Xưa kia, Đức Phật Thích Ca từ bỏ cuộc sống nhung lụa của bậc đế vương để tiến bước trên con đường của hàng Thánh giả, sống một cuộc đời phạm hạnh cao quý.
Ngài trở thành đấng Pháp vương Vô thượng, chẳng những đứng trên tất cả các vua đương thời của nhân gian mà còn ngự trị bất tử ở ngôi vị tối tôn trong suốt hơn hai mươi lăm thế kỷ.
Cuộc sống xả tục, xuất gia của Đức Phật vẫn là mô hình toàn mỹ, toàn bích, tác động đến các vị vua sau này, thôi thúc họ cũng hành động như Phật, rũ sạch tình ái lợi danh, theo đuổi cuộc sống giải thoát, thánh thiện. Điển hình như vua Trần Nhân Tông mang ước vọng xuất gia mãnh liệt, lúc nào cũng cố thu xếp công việc triều chính để sớm được đi tu. Mãi đến cuối cuộc đời, ông mới toại nguyện. Dù muộn, nhưng ước mơ của ông đã thành hiện thực, vẫn còn hơn Tống Nhân Tông hay Khang Hy hoàng đế.
Khang Hy hoàng đế than rằng làm vua suốt cuộc đời không bằng làm thầy tu nửa ngày. Tống Nhân Tông thì ao ước đến độ thốt lên: “Trẫm được sống như ông thầy tu thì thiên phước, vạn phước!”.
Từ thuở nhỏ xuất gia, tôi vẫn thường suy nghĩ tại sao các ông vua này mộ đạo đến như vậy. Tống Nhân Tông nổi tiếng là vua hiền đức, cao minh ở Trung Hoa, đời Tống. Một hôm, ông giả thường dân, đi vào xóm làng, lóng nghe dân tình. Ông quan sát thấy rõ cuộc sống đạo đức, thanh thản của chư Tăng ở chùa khiến cho người dân mến mộ, kính ngưỡng. Họ tự đến cúng dường, công quả một cách nhiệt tình, không cần kêu gọi, không phải nài ép, dụ dỗ, khác hẳn với cuộc sống tính toan phiền muộn ở triều đình, thật khổ tâm nhọc trí mà nào dân tình có thương, họ vẫn ta thán.
Ông nhận chân được cuộc sống xuất gia là cái gì siêu tuyệt, quý báu hơn cả ngai vàng, nên làm bài phú ca ngợi và mong mỏi ngày nào đó, được gia nhập chốn thiền môn, sống an lạc trong ánh đạo.
Từ Phật Thích Ca cho đến vua chúa thấy rõ những gì tốt đẹp, đáng quý còn mãi trên cuộc đời, mới sẵn sàng vứt bỏ những gì mong manh, tạm bợ và an trú trong cuộc sống thánh thiện. Riêng chúng ta đang sống ở chùa, mang danh người tu, chẳng lẽ không hưởng được phần nào hương vị giải thoát cao quý hay sao.
Đối với tôi, bài phú dưới đây của Tống Nhân Tông ca ngợi đời sống xuất gia đã in sâu vào tâm trí. Tôi thường lấy đó làm tiền đề suy tư trong cuộc sống tu hành, cố tìm ra nét sáng đẹp trang nghiêm thân tâm:
Phù thế gian tối quý giả, bất như xả tục xuất gia.
Nhược đắc vi Tăng, tiện thọ thiên nhân cúng dường.
Tác Như Lai chi đệ tử, dữ Hiền Thánh chi tôn thân.
Xuất nhập ư kim môn chi hạ, hành tàng ư bảo điện chi trung.
Bạch lộc hàm hoa, thanh viên hiến quả.
Xuân thính Oanh đề, điểu ngữ, diệu lạc thiên cơ.
Hạ văn Thiền thấu cao ngâm, đản tri diêm nhiệt.
Thu đỗ thanh phong, minh nguyệt, tinh lãng quang huy.
Đông quang tuyết lãnh sơn xuyên, bồ đoàn noãn tọa.
Nhậm tha ba trù lãng khởi, chấn tích trượng dĩ đằng không.
Giả nhiêu thập đại ma quân văn danh nhi quy Chánh đạo.
Bảng hướng vân đường phó cúng, chung minh thượng điện phúng kinh.
Bang bang như ý, chủng chủng hiện thành.
Sanh tiền vi thiên nhân chi sư, một hậu định quy ư Thánh quả hỷ.
Trẫm đắc như thử, thiên phúc vạn phúc.
Nghĩa là luận về cuộc sống ở thế gian, điều tối thượng cao quý nhất không gì hơn là bỏ tục xuất gia. Vua ca ngợi như thế, nhưng trở lại thực tế, tự xét thân phận chúng ta có được như vua nói hay không. Nếu không có gì cao quý, còn bị xem thường thì chúng ta cần suy nghĩ lại, tu thế nào để người kính trọng và tu sao để cho người khinh dể.
