Thông thường đầu mùa mưa dễ phát sinh tất cả các bệnh. Vì vậy, trong tháng 5 chúng ta tụng kinh Dược Sư cầu nguyện Phật, Bồ-tát, Thiện thần, Hộ pháp gia hộ để chúng ta vượt qua dịch bệnh. Và tháng này cũng nhằm mùa cấm túc an cư, chư Tăng Ni sống trong nội giới nên việc cầu nguyện cũng có kết quả hơn.
Phật tử có điều kiện đi thăm viếng các trường hạ nơi chư Tăng Ni cấm túc an cư để chúng ta tiếp nhận được năng lượng từ bi của các vị tu hành tỏa ra, tác động chúng ta được an lạc, đó là phần tâm linh cũng rất quan trọng.
Thực tế khi chúng ta gặp khó khăn, nguy hiểm khiến tâm bị bấn loạn. Nhưng nếu là người ác nghiệp mà rơi vào hoàn cảnh bế tắc cùng đường sẽ bị ác ma thúc giục họ làm việc ác, thậm chí tự tử để họ vào cùng hệ của ma quỷ.
Thật vậy, có một anh đến thưa với tôi rằng khi nằm ngủ mơ thấy có người bảo anh ta lấy dây tròng vô cổ thì an lành lắm. Tôi bảo nhờ có căn lành khiến anh tới chùa, Phật cứu anh. Nếu anh ở nhà sẽ bị quỷ thần vòng là người chết vì nghiệp treo cổ tự tử, tìm người đồng nghiệp cũng khổ đau, tuyệt vọng để xúi thắt cổ chết, giống như họ gọi là đồng tần số mới rủ anh đi được. Anh nói sau khi lạy Phật Quan Âm, cảm thấy nhẹ lòng và gặp tôi anh càng cảm thấy an lành. Tôi nói đó là nhờ anh được Phật gia hộ và gặp chư Tăng trong mùa an cư có công đức rất lớn, nên được an lạc hơn nữa.
Tôi nhắc các Phật tử đi hành hương, hay đến chùa lễ bái, nghe giảng pháp được an lạc là điều tốt thì nên tiếp tục tu như vậy. Nhưng có chỗ tập trung người tu mà tâm hồn họ chưa yên tĩnh, nghiệp chướng còn nhiều, tâm họ còn rối bời và tâm quý vị cũng vậy, Hai tâm hồn này gặp nhau không nói chuyện đạo mà lại nói chuyện vô ích, gặp như vậy, không nên theo sẽ bị nguy hiểm.
Phật dạy chúng ta tầm sư học đạo, phải tìm thầy hiền bạn tốt. Sợ lọt vào thầy tà bạn ác khiến bị lún sâu vào trần lao rất khó thoát ra. Khi Phật xuất gia, Ngài cũng tìm thầy để học và tìm bạn để tu. Đầu tiên Phật gặp ông Kamala tu thiệt và đắc thiệt là ông đắc pháp Ly sanh hỷ lạc, tức có được nguồn vui ngoài sự sống thế gian.
Đa số chúng ta tìm nguồn vui trong cuộc sống để thỏa mãn ngũ dục là ăn ngon, mặc đẹp, ở chỗ sang trọng, hưởng thụ vật chất đầy đủ, xem phim, coi hát cảm thấy rất thích thú. Quý vị sống ngoài đời biết những thứ này nhiều hơn tôi.
Ở bên ngoài, có hai thứ tiêu khiển mà người đời ưa thích, một là hài kịch làm người ta vui để quên nỗi khổ gia đình, khổ vì cơm áo gạo tiền… Hai là xem diễn bi kịch khiến người ta rơi nước mắt. Tất cả những trò giải trí này sau khi qua cuộc vui là buồn ập tới liền, những cái vui của ngũ dục không bao giờ kéo dài liên tục và khi cái vui giảm bớt thì người ta càng khổ hơn, vì điều kiện vui không còn theo ý mình nữa. Sẽ không được vừa lòng bởi về sau sức khỏe phải kém đi, đầu óc không còn nhạy bén, khả năng làm việc bị sút giảm, tiền kiếm ít hơn… Tình trạng này càng dồn dập thì cái vui càng khó có được. Vì vậy, có thể nói nửa cuộc đời về sau của con người thì buồn nhiều hơn vui và càng buồn càng dễ sống sa đọa. Sống buồn thì chắc chắn chết cũng khổ.
