Khi Thái tử Sĩ Đạt Ta thực tập thiền định theo đạo sĩ Kamala, Ngài đạt được Ly sanh hỷ lạc thì không lệ thuộc cuộc sống về tình cảm và cũng không lệ thuộc ăn uống ngủ nghỉ, đói khát, nóng lạnh; tâm hồn Ngài trong sáng, phiền não tiêu tan.
Tiếp đến bước thứ hai, Ngài vào Diệt tận định. Vào định này không buồn phiền đau khổ vì không dính líu đến cuộc đời, trở thành những nhà ẩn sĩ, hiền triết sống ở núi rừng, không liên hệ với thế nhân nên thấy yên lành hơn.
Lúc mới tu, tôi cũng thú vị với cuộc sống này, bỏ chùa lên núi Thị Vải ở, nghe chim hót, lòng an hơn. Còn về chùa, về xã hội, tiếng thị phi của con người nghe chói tai, mệt quá. Nhưng may mắn, gặp Hòa thượng Thiện Hòa khai phá Đại Tòng Lâm, Ngài khai ngộ tôi. Ngài nói Phật dạy rằng loài người văn minh hơn các loài khác, nhưng ông từ bỏ loài người để sống với khỉ vượn, ông muốn trở lại cuộc sống làm khỉ vượn hay sao.
Ngày nay, ở chùa Huê Nghiêm yên tĩnh quen, tôi về Ấn Quang làm việc chỉ vài tiếng thôi, xong việc cũng về lại chùa Huê Nghiêm.
Nói thiệt tình, ồn quá không vào thiền được. Vì vậy, Diệt tận định của ngoại đạo hoàn toàn cách ly thân tâm hành giả với cuộc đời. Cách ly như vậy, vào định được an, nhưng an trong sự vô tri là không biết gì xảy ra ở xã hội bên ngoài; đó là định của ngoại đạo.
Đức Phật đã chứng Diệt tận định này theo Uất Đầu Lam Phất với chủ trương hư không vô biên, thức vô biên, không có sở hữu vật chất riêng và không vướng kẹt ở nơi nào, nên đến đâu cũng được an lạc giải thoát.
Trong thời Phật tại thế, Ngài cũng có dạy ý này rằng Tỳ-kheo không ăn cơm một nhà hai lần, không ngủ ở một gốc cây hai đêm để tâm không vướng bận. Vì ăn ở nhà nào đó, nếu tâm mình nghĩ đến nhà này, rồi ngày mai lại tới nhà này xin ăn nữa là kẹt tình cảm xã hội, kẹt tình cảm gắn bó thầy trò thì không đi xa được. Dù thí chủ tốt cũng không nên tới đó xin cơm hai lần.
Đó là thực hiện pháp vô sở hữu, không bị lệ thuộc bất cứ cái gì. Pháp này cũng giúp người tu được an lạc giải thoát. Uất Đầu Lam Phất đã dạy như vậy và Đức Phật sắp xếp lại cho những người muốn thực tập pháp này để họ được giải thoát.
Thật vậy, vì nếu cho những người này tự do đi lại khất thực một nhà nhiều lần, họ sẽ lựa nhà tử tế cho ăn ngon để đến xin ăn hoài khiến họ bị dính mắc vào đó, không được giải thoát. Đối với hạng người tham chấp như vậy, Phật hạn chế tối đa, không cho liên hệ, không cho kết thân với người đời bằng cách không cho khất thực một nhà hai lần. Và Phật cũng không cho ngủ ở một gốc cây hai đêm, nếu không, tâm sẽ bị kẹt vào gốc cây đẹp, mát mẻ, rồi dọn dẹp, sửa sang chỗ đó, dần dần cất cốc am, mở rộng địa bàn…, không còn cuộc sống giải thoát.
Hành giả khất thực chỉ đi trên con đường vô định, không có chỗ tới cũng được an lạc giải thoát. Thuở nhỏ, tôi được các vị tu khất sĩ dạy bài kệ dễ thương rằng:
Gót Tăng sĩ bốn phương trời rảo bước
Cõi Ta-bà đâu chẳng phải nhà ta
Một mình đi với một bình bát ca-sa
Đói xin ăn dưới gốc cây nằm ngủ
Mùi phú quý mặc ai hưởng thú
Bả vinh hoa ta có tiếc gì
Vững một lòng tu đạo từ bi
Diệt phiền não cõi lòng thường thanh tịnh
Có ly dục mới rõ điều huyền bí
Tạo pháp thuyền ra cứu khổ chúng sanh
Hạnh phúc là đời sống yên lành
Tu giải thoát là đạo thiền cao quý.
Vì vậy, có thể khẳng định rằng xưa kia Đức Phật đã ứng cảm tùy cơ của những người muốn giải thoát, không bị vướng mắc ăn ở, Phật mới dạy pháp phương tiện là không khất thực một nhà hai lần, không ngủ ở một gốc cây hai đêm.
Và từ pháp Diệt tận định là định mà không biết gì của ngoại đạo, chỉ dẫn người ta đi vào ngõ cụt vô ích và nguy hiểm, Đức Phật tiến tu, Ngài đã chứng đắc đỉnh cao của định là Vô lượng nghĩa xứ định khi Ngài thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.
Với Vô lượng nghĩa xứ định, Đức Phật hoàn toàn biết rõ mọi việc trong mười phương từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai xa, khác hẳn Diệt tận định không biết gì, kể cả việc ngay bên cạnh.
Thật vậy, vào Vô lượng nghĩa xứ định, theo kinh Pháp hoa, Đức Phật phóng quang cho chúng ta thấy cảnh khổ của địa ngục A-tỳ cho đến cùng tột cõi trời Hữu đảnh. Ở cõi trời này, sống trong định này là đạt Vô sanh quả, tức không sanh không chết. Qua ánh quang của định Vô lượng nghĩa cho chúng ta thấy toàn cảnh của Phật chứng đắc.
Và trong suốt cuộc đời giáo hóa độ sanh, Đức Phật thành tựu hoàn toàn việc giáo dưỡng những đệ tử hữu duyên bằng huệ nhãn của định Vô lượng nghĩa. An trụ định tối thượng này, Đức Phật luôn biết rõ cần đến nơi nào, vào thời điểm nào để cứu độ người nào. Vì vậy, chỉ trong một đêm mà Phật đã cảm hóa được 1.200 người ngoại đạo nổi tiếng đương thời, hoặc giáo hóa những người thuộc hàng ngoại cấp đứng bên lề xã hội Ấn như sát nhân Vô Não, người hốt phân Sunita, kỹ nữ Liên Hoa Sắc, thậm chí Phật còn tức thời chấm dứt chiến trận của hai đạo binh chuẩn bị khai hỏa.
Tất cả việc cứu độ của Đức Phật hoàn toàn nhẹ nhàng, thanh thản, thành công viên mãn theo định hướng, định lực của Phật trong Vô lượng nghĩa xứ định vậy.
Hòa thượng Thích Trí Quảng