Thiết nghĩ “Tối quý giả”, hay cố gắng nắm bắt, thực hiện cho được điều cao quý mà Phật dạy, đó là lý tưởng cao quý của người xuất gia hằng theo đuổi. Nếu là Tăng đúng nghĩa, phải được chư Thiên cung kính, loài người cúng dường. Nhận xét này của vua Tống không quá đáng.
Trên thực tế, tôi thấy cuộc đời hành đạo của các vị Hòa thượng thể hiện phước đức đúng như vua nói. Trái lại, chúng ta còn bị khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, e rằng không phải là hình ảnh đẹp mà vua Tống ca ngợi.
Ở ngôi vị cao sang tột đỉnh của vua, khó mà tìm được người bạn tốt chân tình, không thể nghe được lời xây dựng chân thật. Xung quanh ông đầy dẫy kẻ bám theo nịnh bợ, xin xỏ để được phong quan tiến chức, hưởng lợi. Còn phước làm vua, kẻ đón người đưa tâng bốc. Tuy nhiên, ngồi trên ngôi vị cao tột nhưng lòng không yên, chẳng biết ngày giờ nào, mạng sống kết thúc vì bạn phản đứng kề bên cạnh theo dõi, ám hại.
Một ngày vua được tạm rời bỏ thế giới quyền uy, tranh chấp, sát hại, tránh xa những bạn bè, cộng sự gian dối, ác độc, ông vào chốn thiền môn sống với những tâm hồn thoát tục, cảm nhận thế nào là niềm hạnh phúc vô biên khi được làm đệ tử của Như Lai, kết bạn với Hiền Thánh.
Như Lai là đấng phước đức trọn lành, trí tuệ viên dung. Sống với vị Đạo sư phước trí vẹn toàn có khả năng chi phối cả tứ sanh lục đạo thì còn gì quý hơn nhỉ.
Bên cạnh thầy, còn có bạn đồng hành thuộc hàng Hiền Thánh, chắc chắn không bao giờ tranh giành sát hại hơn thua như bạn thế gian của vua. Pháp lữ của sư đều mang chí nguyện cao cả, trên cầu Phật huệ, dưới mở lòng từ bi cứu độ chúng sanh. Kề cận những bậc chân tu thật học, sống ngoài lợi danh trần thế, tận hưởng biết bao điều thiện mỹ giúp cho thân tâm nhẹ nhàng, giải thoát, còn gì sung sướng hơn.
Người mà sư thân cận, học hỏi đều thánh thiện. Nơi sư ở thì cửa ra vào sơn son thếp vàng (kim môn). Chỗ sư tụng kinh là bảo điện, là kho tàng Như Lai đầy ắp của báu sử dụng muôn đời không hết. Phước báu vô lượng đó, người đời thường ca ngợi rằng “Của vua thua của Phật”.
Tự nghĩ lại, chẳng lẽ chúng ta không dùng được gì trong kho báu mà Đức Từ phụ để lại cho chúng ta hay sao.
Phong cảnh ở chốn thiền môn thanh tịnh và con người đức độ, tất cả tỏa sức cảm hóa muông thú đến cúng dường, nai dâng hoa, khỉ cúng trái. Cả môi trường sống hài hòa trong thế giới thương yêu, hiểu biết, dìu dắt, đùm bọc nhau cùng phát huy sự sống cao thượng. Cái thân ngoại vật của người tu không kẹt lợi danh, tình ái.
Từ chỗ an trụ thanh nhàn đó, sư sống trong pháp Phật, nhìn đời với đôi mắt giải thoát, thấy được bộ máy tạo hóa sẽ diễn biến như thế nào. Sư ung dung tự tại trước dòng thời gian. Nghe tiếng chim oanh hót, biết mùa xuân đến. Nghe tiếng ve sầu báo hiệu mùa hạ sang. Ngắm trăng sáng và muôn ngàn vì sao lấp lánh trên bầu trời, hòa cùng gió mát, biết là thu tới đông về. Trong khí lạnh của núi rừng, sư an nhiên trên thiền sàng và đi vào Pháp giới.
Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông lặng lẽ trôi qua trước mắt sư, lòng không gợn sóng. Dù sóng vỗ ba đào của cuộc đời gào thét, dồn dập thế nào, sư vẫn an nhiên như người lướt đi trên mây gió, chẳng chút bận lòng. Tuy thân tâm thoát tục, nhưng lòng từ của sư không hề rời bỏ cuộc đời. Vì vậy, ngay cả hàng tà ma ngoại đạo, hay người hung ác nhất, nghe tên sư, đều tìm đến xin quy y, học đạo.
Hàng ngày, sư nghe tiếng bảng báo hiệu, đắp y đến trai đường thọ thực. Nghe tiếng chuông điểm đến giờ tụng kinh. Sống đơn giản, nhàn hạ mà mọi việc trên cuộc đời không bao giờ trái ý, từng việc nối tiếp nhau thành tựu tốt đẹp. Lúc tại thế, sư làm thầy của trời người. Bỏ thân huyễn mộng, trở về vui sống nơi cõi Thánh. Trẫm mà được cuộc đời giống như vậy thì quả thật là thiên phước, vạn phước.