Vì vậy, Kamala dạy phải có nguồn vui tự thọ dụng nghĩa là vui từ trong lòng mình mới là của mình vĩnh viễn và cái vui không lệ thuộc bên ngoài mới đi theo mình qua đời sau được. Hiểu như vậy, cái vui nào còn lệ thuộc nên cắt bỏ. Thể hiện lý này, Phổ Hiền Bồ-tát dạy rằng những gì sau khi chết không mang theo được thì nên bỏ, những gì chết mang theo được thì nên tu, nên làm. Vì vậy, chúng ta phân ra cái đem theo được và không làm khổ để mình cố gắng thực tập.
Kamala dạy Ly sanh hỷ lạc là từ bỏ 4 việc ham muốn của thế gian. Một là tu không kẹt ăn uống là ăn gì cũng được, sống với cái của mình, không phải tham cầu muốn cuộc sống vật chất tăng để hưởng thụ nhưng khả năng yếu kém, phước báu không có, hoàn cảnh không cho phép thì phải khổ. Sống và bằng lòng với những gì mình có trong tầm tay, nên cắt tham vọng sẽ đỡ khổ.
Còn lòng tham quá lớn mới dẫn đến khổ đau. Thí dụ mình có căn nhà, người ta dụ cầm giấy tờ nhà để lấy tiền làm ăn có tiền lời gấp trăm lần gởi ngân hàng. Có người khóc nói với tôi rằng con bị gạt, họ trả tiền lời được một, hai tháng rồi quỵt luôn mà nhà cũng bị mất luôn. Tôi dạy hãy tính xem tiền vốn mình kinh doanh thì lời được bao nhiêu. Nếu được lời gấp mười lần thực tế làm sao được, đó là không thật rồi. Vì lòng tham làm mờ mắt thấy không thật là thật mới bị gạt. Ly sanh thì thấy thật là thấy được sự suy tính, lời nói, hành động của người lừa đảo thì làm sao mình tin họ được.
Riêng tôi, nhờ tụng kinh, lạy Phật, tâm yên tĩnh khiến tôi nhận ra ngay con người lừa đảo thể hiện qua cử chỉ không thành thật, qua ngôn ngữ xảo trá hay ánh mắt gian dối như vậy chắc chắn tâm hồn họ rất đen tối. Tu theo Phật và Phật là trí tuệ giúp mình thấy được âm mưu thủ đoạn của người thì không mắc lầm trong cuộc sống. Và tu cao hơn, không mắc lầm sau khi chết.
Quý vị hãy thử tập tu các pháp môn của Phật, tập những cái ngoài cuộc sống, bịt mắt, bịt tai lại thì còn cái thấy bằng tâm, nghe bằng tâm. Nghe tâm mình qua tâm họ thấy rất đúng.
Đầu tiên sử dụng tâm nghe người xung quanh và cao hơn, nghe được là kết nối được với tâm người tu thì được an lạc liền. Thí dụ nghĩ về Phật, tâm mình tiếp nối với tâm Phật dù Phật Niết-bàn đã hàng ngàn năm rồi, nhưng có nhân duyên căn lành nghe được pháp âm Phật, không nghe ngôn ngữ theo bình thường. Vì vậy, Phật tại thế có người hỏi, Ngài không trả lời. Họ hỏi sau khi chết, Ngài về đâu. Phật nói ta còn sống mà các ông còn không thấy, hỏi chuyện sau khi chết làm gì cho mất công.
