, họ thấy đủ, sau đó có người rủ, họ cũng không muốn cúng nữa. Thậm chí kêu gọi cúng nữa làm chết tâm tốt của họ thì nghiệp đổ ra, bị khổ.
Điển hình là bà thí chủ vừa nói cúng dường nhiều đến mức khánh tận, sanh bệnh nan y khiến mọi người tránh xa. Bấy giờ, ngài Ưu Ba Cúc Đa đến gặp bà, bà nói khi con giàu muốn cúng, thầy không nhận, bây giờ, thầy tới, con không còn gì cúng, con đau khổ quá. Ngài nói bà còn cái tâm muốn cúng mới quan trọng, tài sản không quan trọng, vì người tu không cần tiền, nhưng cần cái tâm thiện. Ngài tới để bà phát tâm, sanh về thế giới lành. Nếu để bà đau khổ, cô độc, vì mất hết tài sản, không có tiền cúng, không được ai quan tâm chăm sóc là mở ra con đường địa ngục cho bà.
Pháp Tứ chánh cần nghe đơn giản mà người tu thực tập cả đời chưa xong. Nhưng thành tựu được pháp này, mình là người tốt, tức đã làm tròn việc thiện của thế gian, không phạm vào việc ác của thế gian. Và nếu cứ tiếp tục thực hành pháp thiện ác của thế gian thì mình mãi mãi ở thế gian hay sao?
Mình tu, phải bước lên, thực tập pháp thiện ác xuất thế bằng cách đi sâu vào thiền quán. Hồi nãy ta ra thế gian, gặp người, bây giờ trở về cấm túc an cư, không gặp ai, trở về đời sống nội quán là nhìn bên trong, không nhìn bên ngoài, tức thể nghiệm pháp thiện ác trong tâm, hay thiện ác xuất thế. Vì lên Niết-bàn là bỏ thiện ác thế gian, nên Phật dạy thanh tịnh là Niết-bàn, động là sanh tử. Ta ngồi thiền khởi ý niệm nào là động, là ác, là vô minh duyên khởi.
Điển hình là La Hầu La tu từ vương tử trở thành Tỳ-kheo không nhà, ngồi dưới gốc cây thiền định, vụt nhớ đời sống cao sang mới nghĩ, nếu Phật không tu, Ngài là Chuyển luân Thánh vương, thì mình là gì. Đó là niệm ác sanh ra, Phật bảo ông phải cắt đứt cái ác này, đừng bao giờ nghĩ đến nữa. La Hầu La nghe lời Phật dạy, gia công thiền quán, dứt trừ ác này, đắc Thánh quả La-hán.
Vì vậy, đối với thiện ác xuất thế, động là ác. Khởi lên ham muốn, tham vọng, ý niệm nam nữ, đẹp xấu…, khởi lên như vậy trong thiền gọi là ma phá, ngũ ấm ma, phiền não ma, thiên ma phá chúng ta. Vắng bặt những khởi niệm này, tâm chúng ta hoàn toàn sáng là tịnh được thì huệ sanh ra giúp ta thấy sự vật từ từ đúng, chính xác.
Đầu tiên thấy rõ thân ngũ uẩn chúng ta là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, thấy rõ năm trạng thái tâm của chúng ta không có thực thể, quay về không. Do từ định sanh huệ, quán ngũ uẩn giai không và thành tựu pháp thiện ác xuất thế, trong lòng thuần thanh tịnh là Niết-bàn hiện ra.
Chỉ tu Tứ niệm xứ quán, Tứ chánh cần đã có Niết-bàn, chưa nói đến Bát Chánh đạo. Nếu thành tựu cả Bát Chánh đạo, đạt được quả vị A-la-hán.
An cư thực tập pháp nào thì chứng pháp đó, là phần phá vô minh, phần chứng Pháp thân. Tỳ-kheo ngộ và chứng pháp nào thì oai nghi giải thoát tướng theo đó hiện ra. Chúng ta chưa đủ giải thoát tướng, chưa là Tỳ-kheo thanh tịnh. Cần cố gắng tu, xác định mình là thanh tịnh Tỳ-kheo trong giáo pháp của Như Lai và đạt được thành quả dâng lên cúng dường chư Phật.
Hòa thượng Thích Trí Quảng