Qua bài phú trên, vua Tống cảm nhận được cuộc sống thanh nhàn, giải thoát của người xuất gia. Quan sát bề ngoài, thấy các ngài chẳng bận tâm đến cuộc đời. Tuy nhiên, bên trong thân tướng giải thoát ấy tiềm ẩn cả một sức cảm hóa mãnh liệt, tác động từ người hiền cho đến kẻ hung ác và cả muông thú đều quy phục. Họ tự động ra sức công quả, hay mang tiền của cúng dường trong niềm hoan hỷ.
Tôi từ thuở nhỏ thấm nhuần giáo lý Phật-đà, hơn 70 năm hành đạo nhận thấy người tu đều lo cho đạo; nhưng lo mà đóng góp được cho đạo, lại là việc khác. Vì vậy trên thực tế, không ít người lo cho đạo nhưng thực sự không làm được gì, cho đến bỏ cuộc.
Theo tôi, có hai cách hành đạo. Hạng người thứ nhất có lo và có làm mà ai cũng thấy biết được việc của họ. Hạng người thứ hai, không thấy họ lo, chẳng thấy họ làm, nhưng sự tác động cho cuộc sống tu hành của họ và người đều tốt. Đối với tôi, người tu giải được pháp vô vi và hành vô vi pháp mới là điều chính yếu cần thiết.
Từ thuở bước chân vào chốn thiền môn tu học, tôi luôn cố gắng tìm hiểu và thực hành pháp vô vi. Theo tôi, đạo Phật tồn tại xuyên suốt thời gian dài hàng ngàn năm cũng chính nhờ những người nắm giữ pháp hành vô hành. Vì không thể thấy, không thể hiểu nên thiên ma, ngoại đạo mới không đủ sức phá hại. Pháp hữu hình, hữu vi, tất yếu phải bị hoại diệt theo thời gian và dễ bị người khuấy phá.
Theo tôi, có hai cách hành đạo. Hạng người thứ nhất có lo và có làm mà ai cũng thấy biết được việc của họ. Hạng người thứ hai, không thấy họ lo, chẳng thấy họ làm, nhưng sự tác động cho cuộc sống tu hành của họ và người đều tốt. Đối với tôi, người tu giải được pháp vô vi và hành vô vi pháp mới là điều chính yếu cần thiết.
Tôi muốn nhắc nhở phần lớn Tăng Ni thích tu học pháp hữu vi, vì dễ tu dễ học. Tuy nhiên, thực chất của đạo Phật vượt xa những sự bình thường hạn hẹp ấy. Người xuất gia bỏ cuộc đời tầm thường để có cuộc sống phi thường. Nếu tâm còn nghĩ đến gia đình, hơn thua, lợi danh…, người đó chưa vào đạo, dù mặc áo Phật.
Người xuất gia hiểu và làm vượt hơn người thường mà kinh thường diễn tả là đi ngược dòng sinh tử. Nói cách khác, thường nhân dùng thủ đoạn mua chuộc, chinh phục người, dùng quyền lực ép buộc, sai khiến người để thủ lợi cho bản thân mình. Trái lại, chúng ta tu hành, không dùng bất cứ mưu mô nào, dù ta thừa sức, không bắt buộc ai phục dịch, cúng dường, không kêu gọi xin xỏ tiền của ai. Chỉ một lòng trụ trong pháp Phật, giữ cho ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh và sống theo sự chỉ đạo của trí tuệ vô lậu. Từ đó, tạo thành lực dụng có sức thuyết phục, giáo hóa người khiến họ tự động phát tâm cúng dường hay góp sức công quả.
Cuộc đời của Đức Phật và các vị Thánh Tăng thể hiện rõ nét lực cảm hóa bằng đức hạnh và trí tuệ trong sáng.
Riêng tôi, thường tự nghĩ cuộc đời chỉ là quán trọ, ở tạm một khoảng thời gian để thực hiện hạnh nguyện hoằng truyền Diệu pháp. Khi mãn duyên về với Phật. Vì vậy, tuy thân ở thế gian, nhưng lòng không xa Phật. Cố gắng làm Phật sự thành tựu tốt đẹp để nhanh chóng trở về. Ta-bà đâu phải là chỗ nương thân vĩnh viễn của người xuất gia mà lo tranh chấp hơn thua.
Tóm lại, Tăng Ni lập chí xuất trần, bước theo lộ trình thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Dù chúng ta chưa đạt được Thánh quả, nhưng noi theo gương sáng của Đức Phật và các vị Thánh Tăng, chúng ta một lòng vượt khó, cố gắng tinh tấn tu học, nhứt tâm trau dồi giới đức, tiến tu Tam vô lậu học.
Trong mùa an cư gặt hái được hương hoa trí tuệ và đạo hạnh giải thoát để dâng lên cúng dường chư Phật, đền đáp công ơn giáo dưỡng của các bậc tôn đức cũng như đàn-na thí chủ, Hộ pháp Long thiên đã trợ lực, cúng dường cho chúng ta chóng thành Phật quả.
Hòa thượng Thích Trí Quảng