Điều quan trọng của chúng ta, làm sao thấy Đức Phật bên trong Thái tử Sĩ Đạt Ta, Đức Phật bên trong Sa-môn Cù Đàm thì đó mới thật là Phật. Còn hình dáng bên ngoài của thái tử, của thầy Tỳ-kheo có sanh diệt, tu hành không quan trọng hình thức này. Thí dụ bây giờ quý Phật tử gặp tôi, mai mốt tới chùa không gặp nữa vì tôi già rồi không sống mãi được. Nhưng thấy được con người thật của tôi thì tôi tịch rồi đi đâu, quý vị cũng gặp được. Phổ Hiền Bồ-tát nói thầy trò sanh chung một chỗ giúp đỡ nhau tu, cũng như kiếp trước thầy trò chúng ta đã từng tu chung với nhau, nay mới gặp lại tiếp tục hỗ trợ, sách tấn thăng tiến Bồ-tát hạnh.
Những người không có căn lành với Phật, không có nhân duyên với Phật, dù đi chùa nhưng không có độ cảm với kinh, với Phật, nghe giảng kiếm một góc để ngủ, không nghe được vì không có căn lành.Người nghe bằng căn lành cảm thấy thấm thía lời Phật dạy, hiểu được, tu được. Vì vậy, nghe pháp bằng tai là nghe ngôn ngữ không phải pháp. Tuy nhiên, nhờ nghe ngôn ngữ và từ đó pháp thấm vô lòng mình mới nhận được pháp. Tôi tu hành, từ đầu cũng phải nghe ngôn ngữ, đọc tụng kinh điển nhiều lần và thấm được nghĩa lý kinh thì phải thấy khác. Vì vậy, nói rằng nghe mà nghe là nghe pháp thấm vô, được an lạc, nên họ mới thích đi chùa, tụng kinh, lễ sám. Có người nói sáng không đi chùa lạy Phật thì không an, nhưng đi chùa tụng kinh về đi làm thì mọi việc được tốt và tâm bình an. Tôi nói anh nhờ căn lành mới nghĩ đến Phật và Phật nghĩ đến anh, nên tâm an và việc làm được tốt. Đầu tiên, lạy Phật, tâm an lạc trước.
Hạng người thứ hai cao hơn, không nghe ngôn ngữ, nhưng nghe được pháp âm là nghe bằng tâm; đó là người tu thiền không dùng ngôn ngữ, ngồi yên nghe pháp từ trong tâm nên tâm sáng lần.
Mình từ ngôn ngữ nghe pháp thấm vào tâm lần khiến suy nghĩ hiểu giáo pháp rõ hơn. Tôi tu hơn 70 năm nhưng cảm giác pháp Phật mỗi ngày thấm sâu vào mình, từ đó tôi giảng kinh có khác vì tu làm mình hiểu Phật đúng hơn.
Ngồi yên không nghe, nhưng pháp sáng ra là không nghe mà nghe, là nghe bằng tâm, bằng căn lành. Vì vậy, các Phật tử đã trồng căn lành ở đời quá khứ, nên ngày nay tuy không gặp Phật nhưng tự phát tâm tu. Hoặc các vị Tổ cách Phật hàng ngàn năm vẫn có đời sống của người tu phạm hạnh làm gương cho đời là họ nghe Phật qua tâm yên tĩnh của họ.
Phật khuyên để tâm mình yên tĩnh sẽ nghe được những gì bình thường không nghe và được như vậy, dùng tâm yên tĩnh rà kiếm là tu. Kiếm ở đâu. Đầu tiên tôi rà vô các bộ kinh nói về hành trạng của Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng để coi suy nghĩ của mình có trùng với các Ngài hay không. Trùng là hai tâm gặp nhau thì vẫn gặp được người quá khứ. Vì vậy, tôi thường nói thích sống với người chết, thấy họ hay muốn làm bạn với họ. Còn người sống hiện tại thường làm mình bất an.
Như vậy, chọn đời sống an lạc thì phải sống với Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng, mình mới an. Người thế tục sống với cuồng tâm, vọng tâm, mình nói như vầy mà họ lại nghĩ khác thì cãi nhau vô ích. Tôi tu cảm nhận điều này rất rõ. Tôi cảm nhất Bồ-tát Quan Âm. Lúc trẻ, tôi đeo tượng Quan Âm, khi chưa có tượng Phật, tôi để vô tay áo hình Phật bằng giấy để khi gặp khó khăn thì lấy ra nhìn Phật. Về sau, người ta cúng tượng tôi đeo vào cổ, gặp nguy khó, tôi nhìn tượng để tạo mối quan hệ sâu sắc giữa mình với Phật.
Tôi không muốn quan hệ với cuộc đời gọi là Ly sanh vì thấy thế nhân quá nhiều phiền phức. Nhưng trải qua thời gian dài sống với Phật, với Bồ-tát, tâm bắt đầu lắng yên và sáng lên, thì bắt đầu sử dụng tâm đó để rà soát, thực tế là nghe chỗ có người chân tu thật học, có thuyết pháp thì tôi tìm đến nghe để xem có giống với mình chiêm bao, giống với kinh điển hay không. Nếu không giống thì bỏ đi, là tôi tìm thiện tri thức trong cuộc sống. Còn trước kia thì tôi tìm bạn trong tâm, sau mới tìm trong cuộc sống thấy người hợp thì tôi chia sẻ với họ và nhận lại sự hiểu biết của họ, đó là bạn đạo. Không tìm được bạn đạo như vậy, chỉ gặp người nhiều chuyện sẽ dẫn đến giận hờn, nói xấu.
Có bạn đạo, gặp thiện tri thức thì dễ cảm thông với nhau. Như tôi tin Quan Âm có linh nghiệm và bạn cũng tin Quan Âm được kết quả thế nào thì tôi và bạn này chia sẻ với nhau được. Chứ mình tin Quan Âm mà gặp người tu bác bỏ Quan Âm nói rằng kinh Nikaya không có Quan Âm. Gặp như vậy, tôi không cãi mà bỏ đi vì họ và mình không cùng một hệ. Họ không tin Quan Âm, vì không thấy, không nhận được cảm ứng, không có căn lành thì nói làm chi vô ích. Mình tin nhờ căn lành, nhờ Phật hộ niệm. Phật không hộ niệm làm sao tin được. Tôi cầu gì cũng được mới tin Phật. Cầu không được làm sao tin.
Bạn nghe nhau, hiểu nhau được, chấp nhận được là bạn từ đời trước rồi. Sang Nhật, tôi gặp Hòa thượng Ito lớn tuổi và phụ trách Phật giáo quốc tế. Tôi được ông đón tiếp và nói rất dễ thương rằng không phải chúng mình mới gặp nhau mà đã gặp nhau từ thời Phật tại thế. Hiện tôi thờ ông ở chùa Huê Nghiêm. Ông là bạn của tôi từ quá khứ tái sanh đời này, dù tuổi khác, quốc tịch khác, nhưng gặp nhau trong niềm tin Bồ-tát Quan Âm.Tìm bạn thiện tri thức là tìm người như vậy, tức mình và họ quý trọng nhau thực sự, Mình tu có được bạn tốt này thì nên cố gắng giữ gìn tình bạn tốt này, đừng để mất là đừng lợi dụng lòng tốt của bạn. Trồng căn lành ở bạn tốt là tìm cái tốt của họ và mình làm tốt hơn họ thì bạn này và mình cùng thăng hoa từ phàm phu lên Thánh vị.Tôi cũng có người bạn khác nữa, làm bạn hơn 50 năm là Hòa thượng Yoshimizu. Tôi cố gắng giữ cái tốt của ông và ông cũng vậy.
Tôi tin rằng đời sau các bạn tốt với mình sẽ tốt hơn để chung sức với nhau phát triển đạo pháp, vì một mình không làm được, phải có nhiều bạn tốt mới làm được việc lớn. Điển hình là Phật Thích Ca nói Phật A Di Đà làm Phật ở phương Tây nhờ Ngài có nhiều bạn tốt, nhiều người giỏi hợp tác, vì Ngài đã tu Bồ-tát đạo, đi khắp Pháp giới học và phục vụ chư Phật mười phương. Vì vậy, khi Ngài thành Phật thì chư Phật mười phương đã làm bạn với Ngài, mà Phật tất yếu phải giỏi, phải tốt, mỗi Phật cho Ngài một ít công đức thì Ngài làm gì cũng được. Đức Phật A Di Đà xây dựng Cực lạc rực rỡ một cách dễ dàng là nhờ tất cả các Phật hộ niệm, trong đó có Quan Âm, Đại Thế Chí.
Riêng tôi chưa làm được nhiều vì chưa có bạn tốt, chưa có học trò giỏi. Tôi chỉ bắt đầu xây dựng Học viện Phật giáo đào tạo người kế thừa. Tu Bồ-tát pháp là làm bạn với người tốt, dạy tất cả mọi người thành tài thì chắc chắn việc làm của mình sẽ thành công tốt đẹp.
Thể hiện lý này, Đức Phật Di Lặc chưa ra đời, vì đệ tử của Ngài còn dở. Nếu Ngài ra đời sớm, họ sẽ phá hư hết. Di Lặc ở cung trời Đâu Suất để tâm giáo dưỡng những người đệ tử hành Bồ-tát đạo ở Ta-bà cho đến khi họ giỏi như Quan Âm, Đại Thế Chí, Ngài sẽ hạ sanh.
Vì vậy, Di Lặc giáo hóa đại chúng bằng tâm. Ngài đang ở nội viện cung trời Đâu Suất nhưng người ở Ta-bà có căn lành và niềm tin nghĩ đến Di Lặc thì được Di Lặc đang giáo dưỡng. Có thể nói Bồ-tát Di Lặc được nhiều người tin hơn Quan Âm. Vì Nam truyền Phật giáo không tin Quan Âm, còn đối với Bồ-tát Di Lặc, cả Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo đều tin Bồ-tát Di Lặc, nên sức gia bị của Di Lặc cho thế giới này cao hơn vì Ngài sẽ thành Phật ở đây, chuẩn bị cho con người ở đây nhiều hơn.
Nếu ngài Di Lặc xuất hiện sớm khi chúng đệ tử không thuần thục, họ thấy chùa cao Phật lớn, có nhiều tiền, họ không tu mà xài phung phí làm băng hoại đạo pháp, cũng giống như con nhà giàu hư hỏng làm phá sản sự nghiệp của cha mẹ.
Vì vậy, Di Lặc trụ trong thiền định, với tâm sáng suốt hoàn toàn, Ngài quán sát trần gian thấy người tu thiệt, người tu giả, thấy Phật tử hộ đạo có tâm thành hay lợi dụng. Nói chung, Ngài biết rõ người tốt thì sẽ hộ niệm vì họ cần có phương tiện để tu, Ngài mới cho. Ngài không cho người không thực tu.
Học theo hạnh của Bồ-tát Di Lặc, chúng ta bố thí, cúng dường cũng phải cân nhắc ý này. Bố thí là chắp gối cho người đứng dậy vì họ đang khó, chúng ta giúp họ một phần để họ tiến lên được. Người đói thì phải cho ăn mới sống, nhưng sống phải làm việc, còn sống mà cứ chờ được cho nữa là họ sẽ mất phước. Với người có chí tiến thủ, nỗ lực làm việc nhưng còn nghèo thì mình giúp họ dựng nghiệp được trở thành giàu có.
Có bà Phật tử là đệ tử của Hòa thượng Trí Tịnh, bà phát nguyện một tháng tụng một bộ kinh Pháp hoa trong một ngày. Khi đi tụng kinh vào thời còn khó khăn, bà mang theo một ổ bánh mì ăn rồi tiếp tục tụng kinh. Khi thấy anh bên cạnh không có kinh tụng, bà mới để quyển kinh ở chính giữa để anh tụng theo. Đến trưa, anh không có gì ăn, bà cho anh một nửa ổ bánh mì. Bà chia sẻ cho người không có ăn, tuy không nhiều nhưng thể hiện tình người và anh này nhận ra lòng tốt của bà. Đến chiều về, bà hỏi nhà anh ở đâu. Anh nói không có nhà, ở ngoài Trung vô. Bà cho anh về nhà của bà, bạn tốt là như vậy. Anh rất siêng năng làm nhiều việc phụ giúp bà, anh cũng tốt với bà, đó là nhân duyên nhiều đời gặp lại nhau. Bà bảo anh ở lại giúp việc, mỗi tháng đi chùa tụng kinh, bà có người đưa đi và anh cũng có việc làm. Anh này siêng năng và giỏi được bà giúp vốn làm ăn, sau này anh trở thành tỷ phú.
Như vậy, bắt đầu chỉ cho nửa ổ bánh mì, rồi cho chỗ ở và việc làm, đến giai đoạn ba là giúp người phát triển. Đó là nhân duyên tốt giữa hai người, bà thương và giúp anh vì anh không có tánh lợi dụng và anh này siêng năng làm, nghĩa là có sự gắn kết giữa tình thương và sự siêng năng làm việc.
Nhưng cho người mà có ý lợi dụng và khinh khi họ thì họ nhận nhưng cảm thấy nặng lòng, cho đến lúc nào đó trở thành sự việc đáng sợ là thi ơn mắc oán. Thực tế cho thấy đem người về nuôi, một thời gian sau, nó dắt bạn về cướp sạch tiền của, thậm chí có trường hợp nó còn giết luôn người cho. Như vậy không phải là bố thí có trí tuệ và có tình thương theo Phật.
Phật dạy tu phải bỏ tất cả các việc ác, việc lành tốt phải phát triển, nhất là bạn tốt cần được tăng thêm. Trên cuộc đời này có thể chia ra ba hạng người mình thường gặp.
Một là bạn đạo tốt từ quá khứ mà hiện đời gặp lại. Cần ráng giữ tình bạn tốt này, đừng để mất vì kiếm lại bạn đạo tốt rất khó.
Hai là người vô thưởng vô phạt, không tốt cũng không xấu với ta. Nếu giúp được họ thì ta nên giúp để tạo thiện cảm. Và nhớ là giúp họ với tấm lòng chân thật, thương thực sự, không lợi dụng, không khinh thường mà biến việc thiện của mình thành việc ác thì làm sao tu và phải khổ cả đời. Với hạng người thứ hai này, nếu có điều kiện tốt thì ta giúp, nhưng họ chưa là bạn tốt thực sự của ta. Tuy nhiên, được giúp đỡ, lần lần họ cũng tốt với ta. Trong cuộc sống, ai cũng có hai thứ bạn vừa nói.
Ba là người luôn chống lại ta, dù cho họ ăn, họ cũng nói xấu mình. Riêng tôi, gặp người như vậy, tôi thấy vui vì nghĩ họ nói xấu mà mình tốt với họ là mình đã trả xong nợ rồi, khỏi gặp lại. Thiết nghĩ trên cuộc đời này không có gì là vô cớ xảy đến với mình, tất cả đều chịu quy luật nhân quả.
Thuở nhỏ tu, tôi gặp oan ức dễ bực. Hòa thượng Trí Quang dạy tôi rằng đời này chú chưa làm, nhưng đời trước làm rồi, trả đi con. Sau gặp lại họ không nói nữa vì nói cũng không ai nghe. Ráng tu, người nói gì cũng không sợ, chỉ sợ mình không tốt.
Ngài Huệ Tư bị nói xấu, đánh mắng, thậm chí bỏ thuốc độc hại ngài. Ngài nói người ta nói xấu cái nghiệp của tôi, hại cái nghiệp của tôi, hãy để cho cái nghiệp rớt xuống, đừng nhận cái nghiệp là mình. Ngài vui vẻ trả hết nghiệp và công đức sanh, đến khi vua Trần phong cho ngài là Đại Nhạc đại thiền sư thì những người từng nói xấu, hại ngài đều cảm thấy sợ ngài.
Noi gương Đại Thiền sư Huệ Tư, chúng ta cố gắng tu hành, chuyển nghiệp, giải nghiệp thì phước sanh, đời này và đời sau của chúng ta sẽ có nhiều bạn tốt và có đủ phước đức hành Bồ-tát đạo cho đến ngày thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Hòa thượng Thích Trí Quảng